Chọn kênh đầu tư có lãi

Muốn tiền đẻ ra tiền, thì phải đầu tư. Tuy nhiên, chọn kênh đầu tư nào trong điều kiện thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay?

Chọn kênh đầu tư có lãi ảnh 1
 

Muốn tiền đẻ ra tiền, thì phải đầu tư. Tuy nhiên, chọn kênh đầu tư nào trong điều kiện thị trường diễn biến phức tạp như hiện nay?

Chọn kênh đầu tư nào là câu hỏi luôn được các nhà đầu tư cá nhân đặt ra trong điều kiện thị trường diễn biến phức tạp, khó lường, khi xuất hiện “sóng” lớn và “lướt sóng” là phương pháp đầu tư áp đảo.

Để trả lời câu hỏi đó, một mặt phải căn cứ vào diễn biến thị trường trong quá khứ, đồng thời lường định các yếu tố tác động trong thời gian tới, dự đoán chỉ số giá tiêu dùng.

Với thực tế hiện nay, trước tác động của giá lương thực, thực phẩm tăng lên do lúa mùa ở miền Bắc bị sâu rầy làm giảm năng suất, lũ lụt ở miền Trung, tỷ giá ngoại tệ tăng…, chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng cuối năm nay được dự báo sẽ tương tự như 3 tháng cuối năm ngoái (2,31%) và như vậy, chỉ số giá tiêu dùng cả năm sẽ tăng gần 9%.

Giá vàng đã tăng mạnh từ cuối tháng 9 và cuối tuần qua đứng ở mức trên 32 triệu đồng/lượng. Theo dự đoán, giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng do kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, thất nghiệp ở một số nước tăng, nhiều ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư lớn tăng cường mua vàng... Bên cạnh đó, giá vàng thường tăng cao vào những tháng cuối năm. Việc giá vàng tăng cao đang hút một lượng tiền đáng kể vào kênh này.

Mặc dù vàng có xu hướng chung là tăng giá, nhưng biến động theo hình răng cưa. Hơn nữa, sóng càng lớn, đỉnh sóng càng cao, thì đáy cũng xuống sâu, nên cần cẩn trọng kẻo mua ở đỉnh, bán ở đáy như đã từng xảy ra.

Về ngoại tệ, không chỉ tỷ giá USD tăng lên, mà VND còn xuống giá so với nhiều đồng tiền khác, như yên Nhật, nhân dân tệ của Trung Quốc, baht của Thái Lan... Chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức đã được thu hẹp sau các đợt tăng tỷ giá VND/USD của Ngân hàng Nhà nước, nhưng hiện tại lại gia tăng, tạo sức ép lên tỷ giá.

Tuy nhiên, với lãi suất tiết kiệm VND ở mức 11,2%/năm, thì dù cộng lãi suất huy động USD với tốc độ tăng tỷ giá cũng không cao hơn nhiều và thường chỉ có lợi ở những thời điểm tăng tỷ giá mà thôi.

Giá bất động sản sau nhiều tháng gần như không tăng. Tuy nhiên, với tình hình giá đứng một thời gian khá dài, những người đã thắng lớn trên thị trường vàng sẽ chuyển một lượng vốn đầu tư đáng kể vào thị trường này. Do vậy, giá bất động sản sẽ có cơ hội tăng lên.

Với kênh gửi tiết kiệm, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên hiện phổ biến ở mức 11,2%/năm. Với chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp từ tháng 4 đến tháng 8 (tăng 0,15%/tháng), thì lãi suất tiết kiệm đã thực dương tương đối khá.

Tuy nhiên, nếu gửi tiền từ tháng 9/2010 trở đi cho đến hết tháng 2 năm sau (khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn), thì lãi suất gửi tiết kiệm có thể không còn thực dương, hoặc nếu có thực dương, thì cũng không đáng kể. Vì vậy, lượng tiền gửi trở lại khi tiết kiệm đáo hạn, hoặc tiền gửi mới sẽ không nhiều.

Còn kênh chứng khoán, những người đầu tư vào thị trường này từ đầu năm đến nay đang lỗ lớn. Tuy nhiên, đã giảm sâu thì khi bật lên thường mạnh hơn. Giá chứng khoán đã giảm trong thời gian khá dài, xuống mức rất thấp, thậm chí dưới mệnh giá, nên tạo cơ hội cho hoạt động mua vào.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá chứng khoán sẽ tăng đáng kể trong mấy tháng cuối năm. Giá chứng khoán được dự báo sẽ tăng ngay sau khi thị trường vàng chững lại, bởi khi đó, nhà đầu tư vàng chốt lãi để chuyển tiền sang chứng khoán.

Muốn tiền đẻ ra tiền, thì phải đầu tư. Tuy nhiên, lựa chọn kênh đầu tư luôn là công việc khó khăn, đòi hỏi sự nhạy bén, phân tích khoa học và hợp lý. Nếu tính toán, phán đoán nhầm sẽ bị lỗ, hoặc “lãi giả, lỗ thật”.

Theo Minh Nhung
Báo Đầu tư

Đọc thêm