Chủ dự án phải có đánh giá tác động môi trường

(PLO) - Đánh giá tác động môi trường là một chế định mới của Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, bổ sung.vừa được QH thông qua 
Hình minh họa (internet)
Hình minh họa (internet)
Theo đó, các đối tượng sau đây phải thực hiện đánh giá tác động môi trường: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. 
Chủ những dự án trên phải tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường thể hiện dưới hình thức báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp sau đây: Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng, kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. 
Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và con người, bảo đảm sự phát triển bền vững của dự án, chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.
Luật quy định các dự án không phải thực hiện tham vấn gồm: Phù hợp với quy hoạch của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;  Thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định trong Điều 22 Luật Bảo vệ Môi trường. 
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trường hợp không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ dự án biết.
Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với dự án. Đây cũng là căn cứ để cấp, điều chỉnh giấy phép đối với từng loại sự án. 

Những chế định đặc biệt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
Để hạn chế ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, Luật Bảo vệ Môi trường quy định Khu kinh tế phải có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Ban quản lý khu kinh tế phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường. 
Ban quản lý khu kinh tế phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Ở các công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, Ban quản lý của những nơi này phải  phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động về bảo vệ môi trường; báo cáo về hoạt động bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật. Luật cũng yêu cầu khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường. 
Khi đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chủ đầu tư phải quy hoạch các khu chức năng, các loại hình hoạt động phải phù hợp với các hoạt động bảo vệ môi trường. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục; có thiết bị đo lưu lượng nước thải;
Trong các điều luật cụ thể, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, bổ sung cũng quy định chi tiết về các yêu cầu đổi với các loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ cụ thể. Yêu cầu bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, trong nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu…
Phải ký quỹ khi nhập phế liệu
Trước những bức xúc về tình trạng nhập nguyên liệu đã qua sử dụng, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, bổ sung lần này đã được đặc biệt chú ý đến lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất trong từng thời kỳ khác nhau thì khác nhau về chủng loại, phụ thuộc vào khả năng xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với phế liệu nhập khẩu. 
Vì thế, Luật đã giao Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu nhập khẩu để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Luật cũng đã quy định rõ về các điều kiện đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu, trong đó có quy định về kho bãi, công nghệ và chỉ nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất, không cho phép nhập khẩu phế liệu để buôn bán trong nước. Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm ký quỹ phế liệu nhập khẩu để xử lý phế liệu nhập khẩu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường...
Nhằm quản lý tốt đối tượng nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, hạn chế tác động xấu đến môi trường Luật cũng đã giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng nhằm bảo đảm tổ chức chặt chẽ việc phá dỡ, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Lý giải cho quy định này Ban soạn thảo cho rằng trên thực tế công việc phá dỡ tàu biển đã được nhiều nước tiến hành. Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ sẽ cung cấp nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao, khối lượng không nhỏ cho sản xuất công nghiệp; góp phần giải quyết việc làm, tăng lợi ích kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường./.

Đọc thêm