Đó là những nguyên nhân hạn chế, tồn tại mà Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân nhìn nhận trong thực thi nhiệm vụ của Cà Mau năm 2020.
Năm 2020, bên cạnh cùng cả nước chung tay phòng, chống đại dịch COVID -19, tỉnh Cà Mau còn chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan - hạn hán, thiếu nước trong mùa khô và ngập úng trong mùa mưa. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, địa phương đã hoàn thành kế hoạch của năm với nhiều thành tựu nỗi bật, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống người dân từng bước được ổn định và nâng cao.
Chưa đi vào chiều sâu
Song, vẫn còn đó những hạn chế được chỉ rõ trong thực thi nhiệm vụ của bộ máy chính quyền địa phương, như: sự bứt phá của các Sở, ban, ngành và địa phương chưa thật sự rõ nét, nhất là khâu tổ chức thực hiện. Nhiều nhiệm vụ chậm triển khai, một số vấn đề mặc dù đã được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng một số trường hợp còn chậm chuyển biến, hiệu quả chưa cao (công tác quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh,...). Một số nhiệm vụ triển khai mới chủ yếu dừng lại ở việc xây dựng, ban hành các văn bản, việc thực hiện trên thực tế còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu tại buổi họp mặt kết nối doanh nghiệp, doanh nhân. |
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân thẳng thắng nhìn nhận: Việc ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương trong một số trường hợp còn chậm, chất lượng chưa cao; một số trường hợp việc hướng dẫn và triển khai thực hiện văn bản chưa đảm bảo tiến độ theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
“Một số Thủ trưởng sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính, thiếu kiểm tra, chấn chỉnh đối với cấp dưới, còn để xảy ra tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân chỉ rõ.
Nói về trách nhiệm của một số cơ quan trong xử lý công việc chung, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, cho rằng: Chưa chủ động phối hợp trao đổi, giải trình để xử lý những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, mà thường chuyển lên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết...
Một số cơ quan tham mưu, đề xuất còn chậm, không đảm bảo yêu cầu, chất lượng, chưa chủ động phối hợp, trao đổi với các cơ quan liên quan để thống nhất trước khi báo cáo, đề xuất; một số cơ quan, địa phương được gửi lấy ý kiến còn chậm có văn bản phản hồi gửi về cơ quan chủ trì hoặc chỉ tham gia chiếu lệ, hình thức, đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì.
3 khâu đột phá chiến lược
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề về dịch bệnh toàn cầu và thiên tai, lĩnh vực thuỷ sản - kinh tế mũi nhọn của tỉnh vẫn đạt được kết quả khả quan khi kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. |
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, quán triệt và thực hiện nghiêm phương châm hành động của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân, nhấn mạnh: “Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch COVID-19; nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động; phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tạo nền tảng vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”.
Đồng thời, nhận thức rõ những điểm hạn chế và lợi thế của tỉnh, trong 5 năm tới Cà Mau xác định 3 khâu đột phá, cụ thể là đột phá về cải cách thể chế để thu hút đầu tư, đột phá về phát triển hạ tầng và đột phá trong phát triển nguồn nhân lực.
"Không có gì là không thể, quan trọng là chúng ta có muốn làm hay không" - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân nhấn mạnh và cho biết: Năm 2021, tỉnh Cà Mau cũng đã xác định nhiều giải pháp phát triển đồng bộ kinh tế và xã hội, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng.
Theo đó, một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: hoàn thành quy hoạch phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo tiền đề, hành lang để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xúc tiến và thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển du lịch sinh thái, phát triển lâm nghiệp cũng như các lĩnh vực chế biến thuỷ sản, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh nhà.
Với lợi thế về biển và đảo, kinh tế biển được Cà Mau chú trọng phát triển với tầm nhìn về cảng biển, năng lượng tái tạo, khai thác hải sản… |
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển du lịch, coi du lịch là một đột phát trong phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ liên kết với doanh nghiệp để hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong lĩnh vực thuỷ sản nhằm nâng sản lượng, nâng chất lượng, tăng năng suất lao động, giảm giá thành trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản; Thúc đẩy cải cách hành chính, ứng dụng chuyển đổi số vào các lĩnh vực y tế, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
“Để tỉnh Cà Mau phát triển nhanh và bền vững, chính quyền tỉnh Cà Mau rất cần và mong muốn có sự đồng thuận, sự vào cuộc với sự quyết tâm, nỗ lực đổi mới, sáng tạo vượt khó của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh Cà Mau cam kết luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân chia sẻ.
*Năm 2020, Cà Mau đã đạt được các chỉ tiêu chủ yếu:
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 16.851 tỷ đồng, vượt 13,9% kế hoạch.
Thu ngân sách nhà nước đạt 6.130 tỷ đồng, vượt 5,3% kế hoạch.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,57%, vượt kế hoạch (1,82%).
Dự kiến đến hết tháng 01 năm 2021 sẽ giải ngân đạt khoảng 93,7% kế hoạch vốn.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.