Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu: Lạng Sơn luôn kiến tạo, chào đón các nhà đầu tư

(PLVN) - Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt từ nông thôn đến thành thị có nhiều thay đổi. Lạng Sơn được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lên tầm cao mới. Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Hồ Tiến Thiệu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.

Tỉnh nhiều tiềm năng

Thưa ông, đánh giá một cách tổng thể, Lạng Sơn hiện có tiềm năng và thế mạnh gì để phát triển kinh tế - xã hội?

- Lạng Sơn là tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi, không thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, Lạng Sơn có những lợi thế riêng để phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Quốc, tỉnh hiện có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logictis… Chúng tôi đang xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế, thương mại, là điểm trung chuyển hàng hóa lớn giữa Trung Quốc với Việt Nam, các nước ASEAN, khu vực và thế giới.

Thứ hai, Lạng Sơn là địa phương có nhiều phong cảnh đẹp, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú, thuận lợi phát triển dịch vụ du lịch. Những địa danh du lịch Lạng Sơn đã nổi tiếng cả nước như quần thể danh lam thắng cảnh Chùa Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc; ải Chi Lăng, đền Bắc Lệ, chùa Thành, đền Kỳ Cùng; đền Mẫu Đồng Đăng, chùa Tân Thanh… Đặc biệt, Lạng Sơn có khu du lịch Mẫu Sơn, năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia. 

Thứ ba, Lạng Sơn có nhiều sản phẩm nông sản đặc sản nổi tiếng như: hồi Văn Quan, hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, thạch đen Tràng Định, nhựa thông Lộc Bình, Đình Lập. Rau sạch của tỉnh có khả năng mở rộng diện tích, đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp trên 500.000 ha có khả năng phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến lâm sản xuất khẩu.

Thứ tư, người dân Lạng Sơn thân thiện, siêng năng, hòa nhập tốt trong cơ chế kinh tế thị trường cũng là một lợi thế. Ngoài ra, môi trường đầu tư ở Lạng Sơn đang được chúng tôi nỗ lực cải thiện theo hướng kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Môi trường đầu tư ở Lạng Sơn như ông nói đang được cải thiện, nhưng thực tế lượng đầu tư vào Lạng Sơn trong những năm qua chưa nhiều, thưa ông?

- Như tôi đã nói, do đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện tự nhiên có những yếu tố không thuận lợi, nên so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, nhất là những tỉnh, thành ở đồng bằng thì Lạng Sơn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã tìm đến Lạng Sơn triển khai dự án như Vin Group, Sun Group, APEC, Đèo Cả… Một số tập đoàn lớn khác như FLC, TNG, TMS… cũng đang hoàn thiện thủ tục triển khai các dự án lớn tại Lạng Sơn. 

Trong hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn cuối năm 2019, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, quyết định lựa chọn nhà đầu tư, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho 102 dự án, tổng vốn đăng ký 105 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, tiếp cận đất đai, nâng cao chất lượng xây dựng các loại quy hoạch, kế hoạch, nhất là trong lĩnh vực về đất đai, xây dựng. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thêm nhiều chính sách hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật để khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư tại Lạng Sơn.

Dự án quần thể khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn đang được dư luận cả nước quan tâm. Ông có thể nói qua về tiến độ triển khai dự án này?

- Từ tháng 4/2018, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định chủ trương đầu tư dự án Quần thể khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn cho Công ty TNHH Mặt Trời Mẫu Sơn (Tập đoàn Sun Group là cổ đông chính), tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Tỉnh rất quan tâm và tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ pháp luật cho phép để nhà đầu tư thực hiện dự án này. Tuy nhiên, do Khu du lịch Mẫu Sơn được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch là Khu du lịch Quốc gia, nên thẩm quyền quyết định một số nội dung liên quan đến Khu du lịch này thuộc Thủ tướng Chính phủ. 

Ông Hồ Tiến Thiệu cùng đoàn kiểm tra thực tế tại dự án thủy điện Khánh Khê (huyện Văn Quan).
 Ông Hồ Tiến Thiệu cùng đoàn kiểm tra thực tế tại dự án thủy điện Khánh Khê (huyện Văn Quan). 

Thời gian vừa qua do phải hoàn thiện một số thủ tục, đặc biệt là hoàn thiện các loại quy hoạch nên dự án chưa được triển khai ngay. Ngày 16/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2040 tại Quyết định số 1590/QĐ-TTg. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp lập và thực hiện dự án tại Khu du lịch Mẫu Sơn.

Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong công tác chuẩn bị từ khâu lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, lập dự án để có thể khởi công vào đầu năm 2021. Đây là dự án lớn của tỉnh, được lãnh đạo và người dân Xứ Lạng đặc biệt quan tâm.

Khi dự án hoàn thành, Lạng Sơn sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước; thúc đẩy phát triển thêm các ngành dịch vụ khác, giải quyết việc làm, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ và góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. 

Xây dựng giao thông thành động lực phát triển

Muốn kinh tế phát triển, giao thông phải đi trước một bước. Lạng Sơn đã và đang phát triển hệ thống đường giao thông thế nào, thưa ông?

- Dù là tỉnh miền núi nhưng Lạng Sơn có hệ thống đường giao thông khá đồng bộ. Tỉnh có đường sắt từ cửa khẩu Hữu Nghị xuống đến Hà Nội; đường cao tốc, đường tỉnh, huyện, đường liên xã, liên thôn tương đối hoàn thiện. Hệ thống đường tại các khu vực cửa khẩu cũng được quan tâm đầu tư.

Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Bắc Giang – Chi Lăng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn một năm nay. Đối với đoạn từ Chi Lăng đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị dài khoảng 43km, do vướng mắc về phương án tài chính và cần phải điều chỉnh thủ tục đầu tư, nên hiện nay đang được nhà đầu tư tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh cũng như các bộ, ngành trung ương nghiên cứu tháo gỡ để có thể khởi công ngay trong đầu năm 2021.

Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), trong đó đoạn đi trên địa phận tỉnh Lạng Sơn dài khoảng 52km, được phân kỳ đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 1 (2020-2024). Một tỉnh miền núi mà có hàng trăm km đường cao tốc như thế sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Còn hệ thống đường giao thông nông thôn được phát triển như thế nào, thưa ông?

- Tỉnh xác định phát triển giao thông nông thôn là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn và thu được những kết quả rất tích cực. 

Cụ thể, trong 5 năm gần đây đã làm được 2.021km đường giao thông nông thôn các loại, trong đó làm được 627,6km đường trục xã, 585,8km đường trục thôn, 700,1km đường ngõ xóm và 107,5km đường trục chính nội đồng. Tổng số km đường giao thông nông thôn đến thời điểm hiện tại là 11.011 km, đã cứng hóa được 4.955km, đạt tỷ lệ đạt 45%; tỷ lệ đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa là 90,2%; số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa là 161xã/181xã; số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa là 1.128/1.850 thôn, đạt tỷ lệ 69%.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, các chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Hệ thống nước sạch nông thôn, nhà văn hóa, trường học, nhà trẻ ở thôn, xã sẽ tiếp tục được Lạng Sơn thực hiện, hoàn thiện. Bộ mặt nông thôn ở Lạng Sơn sẽ ngày càng đổi mới, phát triển.

Về mặt hành chính, Lạng Sơn hiện nay chỉ có một thành phố và chưa có thị xã nào. Tỉnh có kế hoạch gì trong việc quy hoạch xây dựng thị xã không, thưa ông?

- Trước đây Lạng Sơn quy hoạch thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) thành đơn vị hành chính cấp thị xã. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dù có sáp nhập thêm diện tích một số xã lân cận thì Đồng Đăng vẫn không thể đáp ứng được tiêu chí về diện tích, dân số và một số tiêu chí khác để trở thành thị xã.

Mới đây, trong quy hoạch phát triển thị trấn Hữu Lũng có nội dung phát triển thị trấn này thành thị xã vào năm 2030. Hữu Lũng có nhiều tiềm năng để phát triển thành thị xã, diện tích tương đối rộng, dân cư đông đúc. Dọc tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn qua huyện Hữu Lũng đang được tỉnh tính toán quy hoạch, phát triển thêm một số khu, cụm công nghiệp. 

Nếu đủ điều kiện phát triển thành thị xã vào năm 2030, Lạng Sơn sẽ có thêm một “đầu tàu” kinh tế ở phía Nam, gần với vùng kinh tế Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội..., góp phần thúc đẩy kinh tế toàn tỉnh phát triển trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Hồ Tiến Thiệu sinh năm 1965, được HĐND tỉnh Lạng Sơn bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vào ngày 17/7/2020. Trước đó ông là Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Trong quá trình công tác từ trước đến nay, ông Hồ Tiến Thiệu được đánh giá là lãnh đạo quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công việc.

Đọc thêm