Chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh: Sẽ chấm dứt được tin đồn nhảm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, nhiều người đã trở thành nạn nhân của những tin đồn thất thiệt lan toả khắp mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên những đối tượng tung tin vẫn chưa bị xử lý.
Hoa hậu Trần Tiểu Vy
Hoa hậu Trần Tiểu Vy

Mới đây, Hoa hậu Trần Tiểu Vy cũng lên tiếng về tin đồn cô đang “cặp kè” với một doanh nhân nổi tiếng trong ngành cà phê, đi kèm những hình ảnh được cho là hẹn hò của hai bên. Hoa hậu khẳng định cô và doanh nhân trên không hề có mối quan hệ tình cảm như thông tin trên mạng, những tin đồn đó là hoàn toàn sai sự thật. Tiểu Vy cũng khẳng định những hình ảnh được coi là “bằng chứng hẹn hò” đang lan truyền trên mạng chỉ là hình ảnh Hoa hậu đang tham gia hoạt động quảng bá cho thương hiệu của doanh nhân trên theo hợp đồng quảng cáo.

Chuyện nghệ sĩ vướng phải những tin đồn nhảm, sai sự thật đã không quá mới mẻ. Một số nghệ sĩ khác như T.T, C.P, A.Đ., T.V, T.Q.... cũng vướng phải những tin đồn như lừa đảo, dùng chất cấm, sử dụng ma tuý, vỡ nợ, phá sản... Tuy nhiên, thời gian này, các tin đồn lại một lần nữa rộ lên mạnh mẽ. Đặc biệt, có nhiều hội, nhóm anti lập ra để “bóc phốt” nghệ sĩ và đăng những thông tin “không cần” kiểm chứng, bất chấp đúng sai trong các nhóm kín.

Thực tế, tin đồn thất thiệt dường như thường tồn tại song song với sự nổi tiếng của nghệ sĩ. Đó có thể là những thông tin do những người có hiềm khích hoặc ghét bỏ nghệ sĩ tung ra. Cũng có thể do những đối tượng muốn “câu view, câu like” lợi dụng tin về người nổi tiếng để thu hút người xem nhằm trục lợi. Dù với lý do nào đi nữa, hành vi tung tin thất thiệt, bịa chuyện này đã khiến không ít nghệ sĩ trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, bị tấn công, bị bôi xấu, khiến họ bị ảnh hưởng đến tâm lý, đến cuộc sống, thiệt hại về danh dự, uy tín lẫn công việc, tài chính.

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại, đồng thời còn có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, nhiều điều luật, nghị định cũng quy định rõ ràng về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm, từ xử phạt hành chính đến phạt tù.

Pháp luật có quy định như vậy, nhưng việc triển khai thực tế còn nhiều vấn đề. Không ít lần nghệ sĩ lên tiếng mạnh mẽ, thậm chí nhờ đến cơ quan chức năng vào cuộc xử lý đối tượng tung tin nhảm, song dù đối tượng vi phạm có bị xử phạt thì uy tín, danh dự của các nạn nhân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí một số nghệ sĩ còn phải đối diện với các cuộc tấn công trên mạng mạnh mẽ hơn. Điều này khiến không ít nghệ sĩ khi rơi vào tình cảnh bị tung tin đồn nhảm chỉ biết đính chính và chờ cho tin đồn lắng xuống, không dám “mạnh tay” nữa.

Cạnh đó, hiện nay mạng xã hội ngày càng phổ biến, lực lượng người dùng ngày một đông đảo. Các hội, nhóm kín lập ra ngày một nhiều. Các thông tin thất thiệt nếu có cũng lan toả nhanh chóng. Với mỗi hành vi sai phạm cũng có đông đảo người tham gia bình luận, loan tin, chia sẻ. Thực trạng trên yêu cầu các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức người dùng mạng, đặc biệt đối với người dùng trẻ tuổi.

Được biết, ngày 8/5 mới đây, trong phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp liên quan việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, vấn đề xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới đây sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể, khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng sẽ được ban hành trong cuối năm 2023 với thay đổi rất quan trọng, trong đó yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok... Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau. Hi vọng quy định mới khi được triển khai sẽ góp phần chấm dứt tình trạng đưa tin đồn nhảm trên mạng xã hội.