Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội Việt Nam: Từ 'bước chân vạn dặm' đến sự ra đời của Quốc hội Việt Nam

(PLVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã dành cả tuổi thanh xuân đi qua nhiều quốc gia, khắp các châu lục. Để rồi sau 30 năm xa Tổ Quốc, khi trở về Người đã mang cả một thời đại hào hùng, bất khuất, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, lập nên nhà nước của dân, do dân, vì dân với Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp tại khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913. (Ảnh: TTXVN)
Hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp tại khách sạn Carlton tại nước Anh, năm 1913. (Ảnh: TTXVN)

Hành trình 30 năm với “bước chân vạn dặm”

Ngày 5/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bước lên con tàu Amiral Latouche Tréville để đi Marseille (Pháp) mang theo hoài bão, ước vọng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Và cũng chính thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy.

Với hai bàn tay trắng, vượt qua muôn vàn gian khổ, chông gai, làm rất nhiều nghề từ phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, làm vườn… để kiếm sống, mưu sinh, Người đã nắm giữ, mang về nền tự do, độc lập đúng nghĩa cho đất nước, cho dân tộc.

Đó là 10 năm (1911 - 1920), “đôi chân trần” của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ, hoà mình vào những “người cùng khổ” để rồi hiểu rằng: Ở đâu đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”.

Vì vậy, nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do. Từ những nhận biết căn bản đó càng thôi thúc người thanh niên yêu nước quyết tâm tìm con đường giải phóng mà anh đã từng nung nấu, ấp ủ từ ngày rời xa Tổ quốc.

Bàn chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

Bàn chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. (Ảnh: TTXVN)

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của Nguyễn Tất Thành, để rồi chưa đầy 2 năm sau (đầu năm 1919), Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp.

Ngày 18/6/1919, lấy tên Nguyễn Ái Quốc, chàng thanh niên với dòng máu Lạc Hồng chảy trong người đã đại diện cho người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam.

Theo Chuyên viên cao cấp Nguyễn Quán Phú - Ban Tuyên giáo Trung ương: “Mặc dù biết trước bản yêu sách của mình có thể sẽ không được chấp nhận, nhưng Người vẫn gửi bởi đó là “tiếng chuông báo thức” của dân tộc Việt Nam đối với thực dân, đế quốc rằng dân tộc ta, nhân dân ta sẽ không “ngủ” trong chế độ áp bức, bóc lột nữa, mà sẽ ngẩng cao đầu trong độc lập, tự do, tự chủ…”.

Đúng như tiên liệu, tuy không được chấp nhận nhưng bản yêu sách đã được lan truyền rộng rãi, gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa. Đồng thời, cũng cho Nguyễn Ái Quốc thêm một nhận thức rằng các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức của chính mình.

Tháng 7/1920, sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên Báo L’Humanite (Báo Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp, những băn khoăn của Nguyễn Ái Quốc về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia gồm ai… đã được giải đáp.

“Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin vào Quốc tế thứ ba” - Đó là lời kể lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Nhân dân ngày 22/4/1960.

Cuối tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đồng thời, cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người hiểu rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam như: Truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt, với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh” và xuất bản tờ Báo Thanh Niên (21/6/1925), Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhận thấy hạt được gieo đã đủ để nảy mầm, điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là kết quả khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ và sự cống hiến của Nguyễn Ái Quốc trong việc vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc thành lập một đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam…

Ngày 28/1/1941 (tức mồng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua cột mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba. Tại Pác Bó, Người đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng và đã bùng cháy, lan tỏa ra khắp cả nước, soi sáng, dẫn đường cho toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến.

Để rồi đến tháng 8/1945 lịch sử, từ tư duy chính trị nhạy cảm và sắc bén, dự báo, phân tích chuẩn xác tình hình trong nước và quốc tế, nhận thấy thời cơ cách mạng đã đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của chế độ thực dân, xóa bỏ chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hành trình vĩ đại, đã mở đường, dẫn lối, là “phương thuốc” cho cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng nhân dân, giải phóng đất nước. Đó là bài học trân quý về tinh thần trách nhiệm, tinh thần học tập, lao động, sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: hochiminh.vn)

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: hochiminh.vn)

Quốc hội Việt Nam được thành lập

Sau khi lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta ngay lập tức phải đối diện với các thế lực đế quốc, phản động quốc tế câu kết, bao vây, chống phá quyết liệt, hòng thủ tiêu mọi thành quả cách mạng, tái dựng ách thống trị đối với đất nước ta.

Dưới danh nghĩa quân Đồng minh, gần hai mươi vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc thực hiện “nhiệm vụ” giải giáp quân Nhật, nhưng thực tế là thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động trong nước lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính phủ tay sai cho chúng. Cùng lúc, quân Anh kéo vào miền Nam cũng để tước vũ khí quân Nhật, song thực chất là bí mật tìm cách giúp quân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam lần thứ hai.

Ngoài ra, còn có các thế lực thù địch, phản động ở trong nước, như “Việt Nam quốc dân đảng” (Việt Quốc) của Vũ Hồng Khanh, “Việt Nam cách mạng đồng chí hội” (Việt Cách) của Nguyễn Hải Thần, “Đại Việt quốc dân đảng”, “Đại Việt quốc gia xã hội đảng”… tìm mọi cách phá hoại thành quả của Đảng ta, nhân dân ta.

Trước tình thế này, trên tinh thần chủ động và bình tĩnh ứng phó với những thách thức nghiêm trọng trên, xuất phát từ cơ sở nghiên cứu, phân tích tình hình thế giới và hiện trạng đất nước, ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ cấp bách trước mắt là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Từ việc xác định củng cố chính quyền là vấn đề cơ bản, hàng đầu của cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, lập chính phủ và chấn chỉnh các cơ quan nhà nước. Đồng thời, các địa phương cũng bầu ra Hội đồng nhân dân các cấp.

Kết quả, ngày 6/1/1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam đã được tổ chức với 403 đại biểu. Chủ tịch Quốc hội đầu tiên (khi đó gọi là Trưởng ban Thường trực Quốc hội) là ông Nguyễn Văn Tố.

Tại Kỳ họp thứ nhất (ngày 2/3/1946) của khoá I, Quốc hội đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; Kháng chiến ủy viên hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch, Vĩnh Thụy làm Cố vấn tối cao, Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 thành viên.

Ngày 9/11/1946, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp 1946); ngày 31/12/1959, tiếp tục thông qua Hiến pháp sửa đổi (Hiến pháp 1959). Đến nay, Quốc hội đã trải qua 15 khoá, hiện nay, đương nhiệm là khoá XV với nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch Quốc hội là đồng chí Trần Thanh Mẫn.

Quốc hội Việt Nam hiện nay cũng là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (TPU); Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); Hội đồng Nghị viện châu Á (APA); Diễn đàn các Nghị sĩ châu Á về Dân số và Phát triển (AFPPD); Liên minh Nghị viện các nước Châu Á - Thái Bình Dương (APPU); Tổ chức Nghị sĩ thầy thuốc thế giới (IMPO); là thành viên sáng lập Diễn đàn Nghị sĩ các nước châu Á - Thái Bình Dương (APPF); Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).

Với vai trò là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân với ba nhiệm vụ là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn của đất nước, Quốc hội nước ta ngày càng khẳng định vị thế, vai trò cả trong và ngoài nước.

Đọc thêm