Bỏ lương ngàn đô về làm nông nghiệp sạch
Trước khi làm anh nông dân “lái máy cày” như hôm nay, Trần Chung đã từng có quãng thời gian gần chục năm làm kỹ sư xây dựng, kinh qua nhiều công trình lớn ở trong nước và cả nước ngoài. Sinh năm 1977 ở Giao Thủy (Nam Định), từng học chuyên Lý trường chuyên Lê Hồng Phong Nam Định, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng (Hà Nội), anh chọn đất Thăng Long để lập nghiệp. Với trình độ được đào tạo bài bản, khả năng ngoại ngữ và sự nhiệt huyết với công việc, hồi đó anh kỹ sư Trần Chung đã được trả lương tới hơn 2.000 USD/tháng, chưa tính các khoản phụ cấp khác.
Cơ duyên dẫn dắt anh vào lĩnh vực nông nghiệp sạch vào cuối năm 2012, trong lần anh cùng các chuyên gia tham gia một công trình xây dựng nhà máy phân bón ở Campuchia. Trong đoàn chuyên gia sang nước bạn, có nhiều kỹ sư nông nghiệp trong nước.
Qua trò chuyện với họ, những trăn trở, tâm huyết của họ trước thực trạng nền nông nghiệp nước nhà đã đánh thức trong Chung một giấc mơ tưởng chừng như đã xa xôi về những cánh đồng bát ngát nơi quê nhà với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như ở các nước phát triển.
Chung đau đáu nghĩ về những cánh đồng lúa bãi bồi nơi cửa sông đổ ra biển vùng Giao Thủy quê anh: tự bao giờ thay vì phì nhiêu màu mỡ nó đã bị nhiễm phèn mặn, bạc màu, kém năng suất khiến nhiều nông dân bỏ ruộng, không còn mặn mà với sản xuất. Và rồi sau nhiều trăn trở, Chung đi đến một quyết định mang tính chất bước ngoặt cuộc đời: bắt tay vào kiến tạo cánh đồng như mơ ước để làm nông nghiệp sạch.
Trần Chung hài hước kể lại: “Ngày tôi bỏ việc về quê khởi nghiệp dự án nông nghiệp sạch, nhiều người nói tôi khùng. Trong con mắt họ, họa có điên thì mới đánh đổi vị trí của một kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm, có mức thu nhập cao để về quê làm một anh nông dân “lái máy cày”, ngày đêm trần lực với công việc đồng áng, bùn đất, rơm rạ…”
Rất mừng là quyết định của Chung được gia đình hết lòng ủng hộ và đó cũng là động lực để anh quyết tâm thực hiện. Khởi nghiệp với số vốn ban đầu là 2 tỷ đồng tại mảnh đất 8 héc ta ở Giao Thủy, Trần Chung thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân. Thuê được đất, anh không canh tác ngay mà bắt tay vào chu trình cải tạo đất rất bài bản: khử phèn, thau chua rửa mặn, rồi đầu tư san lấp để làm sạch, làm giàu đất.
Hơn hai năm trời “đánh vật” với cánh đồng, Trần Chung trở thành một anh nông dân chính hiệu: vừa nắm vững quy luật thời tiết, mùa màng và kinh nghiệm gieo trồng, vừa biết lái máy cày, máy bừa, san gạt… Số tiền 2 tỷ ban đầu chỉ “như muối bỏ bể”, Chung lại tiếp tục huy động vốn từ anh em, bạn bè để đầu tư cả chục tỷ đồng nữa mới có đất sạch, đạt chuẩn để yên tâm trồng trọt.
Chủ nhiệm HTX Trần Chung bên cánh đồng rau sạch công nghệ cao |
Trần Chung cho biết, trước đó anh từng đi qua nhiều vùng quê để học cách làm nông nghiệp, làm giàu kiến thức và kinh nghiệm cho mình. Bài bản hơn, anh tìm đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam mua sách, tài liệu về nghiên cứu.
Khi đã có đất sạch, anh đầu tư xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao và lựa chọn đa dạng các loại cây: từ khoai lang, ngô đậu, rau các loại ở địa phương đến các giống rau, củ, quả nhập ngoại như cà chua Nga, xà lách Mỹ… với mục đích tìm ra loại cây phù hợp nhất.
Anh cũng kết hợp với các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp cận và thử nghiệm công nghệ mới trong dự án nông nghiệp sạch của mình. Vừa trực tiếp nghiên cứu vừa ứng dụng, đến nay Trần Chung đã tìm ra một số cây trồng bước đầu cho tín hiệu khả quan đó là cây măng tây và khoai tây thuần chủng.
Chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap
Sản phẩm của HTX Nông nghiệp Trường Xuân được đăng ký thương hiệu và sau khi thu hoạch được đóng gói xuất bán theo đúng quy trình rau sạch được cơ quan chuyên môn kiểm tra đánh giá chất lượng trước khi ra thị trường.
Từ năm 2018, sản phẩm măng tây thương phẩm của HTX Trường Xuân đã có mặt tại các thị trường Hà Nội với giá bán 80 ngàn đồng/kg; bên cạnh đó các sản phẩm rau an toàn mang thương hiệu HTX Trường Xuân cũng có mặt tại một số hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn tại các thành phố lớn.
Anh Trần Chung cho biết: HTX Trường Xuân là trang trại được chọn để ứng dụng thí điểm sản phẩm phân bón Nano của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng phân bón Nano thay thế phân bón hóa học vừa góp phần bảo vệ môi trường, không làm bạc màu đất đai, đặc biệt là giúp tăng năng suất mà giảm tối đa chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Hệ quả còn mang lại rất quan trọng là sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người sử dụng.
Việc ứng dụng công nghệ Nano vào sản xuất nông nghiệp tại HTX Trường Xuân đã biến hơn 8 hecta đất bạc màu, thiếu chất dinh dưỡng ở vùng ven biển Giao Thủy thành những cánh đồng phì nhiêu màu mỡ với màu xanh ngút ngàn của măng tây, khoai tây, rau củ... Được biết, sau HTX Trường Xuân, hiện nhiều trang trại nông nghiệp trong cả nước cũng đã lựa chọn sản phẩm phân bón Nano của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trần Chung chia sẻ: Tại HTX Trường Xuân, việc áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp giải phóng sức lao động mà còn giúp người nông dân được tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại đối với cây trồng, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.
Nông dân làm việc tại mô hình sản xuất rau an toàn công nghệ cao - Trang trại HTX Trường Xuân |
Tại trang trại HTX, yếu tố khoa học còn được vận dụng cả trong quy hoạch các khu vực trồng trọt, chăn nuôi, hệ thống giao thông, hệ thống điều hoà tưới tiêu nước, kho bãi trên cơ sở hệ thống thuỷ lợi, hạ tầng bên ngoài trang trại. Hướng mặt trời được tính toán để cân bằng ánh sáng cho cây trồng. Anh cũng tính cả hướng gió chủ đạo trong năm, khả năng chia cắt gió để giảm thiểu thiệt hại khi có bão cho cây trồng, vật nuôi.
Hiện HTX Trường Xuân có 15 xã viên được biên chế chính thức, thu nhập ổn định 4 - 7 triệu đồng/tháng. Các xã viên này ngoài việc làm đất, gieo trồng, tự ủ phân xanh, phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh, họ còn đảm nhiệm cả việc chăn nuôi gà, bò, lợn, giun đất, thả cá an toàn tạo vòng quay trong quá trình đầu tư.
Nói về hướng phát triển tương lai, Trần Chung hào hứng cho biết: Năm nay HTX tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình măng tây thương phẩm lên 4 - 5 hecta, trung bình mỗi hecta măng tây đến kỳ thu hoạch sẽ cho 60kg/ngày. Tập thể HTX Trường Xuân với quyết tâm cao năm 2019 sẽ đạt mức doanh thu trên 2 tỷ đồng.
Mô hình nông nghiệp sạch của HTX Trường Xuân mang lại đổi thay về tư duy sản xuất của người nông dân, mở ra triển vọng mới cho việc áp dụng khoa học công nghệ theo chuẩn VietGap của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Và một điều quan trọng nữa khiến Trần Chung ngấm ngầm tự hào, kiêu hãnh, đó là anh và HTX Trường Xuân đã lan tỏa và đánh thức được khát vọng làm nông nghiệp an toàn, bền vững của bà con nông dân, giúp bà con hứng khởi, yên tâm gắn bó với sản xuất, góp phần mang lại đổi thay cho vùng đất ven biển đang trên đà phát triển theo lộ trình nông thôn mới bền vững và nâng cao.