Hầu như năm nào cũng vậy, Bộ GD-ĐT thường thay đổi xoành xoạch về cấu trúc đề thi đến tổ chức thi, từ thi liên trường chuyển sang thi cụm trường, từ chấm thi theo hội đồng thi chuyển sang chấm chéo giữa các tỉnh thành…
|
Hình ảnh minh họa |
Năm học 2009 - 2010 đã bước sang học kỳ II, nhiều sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường ôn tập thi tốt nghiệp 2010 và tuyển sinh năm học mới 2010 - 2011. Đến cuối tháng 3, khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp thì dường như lớp 12 chỉ tập trung vào ôn các môn thi này; các môn không thi coi như hoàn thành chương trình và tổng kết cuối năm. Thời điểm cuối năm học, các trường cấp III thường rất vất vả với những cuộc thi, từ thi học sinh giỏi, thi nghề, thi tốt nghiệp…
Thế nhưng, hầu như năm nào cũng vậy, Bộ GD-ĐT thường thay đổi xoành xoạch về cấu trúc đề thi đến tổ chức thi, từ thi liên trường chuyển sang thi cụm trường, từ chấm thi theo hội đồng thi chuyển sang chấm chéo giữa các tỉnh thành… Bộ GD- ĐT luôn khẳng định những thay đổi đó tạo thuận lợi cho học sinh song vẫn có nhiều ý kiến không đồng tình. Chỉ khi nào chủ trương ấy không thực hiện được thì Bộ mới thay đổi theo kiểu “chữa cháy”.
Điển hình như kỳ thi năm 2009, Bộ quy định học sinh học ban nào phải làm đề thi phần riêng của ban đó. Nhưng việc kiểm soát học sinh đã học ban nào quả là “mò kim đáy bể”, trong khi chủ trương phân ban bị phá sản, chủ yếu là dạy theo ban cơ bản. Đến năm 2010, cấu trúc đề thi lại thay đổi theo hướng bỏ quy định học sinh phải làm bài thi theo ban; thí sinh được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; rồi bỏ thi bắt buộc đối với môn Ngoại ngữ…
20 năm qua môn ngoại ngữ được coi là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều Sở GD-ĐT cũng coi ngoại ngữ là môn thi tuyển vào lớp 10 nên đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng và mở rộng việc dạy và học ngoại ngữ ở giáo dục phổ thông. Có một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là “thi gì học nấy”, nếu không thì việc dạy và học chỉ qua loa chiếu lệ. Bộ GD-ĐT đã từng tổng kết rằng nhờ có chủ trương đưa môn ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc mà các tỉnh mới tuyển đủ giáo viên ngoại ngữ nhanh như vậy.
Cũng như nhận định học sinh phổ thông rất yếu kém về lịch sử nên Bộ đã đưa môn lịch sử vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tình hình dạy và học lịch sử đã có chuyển biến tốt hơn. Trước đây, môn Lịch sử cũng như môn Giáo dục công dân được coi là những môn phụ vì không thi tốt nghiệp.
Nếu Bộ lại có chủ trương môn ngoại ngữ không còn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc nữa thì là một bước lùi. Nó trái ngược với chiến lược dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020.
Nhưng mặt khác, để bảo đảm sự ổn định năm học nếu có những chủ trương mới về thi cử, về chuyên môn, Bộ cần công bố trước khi bước vào năm học mới. Nay đã gần hết năm học rồi mà chủ trương của Bộ đưa ra vẫn còn phải xem xét lại nhiều vấn đề. Giáo viên, học sinh cũng rất băn khoăn vì không biết, từ nay đến cuối năm học không biết Bộ còn có thay đổi gì nữa không để mà "chạy"?
Theo Đất Việt