Chống dịch Covid - 19: Không có gì 'đổ sông đổ biển'

(PLVN) - “Cả nước hiện nay có hơn 2 vạn đồng bào đang cách ly và không ít số đó vì lý do công vụ và không một ai kêu khóc cả. Khi cần thiết hãy dũng cảm chia sẻ 2 tuần an dưỡng với Tổ quốc mình trong lúc nguy nan”… Bình tĩnh, lạc quan là chia sẻ của nhiều công dân Thủ đô đang sống trong những ngày Hà Nội chuyển mùa, đẹp và âu lo…
Người lính làm nhiệm vụ nơi biên giới.
Người lính làm nhiệm vụ nơi biên giới.

“Xin em ngồi yên đó”…

Bài viết xúc động của BS Nguyễn Quốc Khánh trên trang facebook cá nhân: “Chỉ 4 ngày nữa thôi, Việt Nam sẽ đủ điều kiện công bố hết dịch theo quy định hiện hành. Điều làm tôi khóc không phải là công lao chống dịch bị đổ sông đổ biển. Không có gì “đổ sông đổ biển” ở đây cả, chúng ta chống dịch tốt không đồng nghĩa với việc tuyệt đối không để thêm bất kỳ ca dương tính nào xảy ra.

Chúng ta đã và đang làm rất tốt. Cảm ơn các anh nơi tuyến đầu chống dịch. Tôi khóc vì chút niềm tin hiếm hoi lắng đọng của cộng đồng mấy tuần qua bỗng dưng tan biến. Danh sách bạn bè tôi đã xuất hiện sự hoảng loạn, ngay cả trong câu chữ của những người xưa nay lạc quan nhất tôi cũng cảm nhận được nút bấm run run khi nghe hung tin dịch bệnh.

Bình tĩnh lại các anh chị ạ. Đừng quên cha con người Trung Quốc cũng leo tàu hoả Bắc - Nam trong những ngày đầu chúng ta chưa có ý thức phòng dịch nhưng cũng không gây hậu quả gì đáng kể. Sars-Cov-2 nó nguy hiểm thật nhưng không phải cứ đứng gần là có nguy cơ, không phải có nguy cơ là lây, không cứ phải lây sang là dính bệnh.

Đánh nhau với một bóng ma, cái ta cần là sự BÌNH TĨNH. Việc hoảng loạn chạy đi khắp nơi không mang lại gì ngoài nguy cơ lan truyền ra cộng đồng cao hơn. Theo quan sát cá nhân của tôi khi theo dõi thông tin trên toàn cầu từ đầu dịch tới nay thì ổ dịch là vấn đề số 1. Các nước hiện nay còn an toàn phần lớn là do may mắn vì chưa có ổ dịch lớn hay thậm chí chưa có ổ dịch phát sinh chứ không phải tài ba hay che giấu. Còn do chuẩn bị kỹ, do chặn kỹ thì cũng là một phần quan trọng nhưng ngăn chặn tuyệt đối khó vô cùng”.

Tại Ý, ổ dịch khủng nhất châu Âu với 650 ca bệnh, tâm dịch của Ý là vùng Bắc nước này. Họ phát hiện quá muộn khi dịch đã bùng phát cực mạnh và lan ra khắp châu Âu, sang cả châu Phi và Israel chỉ trong vài ngày.

Chớp mắt đến sáng 28/2, Hàn Quốc đã là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc với 2.022 ca nhiễm và 13 người chết. Đến 15h cùng ngày, Hàn Quốc tiếp tục cập nhật số ca nhiễm mới: thêm 315 ca, nâng tổng số người nhiễm lên 2.337 ca.

Khi đó chính quyền liên tục trấn an người dân rằng họ không cần phải hủy các sự kiện đông người. Một nghị viên tên Lee In Young còn hối thúc người dân “nhanh chóng trở lại cuộc sống thường nhật”.

Cách đây 17 năm, BS Lưu Kiếm Luân trở thành người “siêu lây nhiễm” châm ngòi cho dịch SARS ở Hồng Kong. Và lần này ở Hàn Quốc là Tân Thiên Địa, ở Singapore là cuộc họp nơi khách sạn Grand Hyatt… Tất cả cũng vì hệ thống cách ly chưa quyết liệt và mọi người còn xem nhẹ, ai cũng nghĩ rằng mình sẽ không sao.

Trải qua bao cuộc chiến tranh gian lao, vất vả, chúng ta đều chiến thắng. Vậy nên lần này, cùng với việc cách ly quyết liệt từ chính quyền, mỗi chúng ta hãy thực hành chỉ dẫn dự phòng, chia sẻ, động viên lẫn nhau cũng như lan toả những điều tích cực, tử tế, bác sỹ tin đất nước sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Anh chị hãy vững tâm lên nhé, BS Khánh nhấn mạnh.

Còn ca sĩ Thái Thùy Linh cũng tổng hợp 10 chiến thuật đối phó với Covid- 19, trong đó “ở yên đừng đi lung tung” được cô xếp vị trí hàng đầu. Trường hợp xấu nhất: bị nhiễm Covid-19. Thì cũng không có nghĩa là sẽ chết. Bình tĩnh mà cách li và điều trị. Tỉ lệ tử vong của những người nhiễm Covid-19 trung bình là khoảng 4%, và phần lớn người chết hiện đều nằm ở giai đoạn đầu, lúc dịch bùng dữ dội và vỡ hệ thống y tế ở Vũ Hán.

Còn ở Việt Nam ta, dù giai đoạn 2 khá căng nhưng rõ ràng Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong giai đoạn 1, ta chưa có bệnh nhân nào tử vong vì Covid-19, kể cả người nước ngoài hay người Việt. Sau mấy tháng trời các chuyên gia của ta và cả thế giới đều dốc sức nghiên cứu thì rõ ràng bây giờ chúng ta có quá nhiều thông tin, kinh nghiệm, phương tiện và cả chiến thuật để chống dịch hiệu quả hơn hẳn so với Trung Quốc…

Cùng với đó, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ cũng bày tỏ, không còn cách nào khác và cũng chẳng phải là ích kỷ, hay tự kỷ, lúc này đây, tất cả mọi cuộc vui, tất cả mọi đám đông, chúng ta sẽ tạm xa rời. Sẽ có buồn, sẽ có cô đơn đấy, khi phải thay đổi thói quen của một cộng đồng người vốn ham vui và thích tụ tập, nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác.

Những chuyến vận chuyển thực phẩm ở khu vực hồ Trúc Bạch. Ảnh minh họa.
 Những chuyến vận chuyển thực phẩm ở khu vực hồ Trúc Bạch. Ảnh minh họa.

Trước hết là vì chúng ta, chứ chẳng phải ai khác. Dịch bệnh không trừ một ai, không phân biệt sang hèn, không phân biệt thể chế chính trị, dân tộc hay tôn giáo, giới tính hay tuổi tác, tất thảy đều có thể trở thành nạn nhân. Cái khủng khiếp là khi chúng ta trở thành nạn nhân thì những người xung quanh chúng ta, bất kể thân thiết hay không, từng tiếp xúc với chúng ta, sẽ bị cuốn phăng đi những chuỗi ngày bình yên vốn có.

Chúng ta cũng không thể biết được những người tiếp xúc với người mang virus đã đi tới những đâu và gặp những ai trong cái dây chuyền giao tiếp công việc và đời sống, giao đãi và gặp gỡ, thì cách tốt nhất, chúng ta cần phải thu hẹp các cuộc gặp gỡ lại.

Chia sẻ vắc xin và nồi nước thơm của mẹ

Có thể nhiều người ít biết, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã điều chế được vắc xin tả uống và sớm phổ biến cho toàn dân loại vắc xin này, vì thế, dịch tả ở cuối thế kỷ trước trên thế giới gần như không hoành hành được tại Việt Nam.

Năm 2000 - 2001, Việt Nam chuyển giao miễn phí công nghệ điều chế loại vắc xin này cho Viện vắc xin Hàn Quốc. Điều trớ trêu ở đây là phía Hàn Quốc bán bản quyền cho một công ty của Ấn Độ. Từ đó, công ty Ấn Độ này đã tiến hành sản xuất hàng loạt và xuất khẩu khắp nơi loại vắc xin này ra khắp thế giới.

Như vậy, câu chuyện về việc một loại vắc xin mà người Việt cung cấp cho người Hàn, để rồi người Hàn lại bán cho người Ấn kiếm lời cách đây 20 năm sẽ không được biết đến mạnh mẽ nếu như nCOV- 19 không xảy ra. Nó chỉ là một sự tự hào trong tiềm thức đã cũ rích của các nhà nghiên cứu, cán bộ, chuyên viên… hoặc số ít những người khác với những dòng tin ít ỏi. 

Còn GS Nguyễn Anh Trí, trong những ngày này, nhớ về nồi nước lá của mẹ: “Ngược về quá khứ, ngày xưa tôi còn bé, mùa đông - xuân hàng năm rất hay bị ốm. Đau mình mẩy, sốt, ho,… có khi cả nhà bị ốm. Sau này học bác sỹ tôi mới biết đó là bị nhiễm virus và cái ốm mùa đông - xuân đó gọi là cúm mùa. Cả thế giới có thể gặp, chứ không riêng gì quê tôi.

Quê nghèo, mẹ tôi thường lấy một số loại lá trong vườn, như cây sả, lá bưởi, lá chanh, lá tre, bạch đàn, hương nhu, củ gừng, vỏ quả chanh, cây mùi già… để nấu nồi nước xông cho tôi xông. Mùi thơm nồi nước xông bốc lên nghi ngút, cộng với tình thương của mẹ và sự ấm cúng của gia đình mà chúng tôi đã khỏi bệnh chứ có thuốc men gì đâu mà dùng như ngày nay.

Có khi, nhà không ai bị ốm, nhưng mẹ tôi cũng nấu nước các loại lá thơm như vậy để cho chúng tôi tắm. Ôi, thật tuyệt vời. Có hôm đi học về, người mỏi mệt, mẹ đã lặng lẽ chuẩn bị nồi nước lá thơm như vậy rồi. Nghe mẹ gọi: “Con ra mà tắm nước lá nhé!” là tôi cứ mừng rơn. Tắm xong, khỏe hẳn ra, người thơm tho ngủ cả đêm dậy vẫn còn mùi thơm”.

Ở góc nhìn khác, khi tất cả đang hướng về Hà Nội, MC Nguyễn Vũ Chiến Thắng lại nhìn Hà Nội ở vẻ đẹp bình yên trong lo âu. Hà Nội “ru nhau ngồi yên đấy”. Chạy đi đâu mà chẳng có dịch bệnh? Chạy dịch khác gì chạy trời không khỏi nắng? Chạy dịch nhỡ đâu mang theo virus làm lây lan thì ân hận cả đời. Hà Nội hai hôm nay nắng lên hong khô những ý nghĩ ủ dột. Rồi cũng tai qua nạn khỏi thôi. Rồi mai trời trở gió mùa, Hà Nội vẫn yêu và tin…

Nhà văn Di Li cũng chia sẻ: Lạc quan, giữ sức khỏe, duy trì nhịp sống lành mạnh, điều độ mới là thuốc dễ kiếm nhất hôm nay. Không rủi ro thì không phải là cuộc sống. Sống đã là rủi ro rồi. Để nhận diện niềm vui có khi phải đi qua nhiều rủi ro mới thấy. Người ta đau khổ bởi vì người ta luôn muốn sống đời như mình mong muốn. Tập mỉm cười với rủi ro, tức là học cách chấp nhận đời sống trong sự không thường hằng của nó.

Hãy ngừng trách mắng người khác, bởi vì có mình trong sự chưa hoàn thiện của họ. Có khi là chính mình đã nuôi dưỡng sự bất toàn trong sự bất toàn của xã hội. Hãy yêu thương nhiều hơn, trách nhiệm và chia sẻ nhiều hơn. Xét cho cùng, lý do để thế gian tồn tại vẫn là dựa vào sự tử tế của con người.

Thiên tai, dịch bệnh là phép thử của tự nhiên, để con người quay lại lựa chọn yêu thương và tử tế với nhau, bởi vì có lúc chúng ta đã đi xa quá những hẹn ước này. Chúng ta tưởng mỗi chúng ta là một, là riêng biệt, mà đâu biết rằng chúng ta chỉ là một phần nhỏ trong Cái Một đồng nhất. Như ngọn sóng thấp cao trên mặt đại dương hợp nhất. Vĩnh hằng.

Người dân Sơn Lôi, Vĩnh Phúc cũng từng trải qua 20 ngày cách ly, cũng như 2 vạn đồng bào khác hiện đang ở những khu cách ly rải rác trên mọi miền Tổ quốc. Không ai chết cả, dù là ở vùng núi rừng biên giới, trạm y tế tuyến huyện hay doanh trại quân đội. Hoảng loạn lên để làm gì?... 

Đọc thêm