Phối cảnh tổng thể dự án làng Việt kiều. |
Trong công văn gửi các khách hàng mới đây, Công ty TSQ (chủ đầu tư dự án) cho rằng, doanh nghiệp này và khách hàng đã ký hợp đồng mua bán nhà là hết sức rõ ràng, minh bạch. Trong hợp đồng đã được ghi rõ: “…hai bên đã bàn bạc và thống nhất toàn bộ các nội dung của hợp đồng này. Hai bên cam kết thực hiện hợp đồng trên cơ sở đồng thuận, am hiểu pháp luật và ký hợp đồng trong trạng thái minh mẫn, tự chủ...”. Phía TSQ cho rằng, “trong bối cảnh nhiều người dân có nhu cầu mua chung cư để ở, nhưng rất ít chung cư được rao bán”, nên khách hàng vẫn ký hợp đồng với tâm lý “mua lấy được” không phải là do lỗi của công ty.
Liên quan đến việc khách hàng tố chủ đầu tư TSQ tính giá căn hộ bằng USD, theo TSQ, trong hợp đồng đều thống nhất tính giá 1m2 nhà/VND và tổng giá trị căn hộ cũng là... VND, do đó không vi phạm quy định Pháp lệnh về ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Chủ đầu tư dự án cho rằng, việc tỷ giá được đưa vào điều kiện phát sinh hợp đồng, chỉ xảy ra nếu có sự điều chỉnh của cơ quan Nhà nước. Đây là yếu tố ngẫu nhiên và khách quan, công ty không chủ động và kiểm soát được tỷ giá lên hay xuống. Vì thế, Công ty TSQ tuyên bố bác bỏ những khiếu kiện của khách hàng liên quan đến việc phải nộp thêm hàng trăm triệu đồng do việc tỷ giá biến động trong thời gian qua.
“Chốt” lại phúc đáp khách hàng, chủ dự án này quả quyết: “Bằng quyền hạn của mình, khách hàng có thể đưa sự việc ra các cơ quan chức năng và trên hết là ra tòa án như trong hợp đồng đã ghi để giải quyết”
Trước đó, theo các khách hàng và một số luật sư của bên nguyên đơn, việc TSQ tính giá căn hộ bằng VND nhưng lại thu thêm tiền của khách hàng do tỷ giá biến động là hoàn toàn vô lý và trái pháp luật. Bởi lẽ, một khi bên bán đã khẳng định bán nhà bằng VND thì mọi quá trình thanh toán sau đó không liên quan gì đến việc tỷ giá biến động lên hay xuống.
“Vô phúc đáo tụng đình” - rõ ràng, việc không thể hòa giải được xung đột để rồi phải đưa nhau ra tòa là điều mà cả chủ đầu tư và khách hàng đều không mong muốn. Nhưng động thái kiên quyết của TSQ cho thấy, doanh nghiệp này đang rất tự tin với cơ sở pháp lý là những bản hợp đồng giấy trắng mực đen.
Nhìn lại, trong gần chục năm qua, trên thị trường bất đồng sản hầu như tất cả các bản hợp đồng mua bán đều do chủ đầu tư soạn sẵn, với những điều kiện luôn đảm bảo cho chủ đầu tư “nắm đằng chuôi”. Sự “méo mó” trong quan hệ cung - cầu đã đẩy khách hàng lâm vào trạng thái “miễn mua được là thắng”, thậm chí còn không có thời gian đọc hợp đồng.
Hệ quả pháp lý của câu chuyện tại dự án Làng Việt kiều châu Âu chưa biết sẽ đi đến đâu, nhưng rõ ràng đây là một bằng chứng hết sức thuyết phục từ thực tế, thúc giục các cơ quan hữu quan nhanh chóng hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Điều 19, về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, luật nêu rõ: cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Bách Nguyễn