Chủ tịch Cà Mau chỉ đạo xử lý trách nhiệm liên quan đến những sai phạm ở công trình đê biển Tây

(PLVN) - Kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước Khu vực 5 yêu cầu là đảm bảo chất lượng công trình đê biển Tây, không để thất thoát ngân sách Nhà nước, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan một cách nghiêm túc, đúng quy định pháp luật.

Chiều 8/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân ký công văn hỏa tốc chuyển đến Sở Tài Chính tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Sở Nội vụ và Ban Quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đề nghị các đơn vị khẩn trương khảo sát, đánh giá, xác định tính ổn định của toàn tuyến đê biển Tây; khắc phục ngay những đoạn đê sụt lún; kiểm tra việc thi công đảm bảo đúng thiết kế. 

Chỉ đạo Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chủ trì và phối hợp của các đơn vị khẩn trương thực hiện những nội dung, vấn đề Kiểm toán Nhà nước Khu vực (KV) 5 đã kết luận, đủ điều kiện thực hiện thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư, qua đó xử lý đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định, đúng thẩm quyền….

Công nhân lắp đá mái đê nhằm kè hộ đê tại tuyến Kênh Mới - Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). 

Theo Kết luận của Kiểm toán Nhà nước KV5, qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau, kiểm toán đã phát hiện số tiền sai phạm phải thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán và giảm giá trị hợp đồng là hơn 95 tỉ đồng. Trong đó, hơn 90 tỉ đồng thanh toán sai do dự toán được duyệt; thanh toán sai so với khối lượng thi công thực tế khoảng 5,4 tỉ đồng.

Quyết toán không đúng với thực tế

Kết luận Kiểm toán Nhà nước KV5 nêu rõ, xét về mặt kinh tế, nếu các đơn vị có liên quan thực hiện nghiệm thu, thanh toán đúng theo biện pháp thi công thực tế, phê duyệt giá cọc bê tông phù hợp với mặt bằng giá thị trường đối với hạng mục kè thì số tiền đã giải ngân có thể thực hiện được thêm 7,6km kè, 11km đê kết hợp đường giao thông. Cụ thể của việc sai phạm này làm tăng kinh phí giải ngân trên 100 tỷ đồng. 

Cụ thể, giá cọc bê tông ly tâm trong dự toán được duyệt cao hơn giá kham khảo tại thời điểm phê duyệt dự toán, làm cho giá trị dự toán duyệt cao hơn trên 28,3 tỷ đồng. Về định mức, việc đóng cọc bê tông ly tâm thực tế bằng máy đào, nhưng dự toán lập trong giai đoạn 2011 - 2015 đã áp dụng đơn giá đóng cọc bằng tàu đóng cọc, dẫn đến thanh toán làm thất thoát trên 44 tỷ đồng.

Công tác lắp dựng và tháo dỡ khung sàn định vị đóng cọc, nếu áp dụng được định mức phù hợp thiết kế thì có thể làm giảm dự toán đến trên 24 tỷ đồng. Việc thả đá học vào thân kè bằng máy kết hợp với thủ công, nhưng dự toán áp dụng định mức thả đá học bằng thủ công, làm tăng dự toán trên 6 tỷ đồng. 

Việc phê duyệt dự án chưa phù hợp dẫn đến điều chỉnh dự án đã làm lãnh phí ngân sách nhà nước trên 25,4 tỷ đồng đối với chi phí rà phá bom mìn, đo đạt giải phóng mặt bằng và kéo dài thời gian thực hiện dự án. 

30/40 gói thầu chậm tiến độ

Xét về tính hiệu lực, đến nay, Cà Mau vẫn còn 35,5km đê biển Tây chưa được khép kín, đảm bảo mục tiêu bảo vệ dân cư, sản xuất và ngăn mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 667 - TTg, ngày 27/5/2009 (Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang), trong khi năm 2020 là năm cuối của Chương trình. 

Một đoạn đê biển Tây Cà Mau (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) hầu như không còn đai rừng che chắn khi sóng to, gió lớn… 

Cụ thể, có đến 30/40 gói thầu xây lắp trễ tiến độ so với hợp đồng ban đầu, trong đó phần lớn là do vướng giải phóng mặt bằng đối với các gói thầu đê, cầu, khu tái định cư. Thậm chí, do thiết kế thiếu hợp lý, dẫn đến chỉnh sữa nhiều lần đã làm cho gói thầu 147 chậm tiến độ.

Ngoài ra, có nhà thầu cùng lúc trúng 02 gói thầu, dẫn đến không đủ nhân lực, thi công chậm không theo cam kết trong từng hồ sơ dự thầu. Cá biệt, đối công trình xây dựng thí điểm 300 mét kè tạo bãi nằm trong gói thầu Khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây có thời hạn 90 ngày, tuy nhiên nhà thầu chỉ thực hiện thi công đổ bê tông cọc đến đến trên 240 ngày mới thi công đóng cọc.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành được trên 51km đê biển kết hợp với giao thông; 2 cầu giao thông; hơn 14,36 km kè bê tông ly tâm chắn sóng./.

Kiểm toán Nhà nước KV5 đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét xử lý trách nhiệm, cụ thể ở đây là xử phạt vi phạm quy định về dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 29, Nghị định 139/2017/NĐ-CP do lập dự toán sai so với quy định, làm thiệt hại ngân sách nhà nước đối với các đơn vị tư vấn thiết kế: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Toàn Thịnh, Công ty Cổ phần Kiến Trúc Việt, Công ty TNHH Tư vấn Thống Nhất, Công ty TNHH Tư vấn Việt Hà, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Miền Tây, Công ty TNHH Hồng Lâm, Viện Kỹ thuật Biển, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế xây dựng Thiên Phú, Chi cục Thủy lợi Cà Mau.  

Sau 2 lần điều chỉnh, bồ sung Dự án, gần đây nhất tại Quyết định số 979, ngày 2/6/2017 của UBND tỉnh Cà Mau, Dư án đê biển Tây Cà Mau có tổng mức đầu tư gần 1,7 nghìn tỷ đồng với trên 35,5km đê được xây dựng bê tông, 72,5km đê bằng đất, trên 16km kè, 72,5 km đường giao thông trên đê, 4 cầu và 3 khu tái định cư. 

Đọc thêm