'Chốt' đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7

(PLVN) - Sau hai phiên họp, thương lượng, Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% từ 1/7 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Người lao động sắp được tăng lương tối thiểu.

Sáng nay, 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.

Các bên tham gia gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Đây cũng là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.

Mức tăng 6% nhận được sự đồng thuận của 17/17 thành viên; thời điểm tăng từ 1/7/2022 nhận được sự đồng thuận của 15/17 thành viên, 2/17 thành viên đồng ý thời gian tăng từ 1/1/2023.

Cụ thể, vùng I tăng 260.000 đồng; vùng II tăng 240.000 đồng; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng.

Trước đó, mức tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Trao đổi với báo chí ngay sau cuộc họp, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho hay, cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn, bắt đầu mới phục hồi như người ốm rất lo ốm lại nên cần điều chỉnh phù hợp.

Kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp là mức điều chỉnh tiền lương nên tăng từ 1/1/2023, còn điều chỉnh ngay từ 1/7/2022 thì khó khăn. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số tăng trưởng… Tuy vậy, ông Phòng cho biết, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất cao điều chỉnh từ 1/7/2022 ở mức 6%, thời gian kéo dài 18 tháng đến 31/12/2023.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định đời sống của người lao động sau đại dịch tiếp tục khó khăn, một bộ phận khó khăn gay gắt, không thể trở lại doanh nghiệp hoặc lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Trong bối cảnh đó, cả trách nhiệm pháp lý và đạo lý, các doanh nghiệp rất cần bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho người lao động. Thực tế các quốc gia và nhiều doanh nghiệp cho thấy, việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, là tiền đề gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Đọc thêm