Chơi game thế nào để học sinh không lạc lối?

(PLO) - Game giúp người chơi hóa thân thành nhân vật, trải nghiệm những cảm xúc mới mà thực tế không thể thực hiện khiến không ít bạn trẻ bị “nghiện”…
Game dễ mắc “nghiện” (ảnh minh họa).
Game dễ mắc “nghiện” (ảnh minh họa).

Tại sao game cuốn hút học sinh?

Game hay còn được gọi là “trò chơi điện tử” đã du nhập vào Việt Nam từ khá sớm vào những năm 1980. Tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X rất quen thuộc với chiếc máy xếp gạch chạy pin, game cầm tay 6 nút, playstation, game wii… Theo thời gian và sự phát triển côn nghệ và internet game online ra đời, cao hơn nữa là game thực tế ảo.

Đối với các học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh THPT FPT, vấn đề game online càng nóng hơn khi 100%  học sinh của trường đều có laptop cá nhân, môi trường nội trú cùng yêu cầu học và ứng dụng nhiều CNTT, công nghệ số đang tạo nhiều thuận lợi cho việc chơi game online và trở thành mặt trái trong thời đại công dân số.

Anh Nguyễn Đức Hoàng - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển ứng dụng Đa phương tiện, Giảng viên khoa Công nghệ Đa phương tiện Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết: “Game là hoạt động tương tác, có luật chơi, có kết quả không ngang bằng. Game là vui chơi có luật lệ và mục đích”. Game online là những trò chơi hoạt động trên nền tảng internet".

Anh Hoàng (từng là một game thủ chuyên nghiệp, nay lại làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực game) lý giải tại sao game lại rất hấp dẫn: “Game giúp người chơi được hóa thân thành nhân vật, trải nghiệm, cảm xúc những thứ mới mẻ mà thực tế không thể thực hiện, thậm chí là không thể tưởng tượng được, ví dụ như lái tàu vũ trụ, nhảy từ trên đỉnh núi xuống, có sức mạnh ảo to lớn, không lo lộ mặt… Bên cạnh đó đồ họa game còn rất đẹp mắt, có các chế độ tính điểm, vượt qua các chặng, tăng cấp độ làm người chơi luôn có tâm lý tò mò, khám phá và chinh phục”.

Cũng theo anh Hoàng, các em hay chơi game liền một mạch rất hại cho sức khỏe. Dù chơi 1-2h cũng phải thỉnh thoảng đứng lên uống nước, vươn vai. Game thủ chuyên nghiệp phải tập thể thao để có sức khỏe, phải chia giờ chơi hợp lý. Game thú vị là thế, nhưng ham mê quá độ có thể dẫn đến xa rời cuộc sống thực, đau vai gáy, tốn quá nhiều thời gian vào việc giải trí, suy giảm thể lực, trí tuệ, xa rời các mối quan hệ xã hội, thậm chí là quá nhập tâm vào những game bạo lực có thể ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi.

Bởi lẽ, bên cạnh các bạn không chơi game mà thích xem phim, nghe nhạc, nhiều học sinh có chơi game, có em chơi 1 giờ/ngày, cá biệt có em chơi 6 giờ/ngày. Lê Ngọc Minh Đức lớp 10A2 chia sẻ: “Em không chơi game quá nhiều, chủ yếu vào cuối tuần em thường chơi 5 -6 tiếng. Phần nhiều các bạn nghiện game đều muốn chơi đến trình độ cao, vì thế gây ra cảm giác hưng phấn, muốn tập trung quá độ… ảnh hưởng đến cuộc sống học tập”.

Không gọi con là nghiện game

Chia sẻ về tác hại của việc chơi game quá đà, ông Nguyễn Khánh Duy - Tổng giám đốc điều hành tại Tofu Games cho biết nghiện game gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, mất thời gian, mất đi nếp sống khoa học và lành mạnh... Điều này phản tác dụng so với mục đích ban đầu của game là để giải trí. “Nếu bạn nào chơi game để trở thành game thủ phải rất đều đặn và có khoa học, như vận động viên thể thao tập luyện điều độ. Chơi game phải đi kèm vận động và các chế độ khác đi kèm, không phải là liên tục từ sáng đến chiều như mọi người vẫn nghĩ.”

Ông Nguyễn Khánh Duy cho biết thêm: “Tâm lý mọi nhà sản xuất game đều muốn game của mình trở nên phổ biến, nhiều người chơi nhất nhưng nhà sản xuất cũng không muốn gây tổn hại đến người chơi. Do đó các em đừng đến bị cuốn theo các trò chơi ảo”.

Ông Khánh Duy cũng bày tỏ ba mẹ không nên gọi các con là những con nghiện game, đó là một điều đáng sợ và nguy hại, các bạn trẻ  tâm lý sẽ rất dễphản ứng. Thay vì thế, phụ huynh hãy ngồi xuống nói chuyện với con. Đối thoại với ba mẹ là quan trọng, để các em hiểu ba mẹ và ba mẹ cũng sẽ hiểu thêm về game. Các em hãy chủ động nói chuyện và hiểu ba mẹ mình, và học tập tốt. Đó là cách để thuyết phục bà mẹ cho chơi game, vì cuối cùng game cũng là một cách giải trí, dùng đúng chừng mực và không làm ảnh hưởng đến mọi người sẽ là có lợi, ông Khánh Duy nói.

Thầy Trần Vũ Quang - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: với triết lý đào tạo “Tôn trọng cá nhân” và tự do phát triển của của FPT School, nhà trường không cấm nhưng khống chế thời gian các bạn chơi game. Thầy cũng chia sẻ các bạn học sinh chơi game theo nhiều kiểu khác nhau: có nhóm chơi game để giải trí sau giờ học căng thẳng, và điều hướng được mục đích chơi game, nhưng cũng có nhóm quá đam mê game với nhóm này thầy Trần Vũ Quang cũng nhấn mạnh rằng nếu không tiếp cận vấn đề một cách thông minh, học sinh rất dễ bị lạc lối và lệch với mục tiêu ban đầu là giải trí của mình, sa đà vào game và làm ảnh hưởng đến việc học.

Ông Tạ Hà Phương - Phó Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh trường THPT FPT bày tỏ “Các bạn trẻ nói chung ai cũng muốn được ba mẹ tôn trọng, được lắng nghe, các bạn chơi game không muốn bị bố mẹ cấm cản. Nếu các con chứng minh được với ba mẹ và thầy cô rằng mình tự chủ khi chơi game và không ảnh hưởng đến các mục tiêu tương lai của mình, thì tôi tin các bậc phụ huynh sẽ tôn trọng lựa chọn của con”.

 Vị đại diện phụ huynh học sinh này cũng cho biết con trai ông chơi game từ năm lớp 8, có một thời gian bạn chơi game nhưng giấu bố mẹ, bố mẹ phải rình rập ngăn cấm, quản thúc, nhắc nhở rất mệt mỏi. Sau nhiều lần trao đổi trực tiếp, đến lớp 10 con trai ông Phương đã tự giác hơn không để chơi game ảnh hưởng đến học tập, trung bình học tập đạt 8,4 điểm. “Từ đó, bác không còn quá gay gắt với con nữa, trong tuần bạn sẽ tập trung việc học và đến cuối tuần thoải mái chơi game. Nếu các con chứng minh được với ba mẹ và thầy cô rằng mình tự chủ khi chơi game và không ảnh hưởng đến các mục tiêu tương lai của mình, thì bác tin ba mẹ sẽ tôn trọng lựa chọn của con và không kiểm soát”, ông Phương nhắn nhủ với các bạn học sinh THPT FPT.

Cựu học sinh của THPT FPT Nguyễn Quang Linh hiện du học tại Trung Quốc cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân từ một người nghiện game nặng đã thoát ra như thế nào. Bí quyết của Nguyễn Quang Linh chính là nhận ra kịp thời và tự cân đối chơi game, học hành và thể thao.

Đọc thêm