Chữ “tâm” thua chữ “tiền”?

“Giá trị lợi ích kinh tế đang có xu hưóng lấn át giá trị văn hoá dẫn đến tình trạng chú trọng các hoạt động thương mại vốn sinh lời, chưa chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một” 

“Giá trị lợi ích kinh tế đang có xu hưóng lấn át giá trị văn hoá dẫn đến tình trạng chú trọng các hoạt động thương mại vốn sinh lời, chưa chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một”  là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị Công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010 do Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch tổ chức hôm qua - 15/6tại Hà Nội.

Lắm “thầy”- nhiều “cha”!

mh


Không năm nào ở các lễ hội không có chuyện ùn tắc giao thông; mất vệ sinh an toàn thực phẩm; việc "chặt, chém" với giá cả "trên trời"; nạn trộm cắp móc túi, cướp giật tài sản; các biến tướng hủ tục mê tín dị đoan, bói toán, ăn xin lộng hành tràn lan, lôi kéo khách hành hương, ...

Và rồi, báo chí cứ lên tiếng, nhưng khắc phục thì "treo", dù năm nào cũng có những lời hứa của các Ban tổ chức lễ hội. Tình trạng này “bám rễ” nhiều năm làm giảm tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hoá trong hoạt động lễ hội gây nên sự bức xúc của dư luận và báo giới như: Lễ hội Chùa Thầy, Lễ hội Chùa Hương…

Việc phân cấp quản lý lễ hội và di tích chưa thống nhất, có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý: UBND xã, phuờng, Ban quản lý di tích, nhà chùa, nhà đền, công ty khai thác dịch vụ. Việc phân cấp quản lý lễ hội, di tích của từng địa phương cũng khác nhau, có nơi do UBND huyện, thị xã tổ chức và quản lý lễ hội, có nơi giao cho UBND xã, phường tổ chức và quản lý, có nơi do Ban quản lý chuyên môn, công ty kinh doanh khai thác các hoạt động vận chuyển và dịch vụ.

 Chính vì lắm “thầy”- nhiều “cha” này mà việc quản lý nguồn thu công đức, tiền “giọt dầu” lộn xộn dẫn tới đi tới chùa, phủ nào cũng thấy hòm công đức … “phong toả” khắp nơi. Trách nhiệm thì đùn đẩy nhau nhưng quyền lợi thu tiền bán vé dịch vụ, công đức thì ai cũng muốn… “vơ vào”! Đây là điều không khó hiểu bởi các nguồn lợi từ lễ hội quá lớn trong khi tâm lý của những người đi lễ thường “thoáng tay”… rải tiền!

“Chóng mặt”… với lễ hội!

Ông Vũ Xuân Thành- Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay, nhiều lễ hội không phân cấp rõ ràng, khiến các địa phương thi nhau  làm lễ hội. Tỉnh nào cũng mong lễ hội của mình mang tính…quốc gia cho “hoành tráng”, trong khi họ không có đủ tầm, đủ khả năng và kiến thức để tổ chức, mở lễ hội, rồi mặc cho lễ hội "tự biên, tự diễn". Vì thế, cảnh người người chen nhau đi xem lễ, cầu may, cảnh hỗn loạn, giẫm đạp, trộm cắp... vẫn xảy ra.

Lễ hội, văn hoá, thể thao, du lịch có chiều hướng phát triển về số lượng và quy mô tổ chức (hiện cả nước có 7.966 lễ hội) dẫn đến sự…nhàm chán. Không ít người dân than:  “Lễ hội nào cũng na ná như nhau, nhiều đến… chóng cả mặt!”.

mh


  Quả vậy, sự lúng túng, yếu kém của “nhạc trưởng”  khiến chủ đề của mỗi lễ hội khác nhau nhưng nội dung các lễ hội như “nhân bản” : rước lễ, hát hò, trò chơi dân gian, ẩm thực với nét độc đáo đặc trưng riêng rất… mờ nhạt!

Để đảm bảo sự chỉ đạo quản lý thống nhất của Nhà nước nhằm khai thác có hiệu quả lễ hội và bảo vệ di tích, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh cần nghiên cứu trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc quy hoạch lễ hội, mô hình xã hội hoá tới mức độ nào là hợp lý, mô hình phân cấp tổ chức và quản lý lễ hội. Lễ hội nào rườm rà, không cần thiết thì nên lựa bỏ. 

Thùy Dương

Đọc thêm