Đi thật xa để… trở về
Doanh nhân Nguyễn Châu Á (SN 1976) có tuổi thơ gắn chặt với ngôi làng nghèo Phong Nha, bên dòng sông Son ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. “Vào những năm 80 của thế kỷ trước, tôi ngày ngày chứng kiến cảnh dân làng luôn phải đối phó với nạn đói, lũ lụt và bệnh sốt rét đã cướp đi biết bao nhiêu mạng người. Dân làng chỉ biết dựa vào rừng sâu để kiếm sống...”, anh kể về tuổi thơ của mình.
Đến những năm đầu 1990, giao thông kết nối giữa TP Đồng Hới bây giờ và Phong Nha tuy chỉ dài 50km nhưng phải mất gần cả ngày để đi lại vì đường sá quá khó khăn. “Không những thế, mỗi tuần chỉ có vài chuyến xe đò, trường cấp 3 gần Phong Nha nhất cũng phải đi bộ 15 cây số. Bởi điều kiện quá khó khăn đó, tôi đã quyết định vào Sài Gòn học tập để tìm cơ hội thay đổi cuộc sống” – anh nhớ về quá khứ.
Sau thời gian dài miệt mài học tập và làm việc ở Sài Gòn, năm 1995 Châu Á quay trở về quê hương. Cũng thời gian này, động Phong Nha vừa mở cửa cho khách tham quan và Châu Á chính là một trong những người đầu tiên đưa khách vào động này.
Đội ngũ porter người bản địa là một phần rất quan trọng cho sự thành công cho các tour khám phá hang động của Oxalis. Ảnh: Ryan Deboodt |
Tiếp đó, khi dẫn nhóm sinh viên thực tập của Trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn lúc ấy về Phong Nha, anh tình cờ gặp được cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bội Quỳnh. Cô đã khuyên anh nên học thêm về du lịch. Và anh lại lên đường vào Sài Gòn thêm lần nữa.
Mối lương duyên với hang động ở xứ sở quê hương chính thức đến với Châu Á khi anh gặp ông Hoàng Hải Vân – Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. “Đó là năm 2010, anh Vân nói với tôi rằng: Về Phong Nha làm du lịch đi, cơ hội đến rồi! Những tháng 10 năm đó, làng tôi hứng chịu cơn lũ lịch sử. Người làng bị nước dữ cuốn sạch hết của cải.
Tôi về cứu trợ bà con và khi ngồi trên nóc nhà nhìn quê hương chìm trong nước, đau thương chất chồng, tôi đau đáu một câu hỏi: Vì sao cái nghèo, cái khó cứ bám riết? Quyết tâm phải làm gì đó cho quê hương đã thôi thúc tôi hơn bao giờ hết...” – anh Nguyễn Châu Á chia sẻ.
Khi ấy, Châu Á đang là Giám đốc điều hành OneStep Vietnam - Công ty chuyên về kiểm toán xã hội, phát triển bền vững ở Việt Nam và Đông Nam Á, đã quyết định bàn giao công việc cho các cộng sự để trở về Phong Nha để vào khảo sát hang Én. Rồi chỉ 1 tháng sau (tháng 7/2011), Nguyễn Châu Á quyết định thành lập Oxalis.
Đội porter trong lòng hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ryan Deboodt |
Đứa con của làng Phong Nha trăn trở với quê hương ngày ấy đã trở về và chọn loại hình du lịch mạo hiểm hang động làm sản phẩm chính để phát triển Oxalis. Đây là loại hình tiềm năng lớn, có thể sử dụng được lao động tại địa phương và khách sẽ lưu trú nhiều ngày hơn.
Nhưng đi cùng đó, loại hình du lịch này quá mới mẻ, chưa có một khái niệm rõ ràng và chưa ai từng thực hiện tại Việt Nam. Nhưng rồi, tour mạo hiểm khám phá hang Én đầu tiên thành công ngoài mong đợi, đánh dấu bước khởi đầu hành trình đưa thương hiệu Oxalis và “vương quốc hang động” Quảng Bình đến khắp 5 châu.
“Trả nợ” rừng xanh
Khi vợ chồng ông Howard Limbert - hai chuyên gia thám hiểm hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) quyết định bắt đầu ở lại Phong Nha từ tháng 11/2012 để giúp Oxalis về an toàn và đào tạo porter (người khuân vác, vận chuyển hậu cần phục vụ du khách), ai cũng bất ngờ, Châu Á kể: “Phải mất hai năm để chứng minh cho BCRA rằng, tôi muốn tạo việc làm cho bà con quê hương và sẽ nỗ lực bảo tồn hang động ở trạng thái tốt nhất. Tôi đã phải cung cấp cả phiếu trả tiền cho porter để họ kiểm tra. Chính định hướng khai thác du lịch bảo tồn bền vững và mang lại sinh kế cho người dân địa phương của chúng tôi thuyết phục được họ”.
Trong khi đó, đối với người dân Phong Nha và các khu vực vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, tạo được sinh kế cho họ là bài toán khiến nhà chức trách địa phương rất đau đầu. Không ít người “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” và đã rơi vào vòng lao lý. Cũng bởi thế, công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng nơi đây rất khó khăn.
Vẻ đẹp tráng lệ trong lòng hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới |
Trăn trở với vấn nạn này, Nguyễn Châu Á đã xây dựng Oxalis với chiến lược phát triển hướng đến việc bảo tồn tài nguyên rừng gián tiếp bằng cách sử dụng lao động địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định nuôi sống gia đình họ. Từ đó, nạn khai thác gỗ, săn bắn trái phép sẽ được giảm dần. Nguồn thuế thu từ du lịch cũng chính là kinh phí để chi trả cho công tác bảo vệ rừng.
Và bây giờ, Oxalis hội tụ đủ một nguồn nhân sự hùng mạnh, tươi trẻ, dồi dào năng lực và đầy nhiệt huyết với 160 nhân viên và 278 porter hoạt động điều hành công ty và trong 6 tour tuyến cùng các cơ sở nghỉ dưỡng. Trong số đó, 90% đều là người địa phương. Đa phần trong số họ, xưa là những sơn tràng khỏe nhất, bẫy thú, cưa gỗ, phá rừng. Nay cũng vào rừng, nhưng họ rũ bỏ “tấm áo lâm tặc”, quay lại như để “trả nợ” cho rừng.
Hành trình xây dựng kinh đô du lịch mạo hiểm
Hiện nay, thương hiệu của Oxalis và loại hình du lịch khám phá mạo hiểm hang động đã nổi tiếng trên cộng đồng du lịch thế giới. Đơn vị này hiện sở hữu quyền khai thác các hệ thống hang động Tú Làn, hang Tiên, hang Én, hang Va và đặc biệt nhất là Sơn Đoòng – hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Những tour tuyến mà Oxalis luôn là điểm đến đáng khao khát một lần được trải nghiệm trong đời, nó sẵn sàng làm mê đắm cả những du khách khó tính nhất.
Doanh nhân Nguyễn Châu Á cũng chính là người góp công rất lớn trong hành trình quảng bá thương hiệu “Vương quốc hang động” Quảng Bình. Để hôm nay, thế giới biết đến Quảng Bình, biết đến Phong Nha, biết đến Sơn Đoòng, Tú Làn, hang Én là một phần công lao không nhỏ, bền bỉ và đầy chiến lược của người đàn ông này.
Các sự kiện lớn gắn liền với hang động như Hãng phim Wanner Bros quay bom tấn Perter Pan năm 2014; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp vượt rừng vào Sơn Đoòng và giới thiệu trên chương trình truyền hình trực tiếp Chào buổi sáng (Good Morning America) của Hãng ABC (Mỹ) năm 2015; Tổ chức hậu cần và bối cảnh hang động bộ phim Kong: Skull Island (2016); Dẫn đoàn thám hiểm đặc biệt gồm đại sứ các nước và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chinh phục hang Sơn Đoòng…
Rồi chương trình quảng bá du lịch Quảng Bình qua điện ảnh tại Hollywood vào đầu năm nay nữa. Tất cả những sự kiện gây tiếng vang lớn và hiệu ứng quảng bá sâu rộng đó đều được Oxalis và Tổng Giám đốc Nguyễn Châu Á đứng đằng sau tổ chức hậu cần.
Thành công là thế nhưng đằng sau người con làng Phong Nha này luôn thường trực những trăn trở để tìm hướng đi mới, khác lạ hợp với xu hướng du lịch thế giới. Hơn 8 năm qua, với loại hình du lịch khám phá hang động, nổi bật là Sơn Đoòng đã làm cho Quảng Bình được nhiều du khách biết đến. Nhưng đến hiện tại, vẫn chưa có thêm một sản phẩm du lịch gì mới đáng kể và đang tạo ra sự cạnh tranh rất khốc liệt của các công ty khai thác chung một loại hình.
Với sứ mệnh xác định trong chiến lược hoạt động của Oxalis là xây dựng trở thành “Phong Nha - The Adventure Capital of Asia” (Phong Nha - Kinh đô du lịch mạo hiểm của Châu Á), vài năm trở lại đây, Tổng Giám đốc Nguyễn Châu Á luôn tìm tòi, xây dựng thêm những hướng đi mới để đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, không chỉ là hang động.
Du thuyền trải nghiệm trên sông Son của Didithoi – một thương hiệu mới của Oxalis. Ảnh: Oxalis |
Anh khẳng định: “Phải tạo ra được một Phong Nha mà môn mạo hiểm nào cũng có thì lúc đó mọi người mới cùng nhau đưa nơi này thành trung tâm du lịch mạo hiểm được”.
Và tháng 2 vừa qua, Didithoi – một thương hiệu mới của Oxalis ra đời để tiếp tục định hướng đó. Cùng với việc ra mắt thương hiệu này, sản phẩm du lịch trải nghiệm, ngắm cảnh trên sông Son, sông Gianh bằng du thuyền cũng đã được đơn vị này khai trương để đón những du khách đầu tiên và được du khách phản hồi với nhiều dấu hiệu tích cực.
Những gì Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, Tú Làn đã thể hiện trên bản đồ du lịch thế giới nhiều năm qua thực sự rất đáng kiêu hãnh. Oxalis và cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Châu Á vẫn đang ngày ngày miệt mài hướng đến cộng đồng, hướng đến sự bảo tồn bền vũng cho hang động, cho rừng và đang từng bước tiến gần hơn đích đến: Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á và Phong Nha là kinh đô du lịch mạo hiểm của Châu Á.