[links()] Sau rất nhiều những lùm xùm liên quan đến tòa nhà 93 Lò Đúc, chúng tôi đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Trần Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô.
Trước tiên, xin hỏi ông về sự việc khiến cư dân tòa nhà này bức xúc nhất, đó là việc tầng áp mái mà người dân cho rằng, Chủ đầu tư đã làm sai, tự ý xây dựng trái phép và tầng áp mái là sở hữu của cư dân?
Thứ nhất là về sở hữu 1 tầng áp mái, thì trong Hợp đồng góp vốn xây dựng để sau khi hoàn thiện được mua căn hộ ký kết giữa Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (gọi tắt là Công ty Kinh Đô) và Khách hàng mua căn hộ là không có điều khoản nào Công ty Kinh Đô bán cho cư dân phần sở hữu tầng áp mái đó. Thứ 2 là không có điều khoản nào cho tặng tầng áp mái đó. Thứ 3 là Công ty Kinh Đô không có thu một khoản tiền nào từ việc bán cho họ tầng áp mái hay 1m2 ở tầng áp mái.
Điều cuối cùng, tầng áp mái này đã được Công ty Kinh Đô cho thi công xây dựng trước khi bàn giao căn hộ và cư dân đến ở. Khi cư dân dọn đến 93 Lò Đúc thì công ty đã xây dựng xong hoàn toàn tầng áp mái rồi, trên là tầng thượng có bể nước và tum thang máy cho cả tòa nhà sử dụng.
Cụ thể bên Kinh Đô xây dựng từ những năm 2004 đến cuối năm 2006 thì xây dựng đến tầng áp mái. Cuối năm 2007 đầu năm 2008 các cư dân mới chuyển về đây ở thì cái tầng áp mái này đã có và hiện hữu được xây dựng từ trước rồi.
Tức là khi được Công ty Kinh Đô bàn giao căn hộ cho các cư dân thì việc xây dựng tầng áp mái đó của bên mình đã có từ trước. Nói về mặt sở hữu tầng áp mái, ngày 28/09/2011 đã có cuộc họp tại UBND phường Phạm Đình Hổ với sự tham gia của chính quyền, Công an phường, Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng, Công ty Kinh Đô và Đại diện cư dân thì một số cư dân có đưa ra nói rằng Công ty Kinh Đô lấy vào sở hữu chung của họ thì lúc đó tôi đã khẳng định là cái tầng này không phải là tầng thượng.
Theo Nghị định 71 mới thì tầng thượng mới là sở hữu chung. Còn ở đây không phải là tầng thượng, đây là tầng áp mái, phía trên mới là tầng thượng nữa cho nên tại cuộc họp này tôi đã khẳng định với UBND phường và một số cư dân dự họp là Công ty Kinh Đô không bán, không cho tặng, không thu 1 khoản tiền nào và nếu có thì xin đề nghị các hộ dân xuất trình chứng từ. Những gì Kinh Đô chưa bán thì vẫn thuộc sở hữu của Kinh Đô.
Tại cuộc họp, UBND phường có nói nếu 2 bên tranh chấp nhau về sở hữu chung Kinh Đô nói là của Công ty Kinh Đô, các hộ dân thì nói là của các cư dân, các vị cứ xuất trình tài liệu, chứng từ thu tiền của Công ty Kinh Đô để UBND phường có căn cứ giải quyết.
Họ không xuất trình được lại bảo tôi phải xuất trình, đây là điều vô lý vì khi anh đòi của tôi thì anh phải xuất trình trước chứ tôi làm sao phải xuất trình cho các vị.
Tức là trong hợp đồng là ông không có khoản nào liên quan đến tầng áp mái?
Không có!
Một số cư dân đòi sở hữu chung nói sẽ kiện Công ty Kinh Đô ra Tòa án và tôi cũng nói với họ thế này: tôi chỉ mong muốn trong 1 mái nhà thì sẽ sống với nhau hòa thuận, tốt nhất là không nên kiện tụng gì nhau mà nên có những thông điệp trao đổi để hiểu nhau. Còn nếu như trong trường hợp mà hai bên không hiểu được nhau và thương lượng được thì các vị cứ đưa ra tòa thôi. Tôi không khuyến khích chuyện đấy nhưng các vị mà cứ muốn đưa ra tòa thì cứ đưa thôi. Tôi thì mong muốn là hai bên ta ngồi lại với nhau là tốt nhất. Sau đó, thì một số cư dân cũng thuê Luật sư nhưng họ không đưa ra Tòa án vì nó không có căn cứ nào cả.
Thế còn kết luận của thanh tra phường /quận/TP cũng như của Sở Xây dựng thì như thế nào?
Thanh tra thì tại cuộc họp ở UBND phường đấy thì người ta cũng nói là các việc đó là quyền lợi liên quan đến Công ty Kinh Đô và cư dân, hai bên phải tự giải quyết với nhau là chính. Trong trường hợp nhờ đến phường giải quyết phải cung cấp đầy đủ hợp đồng, phiếu thu tiền, các chứng từ cần thiết thì phường mới có cơ sở để giải quyết. Cho nên bây giờ các vị cứ trình bày miệng, cứ nhận như thế thì phường cũng không có căn cứ nào để giải quyết. Việc Thanh tra và phường kết luận là như thế.
Còn phần bên công ty Kinh Đô là như thế này: xây dựng thô thì chúng tôi đã xây dựng từ những năm 2004-2006, lúc đó Nhà thầu của Kinh Đô tập trung ưu tiên cho thi công hoàn thiện nhà dân trước để bàn giao cho các cư dân sử dụng, sau mấy năm bên Công ty Kinh Đô mới tổ chức việc hoàn thiện tầng áp mái thì nó lại xảy ra tranh chấp việc như PV vừa nói đấy thì cho đến nay việc hoàn thiện đó vẫn tạm dừng, nằm im thế thôi.
Trong hồ sơ mà bên Công ty Kinh Đô gửi cho báo chí có nhắc đến việc xuất hiện chữ ký giả của ông Lê Văn Hùng, Phó giám đốc Ban quản lý dự án. Sự việc này là thế nào?
Phía cư dân khi đưa sự việc này cho báo chí nhắc đến việc tầng này sai tầng kia sai, họ dựa vào Biên bản, mà Biên bản đó theo quan điểm của Kinh Đô là Biên bản không có thật, vì chữ ký trong Biên bản không phải là của ông Lê Văn Hùng, Phó giám đốc Ban quán lý dự án tòa nhà 93 Lò Đúc. Biên bản không có chữ ký thật của phía Kinh Đô nên Biên bản đó không có giá trị pháp lý; Tại cuộc họp tại Sở xây dựng ngày 10/01/2012, bà Yến phó Chánh thanh tra Sở xây dựng có đưa ra nội dung tại Báo cáo giải quyết khiếu nại tố cáo của một số cư dân và nói là đã căn cứ vào Biên bản (tức là Biên bản số 92 nói ở trên) có được từ 1 nguồn khác nhưng theo tôi hiểu thì nguồn khác là nó không có giá trị pháp lý bởi vì văn bản là của cơ quan thanh tra phát hành ra thì nó phải lưu tại cơ quan thanh tra, không thể lấy từ nguồn khác để làm căn cứ được. Thứ 2 là Biên bản là bản photo mà cho đến nay cũng không có 1 Biên bản gốc nào như vậy.
Tại cuộc họp ngày 10/01/2012 trên ở Sở xây dựng tôi đã khẳng định là trong quá trình xây dựng Tòa nhà 93 Lò Đúc không có Biên bản nào khi Sở xây dựng đi kiểm tra các hoạt động xây dựng có nội dung như vậy. Còn bản photo thì như tôi cho rằng không có giá trị pháp lý, hoàn toàn có thể nếu họ mà không trung thực thì người ta có thể photo hoặc cắt dán, không thể tin vào những tài liệu như vậy mà kết luận trong khiếu nại tố cáo được.
Vậy mục đích của người dân ở đây với Chủ đầu tư 93 Lò Đúc cũng bắt nguồn từ việc đấu tranh vì phí dịch vụ tòa nhà, đấu tranh muốn có Ban quản lý là của cư dân. Ông có thể nói gì về việc này?
Với các Chủ đầu tư khác, khi quản lý nhà bị lỗ, họ sẽ phải tăng phí ngay thậm chí họ sẽ đi vận động để tăng mức phí lên để họ không bị lỗ. Công ty Kinh Đô hiện nay vẫn đang phải bù lỗ vì phí quản lý tòa nhà thu thấp không đủ chi phí.
Điều rất bất cập là trong quản lý Tòa nhà, Kinh Đô đang bị lỗ, đang phải bù lỗ cho công tác quản lý nhà nhưng ngược lại một số cư dân họ lại có những hành động bất cập gây khó dễ cho bên Kinh Đô mình, cản trở các hoạt động của Doanh nghiệp, ví dụ như là họ cứ nói là vi phạm về phòng cháy thì tôi nói công bằng với PV là như thế này bất kể tòa nhà nào trên đất nước Việt Nam này khi Cảnh sát phòng cháy kiểm tra hệ thống phòng cháy, các hệ thống chính có bảo đảm khi xảy ra cháy thì có đảm bảo để chữa cháy được không, đấy là cái quan trọng nhất.
Từ khi tòa nhà xây dựng đi vào hoạt động cho đến nay Công an phòng cháy đến kiểm tra thì chưa lần nào người ta nói rằng hệ thống chính của chúng tôi chưa bảo đảm công tác chữa cháy.
Nhưng rõ ràng mục tiêu của dân ở đây còn tranh chấp rất nhiều thứ như là cầu thang chung, cầu thang máy chẳng hạn, tức là mục tiêu chủ yếu của dân ở đây là gì, ngoài việc phí chung cư thì ở đây còn tranh chấp những gì với Công ty của mình nữa?
Tại đây một số cư dân tranh chấp với Chủ đầu tư chính là đòi quyền quản lý Tòa nhà, cái đó mới chính là gốc của vấn đề, còn những cái khác chỉ là 1 hình thức để một số cư dân “bới lông tìm vết” để đấu tranh với chủ đầu tư.
Như lúc nãy ông có nói rằng ông không thể bàn giao hết cho cư dân tòa nhà được. Vì sao?
Thứ nhất nó là sở hữu của Kinh Đô bởi vì cái sở hữu ở đây là Chủ đầu tư là người bỏ số tiền chi phí ra để đầu tư, thế thì việc cư dân đòi để cư dân quản lý Tòa nhà theo tôi hiểu ở trên đất nước Việt Nam này chưa có tòa nhà nào như vậy trừ tòa nhà tái định cư người ta mới giao cho dân quản lý; Vì công tác quản lý nhà ở đây phải có chuyên môn và phải có 1 nguồn tài chính nhất định, chuyên môn và tài chính để đảm bảo duy trì quản lý nhà hoạt động cho tốt.
Thế thì như vậy cư dân đòi quyền quản lý thì theo tôi nó không phù hợp với pháp luật quy định và đạo lý vì họ không phải là người đầu tư mà ở đây nó chỉ là cơ chế phối hợp; Tôi ủng hộ Ban quản trị được thành lập do dân bầu sẽ giám sát Ban quản lý Tòa nhà để cho công tác quản lý tòa nhà ngày một tốt hơn lên. Cơ chế phối hợp ấy với mục tiêu là phải làm cho công tác quản lý tốt lên chứ mà lại làm công tác quản lý xấu đi như hiện nay thì đó không phải là sự phối hợp.
Nhưng trong hợp đồng nhà của mình giữa Chủ đầu tư với người dân thì quyền lợi về cái thang máy thì nó chia sẻ như thế nào thưa ông?
Thang máy của các tòa nhà hỗn hợp, tòa nhà hỗn hợp thì người ta sử dụng thang máy chung, là sở hữu chung. Sở hữu chung tức là văn phòng và cư dân cùng đi các thang máy đấy vì nó là sở hữu chung.
Nhưng dân lại là muốn sở hữu cả cái thang đấy?
Không phải, một số cư dân muốn quyền quản lý cả tòa nhà chứ không phải là quản lý riêng thang máy, quản lý cả tòa nhà bao gồm quản lý, bảo trì thang máy, quản lý tầng hầm, rồi họ quản lý cả việc thu tiền dịch vụ của các cư dân, thu tiền gửi ô tô, gửi xe máy, v.v... quản lý tất cả luôn.
Tòa nhà hỗn hợp nên còn có các công năng khác, ví dụ: chức năng văn phòng, chức năng căn hộ bởi vì tòa nhà là công năng hỗn hợp nên không thể bàn giao cho một số cư dân được, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng quyền sở hữu riêng và sở hữu chung của các cư dân. Về sở hữu của Chủ đầu tư tôi cũng mong muốn được tôn trọng. Việc bây giờ một vài cư dân đòi giao cho họ quản lý tòa nhà sẽ không đảm bảo cho hoạt động của văn phòng và người dân sinh sống nơi đây tại tòa nhà vì một số cư dân này không có chuyên môn, không có nguồn tài chính đảm bảo chi phí, không có tư cách pháp nhân trong việc quản lý tòa nhà.
Nếu công tác quản lý tòa nhà không đảm bảo thì trước tiên Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải là một vài cư dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu xảy ra vấn đề gì ví dụ nếu xảy ra cháy thì người ta sẽ phải quy trách nhiệm dân sự (hoặc hình sự) cho Chủ đầu tư chứ không phải cho mấy cư dân này đâu.
Xin hỏi ông một câu cuối: sau một loạt tranh chấp cư dân còn muốn gì nữa không đã tạm dừng chưa hay vẫn còn tiếp tục đấu tranh nữa?
Tôi nghĩ hồi kết ở đây thì nhiều người cũng nói với bên Kinh Đô rằng, ví dụ bà Yến - phó Chánh thanh tra Sở xây dựng nói rằng anh cứ bàn giao tòa nhà cho cư dân quản lý là êm xuôi hết và tôi sẽ trung gian ở giữa cho Công ty Kinh Đô và cư dân.
Bà Yến nói như thế nhưng chúng tôi về cân nhắc thì không thể giao được vì không có cơ sở pháp lý, mặc dù chúng tôi hiện nay vẫn đang phải bù lỗ, khi có vấn đề gì xảy ra thì Chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ làm sao một vài cư dân lại chịu trách nhiệm thay cho Kinh Đô được. Bình thường thì nó như thế nhưng khi xảy ra cháy hoặc chết người thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quy trách nhiệm vào Chủ đầu tư chứ làm sao người ta lại quy trách nhiệm cho 5-6-7 cư dân hiện nay đang đấu tranh đòi quản lý Tòa nhà này được.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo Vietnamnet