Chủ casino VIP biên giới Campuchia bị vây bắt như thế nào?

Sau ba năm vượt biên trốn lệnh truy nã, “trùm” cờ bạc Đào Quang Cường (Cường “nghiện”) mới bị công an Việt Nam phối hợp cùng lực lượng biên phòng Tây Ninh, Cảnh sát hoàng gia Campuchia bắt gọn khi đang lẩn trốn trên đất bạn. Tên tuổi Cường “nghiện” vốn không được giới giang hồ đồn thổi như một số đối tượng lưu manh cộm cán khác, nhưng trong hồ sơ của cơ quan điều tra, với quá khứ “tiền án nhiều hơn tiền mặt”, Đào Quang Cường đã là đối tượng luôn bị theo dõi sát sao từ nhiều năm.

Sau ba năm vượt biên trốn lệnh truy nã, “trùm” cờ bạc Đào Quang Cường (Cường “nghiện”) mới bị công an Việt Nam phối hợp cùng lực lượng biên phòng Tây Ninh, Cảnh sát hoàng gia Campuchia bắt gọn khi đang lẩn trốn trên đất bạn. Tên tuổi Cường “nghiện” vốn không được giới giang hồ đồn thổi như một số đối tượng lưu manh cộm cán khác, nhưng trong hồ sơ của cơ quan điều tra, với quá khứ “tiền án nhiều hơn tiền mặt”, Đào Quang Cường đã là đối tượng luôn bị theo dõi sát sao từ nhiều năm.

Quá khứ bạn Dung “Hà”,  đệ Năm Cam

Cường sinh năm 1963, đăng ký hộ khẩu thường trú tại phố Trạng Trình, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Năm 1979, khi mới vừa 16 tuổi, Cường đã bị công an bắt quả tang vì có hành vi trộm cắp và bị tạm giữ sáu ngày. Một năm sau đó, vào tháng 4/1980, Cường lại tiếp tục bị bắt khi đang ăn trộm và bị xử phạt 18 tháng tù hưởng án treo.

C
Đào Quang Cường

Ăn cắp vặt mãi nên có lẽ cũng chán, Cường chuyển “địa bàn hoạt động” từ đất Cảng lên Hà Nội và bắt đầu dính dáng đến cờ bạc từ giai đoạn này. Tháng 2/1982, Cường bị công an Hà Nội bắt vì có hành vi tổ chức đánh bạc và gá bạc.

Vài năm liền sau đó, Cường quay về Hải Phòng sinh sống. Cơ quan điều tra nhận thấy trong thời gian này, Cường bắt đầu có quan hệ thân thiết với hai chị em nhà hàng xóm là Vũ Hoàng Dung (tức Dung “Hà”, một đối tượng được giới lưu manh Hải Phòng suy tôn làm “đàn chị”, đã bị côn đồ bắn chết tại Sài Gòn vào cuối năm 2000) và Vũ Hoàng Oanh.

Cũng từ chị em Dung – Oanh, Cường quen Minh “sứt”, một trùm buôn lậu heroin xuyên quốc gia, là anh em kết nghĩa với Dung (cũng chính là đối tượng đã thuê máy bay chở xác Dung từ Sài Gòn về Hải Phòng rồi tổ chức đám tang rình rang phố Cảng).

Được những đối tượng trên dắt mối giới thiệu, đến khoảng những năm 1998, Cường rời quê vào TP.HCM tìm kế “làm ăn” và chọn “sở trường” của mình là lĩnh vực cờ bạc. Thời gian đầu, Cường chơi bạc trong những sới bạc do Năm Cam tổ chức ở quận 8, quận 9.

 Khi đã “cứng cáp”, Cường hùn vốn với một đối tượng máu me cờ bạc khác mở một sòng bạc tại quận Tân Bình. Sòng bạc này do Cường đích thân cầm cái và liên tiếp “trúng quả đậm”. Có giai đoạn chỉ vài ngày mỗi lần, Cường lại được chia tới hơn 200 triệu đồng tiền lãi.

Vụ án Năm Cam bị triệt phá, Cường là một đồng phạm trong vụ án nên cũng bị bắt giữ vì tội tổ chức đánh bạc và bị Toà án nhân dân TP.HCM tuyên phạt 5 năm tù giam vào tháng 10/2001.

Hồ sơ lưu trữ của công an cho thấy, tháng 9/2005, sau khi thụ án xong, Cường trở về nhà ở Hải Phòng sinh sống được một năm rồi lại bỏ đi khỏi địa phương.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Cường bỏ đi khỏi Hải Phòng, các trinh sát C45 đã nhận thấy Cường lại thường xuyên xuất hiện tại một số sòng bạc ở TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu… Công an nghi vấn Cường “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục có hành vi tổ chức đánh bạc, tham gia điều hành một số sòng bạc tại những địa phương nêu trên.

Kiên trì đeo bám điều tra, công an nhận thấy Cường và một số đối tượng khác chính là những kẻ tổ chức đường dây cho người Việt Nam đánh bạc trái phép tại 5 casino dành cho người nước ngoài ở các khách sạn Food Center, OV Club, Legend, Duxton Sài Gòn (TP.HCM) và DIC Star (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Rạng sáng ngày 27/5/2007, khi công an đồng loạt triệt phá các ổ bạc này thì thấy động, Cường đã bỏ trốn trước đó ít giờ đồng hồ. Ngay sau đó, công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc với Cường.

Cuộc vây bắt không một tiếng súng

Trung tá Đinh Quang Lợi, cảnh sát khu vực tổ dân phố Lãn Ông (nơi Cường đăng ký hộ khẩu thường trú) cho biết, sau khi nhận được lệnh truy nã với Cường, công an phường đã nhiều lần đến nhà để tìm hiểu tình hình, động viên gia đình khuyên Cường ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng. Rồi cuối 2008, đích thân Đại tá Đỗ Hữu Ca, Phó Giám đốc (nay là Thiếu tướng, Giám đốc Công an thành phố) gửi thư kêu gọi đầu thú đến gia đình nhưng những lời kêu gọi này đều không nhận được phản hồi.

Cường “nghiện” đang ký vào bản khai tại Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài.
Cường “nghiện” đang ký vào bản khai tại Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài.

Công an nhận thấy, dù vợ Cường hiện không có công ăn việc làm, chỉ suốt ngày ở nhà ăn chơi, lại phải nuôi hai con ăn học nhưng kinh tế gia đình vẫn rất dư dả. Không chỉ có nhà ở phố Trạng Trình, nhà Cường còn mua được thêm một vài căn nhà ở mặt phố Quang Trung, Đà Nẵng (những con phố ở trung tâm Hải Phòng có giá đất thuộc loại đắt nhất). Rất có khả năng Cường vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực cờ bạc nên mới có tiền để gửi về chu cấp cho gia đình nhiều đến như vậy.

Liên tiếp những ngày cuối năm 2009 và đầu năm 2010, một số nguồn tin báo về C45 cho thấy, tại một sòng bạc có quy mô rất lớn ở một tỉnh thuộc Campuchia sát biên giới Việt Nam khu vực Tây Ninh, có một đối tượng ngoại hình giống Cường “nghiện”. Tuy nhiên, đối tượng này lại mang một cái tên họ khác chứ không phải là Đào Quang Cường.

Những điều tra viên sau nhiều ngày sang đất bạn tiếp cận đối tượng đã trở về báo cáo: Chính xác đó là Cường “nghiện”, giờ còn có thêm biệt danh là Cường “Hải Phòng”. Quá trình điều tra, công an xác định sau khi trốn khỏi Việt Nam, Cường đã tìm đường thoát sang đất Campuchia, làm giả giấy tờ tuỳ thân để “đội lốt” tên người khác.

Tại đây, Cường tiếp tục theo “nghề” cũ: Quản lý một sòng bạc thuộc loại “hoành tráng” nhất khu vực, ngoài ra còn dắt những con bạc từ Việt Nam sang Campuchia sát phạt. Cường cũng thu nhận hàng chục tên “đàn em” hành nghề bảo kê sòng bạc, thậm chí nếu con bạc người Việt vì thua bạc mà vay nợ chưa có khả năng trả, Cường sẵn sàng cho “đệ tử” bắt con nợ lại đánh đập, yêu cầu người nhà mang tiền sang trả.

Để bắt Cường “nghiện”, các trinh sát phải lên kế hoạch thật kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho mọi người. Trong người Cường luôn luôn thủ sẵn một khẩu súng K59 cùng đầy đủ cơ số đạn. Chưa nói đến việc xung quanh trùm cờ bạc này luôn có hàng chục đàn em đầy đủ hung khí sẵn sàng liều thân bảo vệ “đại ca”.

Những ngày đầu tháng 5/2010, sau khi triệt phá một số băng nhóm tội phạm tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, C45B và công an các tỉnh nhận thấy, có thể có bàn tay của Cường “nghiện” đã nhúng tay vào hoạt động của các băng nhóm này. Có thể Cường đã cử một số “tay chân” là những tên “đâm thuê chém mướn” người Việt từ Campuchia về Việt Nam thực hiện một số phi vụ.

Một ngày giữa tháng 5/2010, chuyên án bắt Cường “nghiện” được xác lập, do lực lượng C45B làm chủ công, có sự phối hợp Đội trinh sát đặc nhiệm Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh, Cảnh sát Hoàng gia Campuchia và Đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài.

Vào lúc 10h30 phút ngày 7/6/2010, các trinh sát phát hiện Cường đang có mặt ở khu vực sòng bạc có tên VIP (tỉnh Svay Rieng, giáp với biên giới cửa khẩu Mộc Bài). Phát hiện các trinh sát đang áp sát, Cường vừa vùng chạy, vừa rút súng ngắn K59 bắn liên tiếp, nhưng bốn lần bóp cò đạn đều không nổ.

Cường nhanh chân chạy vào một khu nhà gần đó nhưng ngay sau đó đã bị tóm gọn. Tên “trùm” cờ bạc luôn thủ “hàng nóng” trong người này không ngờ rằng hắn đã bị các điều tra viên đặt trong tầm ngắm đã từ rất lâu. Thậm chí, khẩu súng K59 cùng 9 viên đạn hắn thủ trong người trước đó đã bị vô hiệu hoá hoàn toàn mà hắn không hay biết, nên trong cuộc truy bắt này đã không có một tiếng súng.

14h chiều cùng ngày, các điều tra viên đã dẫn giải Cường về đến đồn biên phòng cửa khẩu Mộc Bài. Cũng ngay trong buổi chiều cùng ngày Cường đã được đưa về văn phòng C45B để lấy lời khai, kết thúc quãng thời gian ba năm vượt biên trốn chạy sự truy đuổi.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm