Trước diễn biến lây lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi, trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo kịp thời đến từng cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trên đia bàn.
Tỉnh đã thành lập 7 chốt kiểm soát liên ngành, các địa phương trong tỉnh đã thành lập 11 chốt liên huyện, thành lập đội phản ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch, lập đường dây nóng báo cáo dịch bệnh, hướng dẫn quy trình xử lý ổ dịch. Các địa phương thành lập các tổ cơ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi, điểm tập kết, các chợ có buôn bán lợn sống, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Tuy nhiên do diễn biến phức tạp, lây lan nhanh của dịch nên tại Quảng Ninh đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 8/3 tại TX Đông Triều. Đến 16h ngày 14/3 đã có 7 ổ dịch tại 7 xã, phường tại 4 địa phương là Đông Triều, Hải Hà, Quảng Yên và Uông Bí với 197 con lợn bị bệnh buộc chôn hủy. Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, nguy cơ bùng phát rộng dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh là rất cao nếu không tiếp tục chỉ đạo sát sao, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
|
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến |
Bởi vậy, các Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải quán triệt đến từng thôn, bản về giải pháp phòng, chống dịch; các thôn phải quán triệt đến từng hộ chăn nuôi về tình hình dịch, sự nguy hiểm của dịch bệnh và cách phòng, chống. Việc ưu tiên, cấp bách hàng đầu hiện nay là phải chủ động phòng dịch, không chủ quan, lơ là từ chính quyền đến người dân. Các địa phương phải xác định dịch đã đến và phải phân công cán bộ đến từng địa bàn để đôn đốc các xã, các thôn để hành động ngay. Lãnh đạo các địa phương cũng phải xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc giải pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, ông Long cũng yêu cầu tại các chốt chặt, nhất là tại các tuyến đường biển, sông, biên giới phải kiểm soát nghiêm ngặt, nếu có kết quả dương tính với bệnh phải kiên quyết không cho vào địa bàn. Các địa phương phải nắm được số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn từng xã để có giải pháp phòng, chống kịp thời.
Tại 4 địa phương có dịch phải xử lý triệt để, không để phát sinh thêm ổ dịch. Về hỗ trợ cho bà con, tỉnh đã có chính sách kịp thời, bởi vậy các địa phương phải triển khai ngay để hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, ngoài tuyên truyền về tình hình lây lan, công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cũng cần tuyên truyền để người dân biết được dịch tả lợn không lây sang người để người dân không quay lưng lại với thịt lợn.