Chủ động “ghìm cương” lạm phát trong những tháng cuối năm

9 tháng, tốc độ tăng giá ở mức 6,46% được coi là một thành công lớn của Việt Nam, nhưng những dấu hiệu của sự tăng giá hàng hóa bắt đầu nhen nhóm và có xu hướng tăng nhanh. Mục tiêu của Chính phủ đề ra là kiềm chế tốc độ tăng giá dưới 8% trong năm 2010.

9 tháng, tốc độ tăng giá ở mức 6,46% được coi là một thành công lớn của Việt Nam, nhưng những dấu hiệu của sự tăng giá hàng hóa bắt đầu nhen nhóm và có xu hướng tăng nhanh. Mục tiêu của Chính phủ đề ra là kiềm chế tốc độ tăng giá dưới 8% trong năm 2010. Đây là một việc khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tích cực, ráo riết trong chỉ đạo, điều hành, chủ động “ ghìm cương” lạm phát trong những tháng cuối năm- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu như vậy tại cuộc họp trực tuyến mới đây với các ngành, địa phương.

Cân đối cung cầu, ổn định giá cả

 Yêu cầu này được đặt ra như một nhiệm vụ cấp thiết và được các bộ, ngành Trung ương chú trọng. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhóm các mặt hàng công nghiệp chủ lực tới thời điểm này chưa có gì đáng lo ngại về cung cầu. Cụ thể, sản lượng xi măng lên tới 65 triệu tấn; giấy hiện đạt 1,124 triệu tấn và 3 tháng cuối năm có thêm một số dự án đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu giấy của cả nước.Tổng nhu cầu xăng dầu trong năm khoảng 16,3 triệu tấn, 9 tháng nhập khẩu hơn 7,4 triệu tấn, sản xuất trong nước được 3,45 triệu tấn, hiện 1,4 triệu tấn tồn kho, đủ để dùng trong 1 tháng và sẽ tiếp tục cân đối đủ nguồn hàng trong thời gian tới. Sản lượng than 9 tháng đạt 31 triệu tấn, tiêu thụ 30,9 triệu tấn, tồn kho có 4,7 triệu tấn, đáp ứng yêu cầu. Thuốc chữa bệnh nhập khẩu và sản xuất trong nước cũng cơ bản được chuẩn bị đầy đủ.

    Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kinh Tần cho biết, sản lượng thóc của cả nước đạt 39,2 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó có 27,68 triệu tấn tiêu thụ nội địa, xuất khẩu 11 tấn thóc (tương đương hơn 5 triệu tấn gạo) và khả năng năm nay có thể xuất khẩu được 6,4 triệu tấn gạo, đủ tiêu dùng trong nước. Về mặt hàng đường, tuy sản lượng thấp hơn cùng kỳ năm trước và do ảnh hưởng của nắng hạn, mía thu hoạch chậm hơn 1 tháng, thời kỳ giáp vụ có thể ảnh hưởng tới giá đường hoặc thiếu đường nhưng Bộ sẽ sẽ theo dõi tình hình cung cầu và có kế hoạch nhập khẩu kịp thời nếu thiếu. Về muối, sản lượng tăng cao, đạt 1,120 triệu tấn, tăng 67%, giá muối có xu hướng giảm nên không đáng lo. Tuy nhiên, ông Tần cảnh báo, giá phân bón cuối năm có thể tăng nhẹ nên đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét không nên cấp giấy phép xuất khẩu phân bón để giữ cho nhu cầu trong nước khi giá thế giới đang tăng. Riêng về mặt hàng thịt, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các biện pháp cuối năm cần quyết liệt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi, bảo đảm cân đối trong cung cầu mới không gây sốt giá vì nhu cầu từ tháng 10 đã tăng khá cao so với các tháng trước.

Như vậy, theo phân tích của các Bộ, ngành thì về cơ bản, các nhóm hàng chủ lực được bảo đảm, hàng hóa không thiếu, giá tương đối ổn định.

Công ty CP Thương mại Minh Khai thường xuyên tổ chức đưa hàng về ngoại thành, góp phần lưu thông thị trường và bình ổn giá. Trong ảnh: Nhân viên xếp hàng đưa về huyện.

Tăng cường dự báo, không để lạm phát tăng cao

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, quý 4 có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa cần được chú ý. Đó là giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao, ảnh hưởng tới giá đầu vào của các mặt hàng nhập khẩu. Cùng với đó là thiên tai, dịch bệnh, nỗi lo thiếu điện và các biện pháp kích cầu năm 2009 theo độ trễ tới giờ mới thực sự ảnh hưởng tới thị trường, giá nên không thể chủ quan. Điều quan trọng là cần phát huy kết quả 9 tháng, bình tĩnh theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh, trong đó cái gốc vẫn là sản xuất và bảo đảm cân đối cung cầu. Đặc biệt, cần chú ý về hệ thống thông tin, dự báo, phát huy vai trò tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu chính xác chính sách giá của Nhà nước, không để xảy ra hiện tượng sốt giá do tâm lý.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương thì cho rằng, cơ bản hàng hóa không thiếu nhưng do hệ thống phân phối nếu qua nhiều tầng nấc làm giá hàng hóa bị đẩy lên khi đến tay người tiêu dùng. Vì thế, các ngành hàng cần chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới lưu thông. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cũng cần chủ động dự trữ hàng hóa cho những tháng cao điểm. Thứ trưởng Phương cũng đề nghị không tăng giá điện, giá than bán cho điện và các hộ sản xuất lớn như xi măng, giấy, phân bón trong những tháng cuối năm. Đối với mặt hàng xăng dầu cần giãn thời gian điều chỉnh giá.

Đối với các địa phương, việc chủ động bình ổn giá có vai trò quan trọng, nhất là các thành phố lớn. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tùy theo điều kiện, nhu cầu mà các địa phương có biện pháp cụ thể. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội dành tới vài trăm tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, bình ổn giá trong dịp lễ Nô- en, Tết Dương lịch và Tết âm lịch với lãi suất 0%. Hà Nội cũng chỉ đạo và cùng các doanh nghiệp khảo sát, lựa chọn địa điểm để mở rộng mạng lưới tổ chức bán hàng theo chương trình bình ổn giá. Tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia bình ổn lên tới hơn 360 điểm, được phân bố rộng khắp trên địa bàn, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Dự kiến cả năm 2010, Hà Nội sẽ có khoảng 500 điểm bán hàng bình ổn giá, tập trung tại khu vực nội thành và một số huyện, thị.

Tại Hải Phòng, các biện pháp bình ổn giá đã được Sở Công Thương tham mưu, đề xuất với thành phố. Trong đó, biện pháp chủ yếu vẫn là tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng; chủ động theo dõi diễn biến giá cả và tình hình cung cầu để có sự ứng phó kịp thời; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; dành một phần ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa khi cần thiết. Mặc dù vậy, với những diễn biến khó lường của giá cả hàng hóa trong những tháng cuối năm thì công tác chỉ đạo điều hành về thị trường, giá cả cần được quan tâm nhiều hơn, có tính chủ động cao hơn. “Điều quan trọng là phải xây dựng được cơ chế thị trường tự bảo đảm chứ không nhất thiết cứ phải ngân sách bỏ tiền ra mới bình ổn được giá cả”- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo như vậy./.

                                                                                   Hồng Thanh

Đọc thêm