Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Xử lý triệt để hoạt động tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

(PLVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản giao Giám đốc Sở TN-MT tổng hợp, báo cáo tình hình kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép 10 tháng đầu năm 2020. 
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Xử lý triệt để hoạt động tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Thuận đã tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu xử lý nhiều trường hợp vi phạm về lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn (nhất là địa bàn huyện Hàm Tân, Bắc Bình, Tuy Phong và khu vực giáp ranh giữa huyện Tánh Linh và Đức Linh).

Ngày 22/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2327 kiện toàn Đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Hồ Biển Lạc trở thành mỏ cát khổng lồ, làm giàu cho các đầu nậu khai thác
 Hồ Biển Lạc trở thành mỏ cát khổng lồ, làm giàu cho các đầu nậu khai thác

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tổng hợp, báo cáo tình hình kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép 10 tháng đầu năm 2020 và tình hình triển khai nhiệm vụ theo điểm 2, Công văn số 2800/UBND-KT ngày 30/7/2020 của UBND tỉnh về việc xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trái phép; trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian đến (trong đó, tập trung xử lý dứt điểm các điểm nóng như: khu vực xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân; lòng hồ Tà Pao, huyện Tánh Linh; lòng hồ Biển Lạc, sông La Ngà giáp ranh hai huyện Tánh Linh và huyện Đức Linh...). Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/11/2020.

Trước đó, báo PLVN đã có loạt bài phản ánh về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đặc biệt là khai thác cát tại các huyện Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh.

Đại công trường khai thác cát với đầy đủ nhà chòi, xe ben, máy xúc, máy bơm, ống hút (Hàm Tân)
 Đại công trường khai thác cát với đầy đủ nhà chòi, xe ben, máy xúc, máy bơm, ống hút (Hàm Tân)

Với nguồn tài nguyên, địa hình và các nguồn lợi thế khác nhau mà các mỏ cát này có những phương thức khai thác, vận chuyển khác nhau. Tại mỏ cát nằm cạnh đập Sông Dinh 3, Hàm Tân thì “đơn vị” khai thác cát chỉ khai thác vào ban đêm và dùng máy bơm hút nước từ lòng hồ lên để rửa cát. Trái lại với Hàm Tân thì tại khu vực sông La Ngà, dưới chân núi Tà Pao (Tánh Linh) cùng hồ Biển Lạc (Đức Linh) các “đơn vị” khai thác thuận lợi hơn vì chỉ cần lắp đường ống nối dài hút cát trực tiếp từ lòng hồ lên mà thôi.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp Bình Thuận cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhất là trên các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường… để người dân, doanh nghiệp nắm rõ, hiểu rõ và thực hiện theo đúng quy định pháp luật hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lấn, chiếm đất đai, khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ở một số địa phương như trong thời gian qua mà các phương tiện thông tin, báo chí đã nêu.

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp các Sở chuyên ngành tổ chức các lớp tập huấn công tác xử lý vi phạm hành chính nhất là lĩnh vực đất đai, khoáng sản…cho các cá nhân có thẩm quyền xử phạt. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm chấn chỉnh, kiến nghị xử lý các cá nhân, tổ chức không làm tốt công tác trên theo đúng quy định pháp luật.

Đọc thêm