Ngày 19-3, Đoàn Khảo sát của Ban Chỉ đạo 138/CP do Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy, UBND thành phố về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Đà Nẵng. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố.
|
||
Đồng chí Trần Thọ phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn Khảo sát của Ban Chỉ đạo 138/CP. |
Đại diện ngành Công an đã báo cáo những kết quả về việc thực hiện Nghị quyết 09/1998/CP ngày 31-7-1998 của Chính phủ đối với công tác phòng, chống tội phạm. Theo đó, từ năm 1998 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nổi bật nhất là các chủ trương xây dựng thành phố “5 không”, “3 có”, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 10-8-2009 và Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-10-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học, thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đánh giá, trên địa bàn thành phố,các loại tội phạm như giết người do nguyên nhân xã hội, hiếp dâm, cướp tài sản đều giảm; không có tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Tuy nhiên, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng manh động, liều lĩnh, một số đối tượng cấu kết thành nhóm và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động; đối tượng phạm tội là thanh-thiếu niên và học sinh, sinh viên có xu hướng tăng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ khẳng định: Đà Nẵng luôn phấn đấu để trở thành điểm đến an toàn, thân thiện. Đối với công tác phòng, chống tội phạm, cả hệ thống chính trị của thành phố đều tham gia tích cực; trong đó, chú trọng vai trò chủ lực của ngành Công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách thông thoáng, nhiều mô hình hiệu quả phù hợp với thực tế và nhờ vậy, trong những năm qua thành phố đã kiểm soát được tình hình tội phạm.
Đánh giá về kết quả thực hiện công tác phòng, chống tội phạm ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhận định, lãnh đạo thành phố đã có sự chỉ đạo kịp thời, bài bản, quyết liệt, kiên trì; tiếp nhận và triển khai Nghị quyết của Chính phủ một cách sâu rộng. Đồng thời, ban hành những văn bản hướng dẫn và lãnh đạo tập trung những vấn đề cụ thể trong công tác phòng, chống tội phạm. Thành ủy, UBND thành phố đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương đã đề ra, kịp thời khen thưởng, động viên những điển hình tốt cũng như uốn nắn những hành vi sai lệch khi cần thiết. Đà Nẵng đã làm tốt việc thu hút tất cả các lực lượng chính trị, xã hội vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm với những mục tiêu cụ thể. Thứ trưởng đánh giá cao những mô hình của Đà Nẵng và xem đó là những bài học kinh nghiệm để các địa phương khác học tập.
Qua buổi làm việc lần này, Đà Nẵng đã kiến nghị Ban Bí thư Trung ương cần có chỉ thị lãnh đạo toàn diện công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Bộ Công an cần xây dựng mô hình Văn phòng phòng, chống tội phạm thuộc Công an tỉnh, thành phố để tăng cường công tác chuyên trách tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm; tăng cường nguồn kinh phí cho địa phương để thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm trong thời gian đến.
Tin và ảnh: M.H