Ba lần hàm oan của Quan Âm Thị Kính
Tương truyền, Đức Quan Âm Thị Kính đã tu hành 9 kiếp, đến kiếp thứ 10, ngài được đầu thai làm một con gái trong một gia đình họ Mãng, được đặt tên là Thị Kính. Tuổi vừa đôi tám, Thị Kính nổi tiếng xinh đẹp, đoan trang, nhận sự giáo dục nghiêm khắc trong một gia đình gia giáo. Đến tuổi, bà được gả cho một nho sinh họ Sùng tên Thiện Sĩ. Buổi đầu, cuộc sống vợ chồng đầm ấm, bà giữ trọn phận làm dâu, tôn kính, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Bà hi sinh thân mình, chu toàn mọi việc để chồng yên tâm đèn sách. Một ngày, người chồng mệt mỏi vì việc học, gục đầu ngủ quên ở thư phòng. Đang khâu vá, Thị Kính thấy trên cằm chồng có sợi râu mọc ngược. Cho rằng sợi râu là điềm không may mắn nhưng không muốn chồng thức giấc nên tiện tay, Thị Kính dùng chiếc kéo may vá định cắt râu cho chồng. Bất đồ chồng tỉnh giấc, thấy chiếc kéo kê sát cổ mới sợ hãi kêu lên. Nhà chồng kéo tới, nghe thuật lại thì đều cho rằng Thị Kính có ý định sát hại chồng. Ngay lập tức, bà bị đuổi về nhà cha mẹ đẻ mà không được giải thích một lời nào.
Lần thứ nhất: Thị Kính phải chịu nỗi hàm oan lớn. Vợ chồng đang đầm ấm, có lý đâu lại đang tâm sát hại chồng. Nhưng thời phong kiến trọng nam, khinh nữ, người phụ nữ dù có bị oan cũng không thể bày tỏ cùng ai được. Hầu hết họ đều phải tìm đến cái chết để chứng tỏ sự trong sạch của mình. Nhưng Thị Kính không làm thế. Với tâm Phật, bà hiểu rằng thân này do cha mẹ sinh ra, công ơn nuôi dưỡng chưa báo đáp thì không thể bỏ phí. Cần chứng minh trong sạch bằng cách làm có ý nghĩa hơn. Vì thế, Thị Kính quyết định phát thệ đi tu thay vì tự vẫn.
Tuy nhiên, thời phong kiến chưa có chùa dành cho sư nữ. Bà đành phải đóng giả nam nhi để có cơ hội tu hành. Từ lúc này, pháp danh của bà là Kính Tâm. Nhưng sự rắc rối vẫn chưa buông tha cho bà.
Lần thứ hai: Vốn là người phụ nữ có nhan sắc nên dù đã cải nam trang, bà vẫn đẹp, khiến cho nhiều cô gái đi lễ Phật, nhìn thấy bà mà không khỏi động lòng. Con gái phú ông tên Thị Mầu là người chết mê chết mệt dung mạo đẹp đẽ của “chú tiểu” Kính Tâm. Tất nhiên, vốn là phụ nữ lại là người tu hành, Kính Tâm sao có thể rung động trước sự “tấn công” của một cô gái. Thị Mầu vốn chanh chua, đanh đá, “không ăn được thì đạp đổ” đã quyết định đổ vạ cho “chú tiểu” để trả thù. Cô gái tằng tịu đến mức có thai với một người hầu. Thời đó, con gái chửa hoang thì bị làng phạt vạ. Trước sự tra hỏi của làng, Thị Mầu khai bừa “tác giả” cái thai là tiểu Kính Tâm.
Thị Kính phải chịu hàm oan, nỗi oan còn nặng hơn lần trước. Là người tu hành mà không giữ được “ngũ giới”, ngoài sự trừng phạt của làng xã còn có thể bị đuổi khỏi chùa. Đến đây, ai cũng hiểu rằng Thị Kính nếu cần chứng minh nỗi oan thì rất dễ dàng. Bởi phụ nữ sao có thể làm cho phụ nữ có thai được. Nhưng bà nhất quyết không nói ra sự thật cũng không kêu oan, cam tâm chịu mọi đòn roi tra khảo của làng xã. Có hai lý do giải thích cho việc này. Thứ nhất, bà đã phát thệ tu hành, nếu bị phát hiện là gái thì sẽ không được ở chùa nữa. Thứ hai, bà thương cho Thị Mầu và người cha đích thực của cái thai. Nếu bà nói sự thật, sẽ có hai người phải chịu sự trừng phạt hà khắc. Đây chính là tâm Phật đã được nâng lên một mức mới. Có thể giải oan nhưng không giải oan, giữ trọn đường tu và cứu vớt chính kẻ đổ oan cho mình.
Sau khi tra khảo đủ cách mà chỉ nghe tiểu Kính Tâm niệm Phật hiệu chứ không chịu nói, làng xã cũng đành chịu thua, trả chú tiểu về để nhà chùa xử lý. Sư trụ trì cũng không hiểu hư thực ra sao. Kính Tâm không muốn liên lụy đến thầy nên không dám vào chùa mà xin được tiếp tục tu hành ở hành lang chùa. Ít lâu sau, Thị Mầu sinh con. Cô gái hư hỏng bèn bế thẳng lên chùa để trả con cho tiểu Kính Tâm.
Lần thứ ba: Thị Kính phải chịu hàm oan, nỗi oan nặng nhất. Một sinh linh bé bỏng được trao vào tay bà dù không có quan hệ máu mủ ruột rà. Vấn đề nảy sinh là nếu Kính Tâm nuôi đứa trẻ thì nỗi oan trước đó sẽ càng tăng thêm. Làng xã vẫn kín đáo quan sát bởi hành động của chú tiểu sẽ chứng minh chú có phải là cha của đứa trẻ không. Trong quan niệm Phật giáo “Cứu một mạng người còn hơn xây chín tòa bảo tháp”. Thấm nhuần tư tưởng đó, Kính Tâm thêm một lần chấp nhận oan khiên. Dù biết sự hiểu lầm sẽ nặng thêm nhưng bà vẫn chấp nhận nuôi đứa trẻ. Không có sữa, không có thức ăn, bà đành bế đứa trẻ đi khắp nơi để xin bố thí. Đến lúc này, làng xã đã cam đoan bà chính là “thủ phạm” làm Thị Mầu chửa hoang, là cha của đứa trẻ. Khắp nơi bà đến xin ăn đều bị thiên hạ phỉ nhổ, chửi mắng. Cúi đầu cam chịu nhục nhã, Kính Tâm cứ lầm lũi bước đi trong oan khiên chỉ với mục đích là nuôi sống bằng được một sinh linh bé nhỏ. Sự nhẫn nhục của bà đã đạt đến ngưỡng cao nhất. Nếu không có tâm Phật, người thường có thể “nhẫn” được đến như thế không?
Khi đứa trẻ được 3 tuổi, Kính Tâm vì quãng thời gian chịu đựng quá khổ ải đã lâm bệnh nặng. Bà gửi gắm đứa trẻ cho các nhà sư rồi “hóa”. Khi tổ chức khâm liệm, người ra mới vỡ lẽ bà là phụ nữ. Làng xã đều bừng tỉnh. Họ hiểu được nỗi oan to lớn mà Kính Tâm đã phải gánh chịu, cúi đầu ngộ ra tâm Phật vĩ đại của bà. Kết thúc câu chuyện, Kính Tâm được độ thành Phật, trở lại cứu vớt cho gia đình và làng xã. Người chồng cũ của bà ân hận quá mà chết, hóa thành một con chim. Đây chính là nguồn gốc của hình tượng Quan Thế Âm ngự trên tòa sen, bế trên tay một đứa trẻ, phía trước có con chim nhỏ đứng hầu.
Chữ “nhẫn” cứu vớt con người
Tượng thờ Quan Âm Thị Kính. |
Qua sự tích Phật giáo này, quan niệm về lòng từ bi, sự nhẫn nhục để cảm hóa chúng sinh được thể hiện rất cao đẹp. Quan Âm Thị Kính gặp cảnh khổ không nghĩ tới chuyện chết bởi bà phải nhẫn nhục mà sống, để trọn kiếp tu hành. Ba nỗi oan đến tuần tự, nỗi oan sau nặng nề hơn nỗi oan trước. Sự giáo hóa Phật pháp cũng như vậy, phải tiến hành từ thấp đến cao. Nỗi oan thứ nhất, người thường chỉ cần có chút tâm là có thể chịu được. Đến nỗi oan thứ hai, có đủ điều kiện để minh oan nhưng Phật bà không làm. Bởi phải trọn đường tu, bởi không muốn vì sự giải oan của mình khiến người khác phải chịu đau khổ. Ở cấp độ này, Phật pháp mới chỉ giáo hóa sự nhẫn nhục, lòng từ bi. Nhưng ở nỗi oan khiên cuối cùng, lòng nhẫn đã trở thành tình thương với một sinh linh, rộng ra là chúng sinh muôn loài. Vì cứu vớt sinh linh mà quên hết sự đau khổ, tủi nhục của bản thân. Và Phật pháp đã thăng hoa với cái chết của tiểu Kính Tâm. Nỗi oan được giải, để rồi qua đó, chúng sinh nhìn thấy Phật, giác ngộ Phật, cảnh tỉnh chính mình. Ở lần chịu nhục cuối cùng, Phật bà đã làm nhiệm vụ cảm hóa, cứu vớt chúng sinh bằng lòng từ bi và tình thương trọn vẹn của mình.
Tìm hiểu kỹ một câu chuyện về Phật bà, để thấy cái đẹp, cái ẩn ý sâu xa ẩn chứa trong nội dung tưởng như đơn giản. Ý nghĩa thâm trầm của đạo Phật chính xuất phát từ những điều răn giản dị như thế. Tinh thần Phật giáo muốn dạy, muốn nhắc cho phật tử phải có đủ đức nhẫn nhục để làm tăng trưởng lòng từ bi. Tu Phật phải có tâm hiếu thảo với cha mẹ, kính nhường anh em, có như thế thì tự mình mới được an lạc và làm cho thân thuộc cùng được an lạc. Trong các chùa chiền ở nước ta, khi bắt gặp hình tượng Phật bà bế đứa trẻ trong tay thì đó chính là đức Quan Âm Thị Kính. Thiện nam tín nữ đi chùa cầu chuyện con cái cũng có thể tìm đến vị Phật bà này.
Tóm lại, hình ảnh Quan Âm Thị Kính giúp chúng ta thấy rõ hơn, ai đủ lòng từ bi và đức nhẫn nhục, người đó sẽ thành tựu viên mãn. Đức Quan Âm Thị Kính có gì đó rất gần gũi với đời sống người Việt. Một người phụ nữ phải chịu đủ mọi nỗi oan khiên, đều xuất phát từ những nguyên nhân rất đời thường. Xét cho đến cùng, việc thực hành là rất khó. Tuy nhiên, nếu luôn tâm niệm về chữ nhẫn, sự từ bi, luôn hướng về Phật pháp thì người ta có thể tránh được nhiều chuyện phiền nhiễu không đáng có.
Chuyện Đức Quan Âm Thị Kính có thể liên quan mật thiết đến Pháp Vân tự (chùa Dâu, Bắc Ninh). Hình ảnh Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay, qua nhiều dị bản rất gần gũi và tương đồng với những câu chuyện về Quan Âm đồng tử và Quan Âm tống tử. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa ở khắp các tỉnh, thành.