“Chốn mơ” giữa lòng thành phố

 Đến TP. Buôn Mê Thuột, điều đầu tiên tôi muốn thấy là bóng cây kơnia- một biểu tượng vững chãi của núi rừng Tây Nguyên, và những ngôi nhà dài của đồng bào Êđê. Và tôi đã được chỉ cho thấy cây kơnia ở Ngã Sáu và một buôn làng giữa lòng thành phố, xưa cũ đan xen với hiện đại …

Đến TP. Buôn Mê Thuột, điều đầu tiên tôi muốn thấy là bóng cây kơnia- một biểu tượng vững chãi của núi rừng Tây Nguyên, và những ngôi nhà dài của đồng bào Êđê. Và tôi đã được chỉ cho thấy cây kơnia ở Ngã Sáu và một buôn làng giữa lòng thành phố, xưa cũ đan xen với hiện đại …

Già làng thời… @

Xuôi trên những tuyến phố lớn rồi rẽ vào một con phố nhỏ, chúng tôi thực sự choáng ngợp khi tới buôn Ako Dhong - thường gọi là Cô Thôn - thuộc phường Tân Lập, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 2km. Thật ngạc nhiên khi đứng giữa một không gian bảng lảng giữa những gì hoang sơ và hiện đại, những ngôi nhà dài nằm xen lẫn những biệt thự, những vườn hoa được cắt tỉa xinh xắn tựa như những Resort.

Thẳng theo con đường dốc xuống cuối buôn, chúng tôi gặp một cụ ông quắc thước đang vác một con dao quắm từ dưới suối đi lên. Thật may mắn, đây chính là người đã khai sáng ra buôn làng. Đó là già Ama Rin, sinh năm 1939, quê ở buôn Ea Mlai thuộc huyện M ’Đrắk -  một trong những người đầu tiên góp phần khai hóa đất đai, biến rừng hoang thành buôn Ako Dhong từ năm 1957. Già cho biết, đây là buôn làng đã có từ thời Pháp khi người Pháp đưa một số hộ ở M ’Đrắk   thành lập tập đoàn sản xuất cà phê.

Già làng Ama Rin
Già làng Ama Rin
Dù là một người đứng đầu buôn làng, rất năng động trong cách tiếp cận thị trường, phát triển du lịch nhưng già Ama Rin vẫn vẹn nguyên vẻ chất phác và hồn hậu của người Ê Đê. Già nhớ lại, Ako Dhong xưa kia là rừng hoang vu phủ kín. Những ngày đầu, buôn chỉ có 10 ngôi nhà với trên 50 người dân chuyển đến an cư trên vùng đất hoang sơ, đầu nguồn nước. Hiện nay, con cháu trong buôn đã lên tới 94 hộ với 800 khẩu sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp: lúa, ngô, cà phê và kinh doanh du lịch. Hiện có tới 90% số hộ có đời sống kinh tế khá, gần 10% trung bình, không có hộ nghèo.

Già cho biết, già  có 10 người con, 24 người cháu đều đã thành đạt, trong đó có con trai cả YBliu sinh năm 1968, hiện là Giám đốc Bệnh viện tỉnh, hai con trai khác ở Mỹ. Và có một điều thú vị, ca sỹ Y Rắc chính là con trai và cố nghệ sỹ nhân dân Y Moan là con nuôi của già làng Ama Rin.

Gia đình già Ama Rin vốn là nơi nuôi giấu bộ đội suốt những năm chiến tranh. Bây giờ, các con nuôi của cụ ở khắp mọi miền đất nước, từ miền Bắc, miền Nam, Campuchia rồi Cao Bằng, Lạng Sơn… Mới đây, một anh bộ đội tên Thà từ Campuchia tìm về thăm cụ, rồi anh Khả Hùng người Cao Bằng cũng tìm về vườn cà phê cũ nơi các anh được già A ma Rin bao bọc năm xưa…

Và rồi người rủ già phát triển buôn làng, làm du lịch chính là một trong số những người con nuôi của già, đó là anh Ama Khoa.

Người chồng phải làm dâu

Với nỗi lo biến mất ngôi nhà dài truyền thống, già làng Ama Rin  bảo: “Không dễ gì xa rời được những gì đã trở thành máu thịt của dân tộc mình. Nhà dài nguyên gốc chính là máu thịt của người Êđêm và chỉ có giữ nhà dài thì văn hóa mới không bị mai một; có nhà dài thì có ghế Kpan, có chiêng, ché… Không gian nhà dài truyền thống không chỉ là không gian sinh hoạt gia đình mà còn là không gian văn hóa lễ nghi của đồng bào Ê đê mình.

Nhà dài, nhà văn hóa cộng đồng ở buôn Ako Dhong
Nhà dài, nhà văn hóa cộng đồng ở buôn Ako Dhong
Hiện ở buôn vẫn còn 53 ngôi nhà dài truyền thống do đồng bào gìn giữ, phát huy cùng 30 bộ cồng chiêng, 54 khung dệt thổ cẩm. Nhà nào cũng biết làm rượu cần, đan lát đồ dùng mây tre nứa, song mây, chế biến các nhạc cụ dân tộc cùng các lễ nghi truyền thống: cúng nhà mới, đón khách, mừng được mùa, lễ trưởng thành, lễ kết nghĩa anh em.

Người Êđê theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ làm chủ gia đình, con cái lấy họ mẹ và người chồng phải đi làm dâu, nghĩa là phải sang nhà vợ ở. Thế nên chiếc cầu thang của mỗi ngôi nhà dài mới chạm hình bầu ngực biểu tượng chế độ mẫu hệ căng tràn. “Đó là hình tượng của người mẹ đấy. Ông cha bà mẹ mình muốn nói cái lòng tốt, sự chung thuỷ của mẹ, của vợ đấy”! - già Ama Rin cười triết lý. Người ta còn đồn rằng, những chiếc cầu thang vốn hấp thu sinh lực của những phụ nữ khoẻ mạnh và linh khí của đại ngàn nên có nó trong tư gia sẽ được vượng khí; riêng phụ nữ hiếm muộn sẽ được toại ý thiên chức làm mẹ. Phó Bí thư Đảng ủy phường Tân Lập Trần Văn Châu cho biết: “Buôn Ako Dhon vẫn giữ chế độ mẫu hệ, cầu thang có hai bầu sữa thể hiện sự sống nhân loại. Hiện buôn đã có 9 đảng viên, ông già Ama Rin là người đã làm du lịch, làm hồ, nấu rượu cần, làm cơm lam… tạo công ăn việc làm cho người dân trong buôn làng. Mặc dù phát triển đô thị hiện đại, những ngôi nhà dài vẫn được giữ lại từ trước giải phóng. Từ năm 2003, các cấp đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong buôn, chi bộ từng bước đi vào hoạt động với 7 đảng viên, đầu tư xây dựng nhà cộng đồng, đường sá, gia cố đèn chiếu sáng. Tỉnh quan tâm quy hoạch đô thị nhưng vẫn giữ nét truyền thống như lấy một số di tích đất phát triển tiềm năng du lịch, giúp dân vay vốn ngân hàng làm nghề truyền thống như dệt thổ cẩm…”

Ako Dhong hôm nay đã khang trang. Các lễ hội được già làng Ama Rin tổ chức thường xuyên, lời ca, điệu nhạc, múa truyền thống luôn vang lên dưới mái nhà dài. Sắc màu của vùng đất cao nguyên vẫn luôn thắm mãi ở buôn Ako Dhong, hấp dẫn nhiều lượt du khách khi đặt chân đến vùng đất bazan này. Không những thế, chủ làng Ama Rin còn đang tính đến việc tạo ra những ngành nghề phụ để bà con trong buôn cải thiện đời sống. Ước nguyện của Ama Rin cũng như của đồng bào Ako Dhong là làm thế nào trong tương lai, tiếp tục ổn định đời sống và nâng cao văn hóa của buôn, nghề thủ công truyền thống phát triển mạnh...

Chụp ảnh đám cưới ở buôn Ako Dhong
Chụp ảnh đám cưới ở buôn Ako Dhong
Chia tay buôn Ako Dhong hay còn gọi là "Buôn Ama Rin" trong một trưa tháng Ba mênh mông gió, tôi vẫn thấy như đang cầm ly cà phê hương vị đậm đà quyện lại đến nao lòng, nghe tiếng chiêng vang lên từ đại ngàn thổi tới, và những đống lửa được nổi lên dưới chân những ngôi nhà dài để xua tan cái giá lạnh của buổi sớm mai, như niềm tin vào những giá trị truyền thống, như nghĩa tình của già Ama Rin với buôn làng, với các anh bộ đội…

Nguyệt Thương

Đọc thêm