Lấy nhau gần năm, vợ chồng Như vẫn ’chưa có gì’. Lần nào điện thoại, Như cũng bị mẹ chồng hỏi. Không chỉ mỗi mẹ chồng, ai gặp cũng hỏi khiến Như ức chế vì cứ như không đẻ được là do Như. Trong khi đó, lỗi là ở chồng Như.
Kết hôn một thời gian chưa có “tin vui”, Như tự đi khám. Kết quả cho thấy, cô bình thường. Trao đổi rồi khuyến khích chồng đi khám, chồng Như cũng ủng hộ. Như kể: “Chồng tôi lúc đầu xét nghiệm chỉ có ‘vài con’. Bác sĩ lắc đầu than thở. Sau đó, hai vợ chồng động viên nhau, yên tâm điều trị và uống thuốc”.
Chuyện này Như muốn giấu kín, không cho người thân biết vì sợ chồng bị tổn thương. Chính vì thế, Như đang chịu áp lực vì đi đâu cũng bị hỏi chuyện con cái. Người thì mách uống thuốc tẩm bổ vì cơ thể Như gày gò, bạn đồng nghiệp thì tư vấn địa chỉ bán thuốc nam uy tín… Nhiều lúc, Như cảm giác như mình có tội, có khi, cô thấy bế tắc thực sự.
|
Đề cập đến chuyện hiếm muộn, người vợ luôn phải chịu căng thẳng nhiều nhất |
Hảo (Hà Đông, Hà Nội) cũng trong tâm trạng này. Hảo 30 tuổi, còn chồng mới 28. Chồng Hảo là con trai một, người chị gái lấy chồng xa. Bố mẹ chồng biết nhiều cặp vợ chồng cưới mãi mà không “đậu”, chạy chữa nhiều nơi không có kết quả nên lo lắng. Vì thế, biết Hảo hơn tuổi con trai mình, lại ốm yếu nên từ trước khi cưới, mẹ chồng đã không ưng. Bà sợ con dâu không “mắn đẻ”.
Thời gian sau cưới, vợ chồng Hảo “gắng sức” nhưng vẫn biệt vô âm tín. Sốt ruột, Hảo tự đi khám và cho kết quả tốt. Nói ngọt mãi, chồng Hảo cũng đồng ý đi kiểm tra. Khi biết kết quả xét nghiệm tinh dịch của anh xã không tốt, Hảo cố trấn an chồng, từ từ tìm cách khắc phục.
Hảo kể: “Đây là bí mật vợ chồng nên tôi không nói cho ai, kể cả người nhà. Nhưng mẹ chồng và cô, dì, chú, bác đều khẳng định, lỗi là do tôi. Chồng tôi trẻ hơn tôi, lại khỏe mạnh nên có nói, chắc cũng không ai tin, người ‘yếu’ là anh ấy”. Liên tục bị mẹ chồng hỏi han, thúc giục nên nhiều lúc, Hảo muốn ly hôn để được thoải mái.
Khác với Hảo, chồng Hạnh (quận 4, TP HCM) không ngại ngần nhận trách nhiệm hiếm muộn về mình trước gia đình. Thế nhưng, Hạnh cũng chẳng thấy nhẹ nhõm vì ngày nào cũng bị mẹ chồng phàn nàn về cách chăm chồng. Hạnh cho biết: “Tôi phải nhắc chồng uống thuốc đúng giờ, cùng chồng đi khám. Sau đó là lo nấu cháo dê, cháo chim sẻ bồi bổ cho chồng. Có lúc, tôi vẫn bị mẹ chồng mắng vì không biết cách chăm lo cho chồng nên anh ấy mới ‘yếu’”. Thế là lúc xót con trai, lo không có cháu, Như lại bị mẹ chồng trút giận.
Vơi bớt áp lực
Đề cập đến chuyện hiếm muộn, người vợ luôn phải chịu căng thẳng nhiều nhất. Việc khám và chữa trị cũng gây cho người vợ không ít áp lực, dù là lỗi tại ai. Theo thống kê, trong các trường hợp vô sinh, phần lỗi của người vợ và người chồng gần như ngang nhau. Cứ 10 ca vô sinh thì có 4 ca do chồng, 4 ca do vợ. Hai ca còn lại do lỗi của cả hai vợ chồng hoặc chưa tìm được nguyên nhân.
Do đó, với chuyện muộn con thì trách nhiệm khám, điều trị của vợ chồng cũng phải như nhau. Nếu trong vòng 1 năm không áp dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà chưa có “tin vui” thì nên đi khám sớm. Trường hợp người vợ có kết luận bình thường thì càng cần động viên chồng đi khám.
Nếu người vợ cảm thấy bị áp lực do họ hàng, gia đình thúc giục nhiều thì nên trao đổi với chồng. Sau đó, quyết định xem có nên thông báo cho gia đình biết hay không. Chuyện hiếm muộn không phải chuyện xấu, cần giữ kín. Người thân và họ hàng biết được có thể đưa ra nhiều lời khuyên hợp lý, địa chỉ khám chữa uy tín cho vợ chồng. Hơn hết, nhận được sự cảm thông từ người xung quanh, người vợ cũng tránh bị nhắc nhở, gây áp lực. Điều này có lợi cho cả hai trong hành trình chữa trị bệnh.
Theo Mẹ&bé