Chơi đồ hàng

Không có những đồ chơi hiện đại, đủ sắc màu xanh đỏ để chơi đồ hàng như trẻ em bây giờ, nhưng ngày ấy, những thứ đồ chơi do chúng tôi tự sáng tạo cũng đem lại cảm giác say mê, háo hức, cuốn hút lũ trẻ chúng tôi.
Ảnh minh họa

Không có những đồ chơi hiện đại, đủ sắc màu xanh đỏ để chơi đồ hàng như trẻ em bây giờ, nhưng ngày ấy, những thứ đồ chơi do chúng tôi tự sáng tạo cũng đem lại cảm giác say mê, háo hức, cuốn hút lũ trẻ chúng tôi.

 Địa điểm để chơi đồ hàng ngày ấy thường diễn ra dưới gốc cây gạo cổ thụ ngoài sân đình, nơi ngập tràn không gian và ánh sáng để chúng tôi thỏa thuê nô đùa với những trò mua bán, bắt chước người lớn. Nhóm chơi gồm 3 đến 5 người, hầu hết là con gái, thi thoảng mới có con trai tham gia. Có hôm có cả trẻ làng bên sang chơi lên tới gần chục người, thành một cái "chợ" nhỏ, mua mua, bán bán rộn rã, huyên náo. Để có được một buổi "chợ" như thế, chúng tôi đã phải chuẩn bị rất nhiều thứ. Trước đó, trong lúc đi cất vó tép hay chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng, chúng tôi túm năm tụm ba rủ nhau tranh thủ lấy đất sét hí hoáy ngồi nặn đủ các loại xoong, nồi, ấm, chậu, bát, đĩa… to nhỏ khác nhau rồi đem phơi khô trên bờ ruộng, đến cuối buổi mang về giấu vào ngăn bàn học. Nhiều đứa khéo tay còn nặn cả hình các con giống gồm cá, chim, cua, tôm, trâu, bò, lợn, gà…, sinh động chẳng kém gì đồ chơi bằng nhựa của trẻ con bây giờ. Thế nên có hôm mặt mũi, quần áo đứa nào cũng lấm lem bùn đất. "Tiền" của chúng tôi là những tờ giấy kẹo đủ màu sắc được vuốt phẳng phiu để dành sau khi ăn và được quy định "mệnh giá" khác nhau. Đến buổi họp "chợ", mặc dù thường xuyên diễn ra nhưng lần nào chúng tôi cũng thấy háo hức và chờ đợi. Chúng tôi rủ nhau lấy sợi tơ hồng giả làm miến, lấy lá cây râm bụt, rau dền và cả những cây rau dại bó thành từng bó nhỏ xíu; rồi chọn những quả mồng tơi tím thẫm, những quả găng, quả xoan vàng óng… giả làm táo, làm cam. Để giống như thật, có đứa lén mang nắm thóc, nắm gạo từ nhà đi, giấu vào túi áo, đến nơi mới dám bỏ ra. Đứa thì mang cái mẹt, cái thúng… rồi cũng cắp vào bên hông, đội lên đầu đi qua, đi lại. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để cho chúng tôi bày ra nhiều trò thú vị. Chúng tôi chia đều "tiền", thay nhau làm kẻ mua, người bán, cũng nói thách, trả giá, bác bác, em em, bà bà, tôi tôi đủ cả. Có hôm đang chơi, vì không "thuận mua, vừa bán" nên cũng có đứa "át xít" nhau, dỗi bỏ về, nhưng hôm sau đã thấy bá vai, bá cổ rủ nhau đi học. Đến cuối buổi, chúng tôi kiểm tra, ai có nhiều "tiền" người đó thắng và được cất giữ toàn bộ số "tiền" của cả nhóm để dành đến "phiên chợ" sau. Nhiều lần vì mải chơi, chúng tôi quên cả trâu ngoài đồng, quên cả thời gian nấu cơm, lấy rau lợn và cho gà ăn, đến khi nhớ ra thì đã nhọ mặt người. Lúc ấy, đứa nào đứa nấy mới mải mốt chạy về nhà.

 Đám trẻ chơi đồ hàng cùng tôi ngày ấy nay hầu hết đã trưởng thành. Ở thành phố, thậm chí ở cả nông thôn bây giờ lâu lắm rồi tôi không thấy trẻ con chơi đồ hàng bằng quả găng, quả mồng tơi, bằng con gà, con chó nặn từ đất sét như chúng tôi thuở trước. Đồ chơi của các em được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như nhựa, cao su…, màu sắc đẹp, bền và giống y như thật nhưng không gian dường như chật hẹp hơn, chỉ vỏn vẹn trong nhà hay khoảng sân trước cửa. Thời gian dành để chơi đồ hàng của các em cũng không nhiều vì còn phải học thêm và có nhiều trò chơi hiện đại, lôi cuốn hơn. Song, có một điều tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc là trong ánh mắt của các em bé đó vẫn rạng ngời sự háo hức, say mê, hồn nhiên như chúng tôi thuở trước…

Thanh Thủy

Đọc thêm