Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật: Quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững

(PLVN) - Quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình trong nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật: Quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững

Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật với Báo PLVN về tình hình kinh tế-xã hội tỉnh trong thời gian vừa qua và những mục tiêu trong thời gian tới trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
 Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình trong thời gian vừa qua ?

Ông Trần Công Thuật: Tình hình kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ vừa qua có tốc độ tăng trưởng đạt mức khá, cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng các ngành kinh tế được cải thiện chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83% (cao hơn nhiệm kỳ trước), trong năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 47,9 triệu đồng.

Sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp những năm qua phát triển khá bền vững. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,95%/năm; Các mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao tích cực được chú trọng đầu tư; Sản lượng lương thực tăng ở mức ổn định, bình quân đạt 30,5 vạn tấn/năm.

Sản lượng thủy sản liên tục tăng, năm 2020 đạt 88.000 tấn. Ngành Công nghiệp từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế trọng điểm. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 8,53%/năm.

Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống dân cư nông thôn được cải thiện. Đến hết năm 2020, số tiêu chí nông thôn mới đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã; có 79/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,72%, trong đó, có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 93.000 tỷ đồng, trong đó: Khu vực nhà nước chiếm 21,2%; khu vực ngoài nhà nước chiếm 77,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,5%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và tăng cường, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng.

PV: Trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh tính đến thời điểm hiện tại, những khó khăn, hạn chế mà Quảng Bình đang còn gặp phải là gì? Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đưa ra những giải pháp nào để giải quyết những khó khăn và hạn chế đó nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng nhanh, bền vững ?

Ông Trần Công Thuật: Thời điểm hiện tại, tình hình tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chưa thật sự rõ nét, năng suất lao động còn thấp. Thu ngân sách còn nhiều khó khăn; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang ở thứ hạng thấp. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ, công nghiệp phát triển chưa mạnh mẽ, chưa có các dự án công nghiệp có quy mô lớn, mang tính động lực của nền kinh tế; Quy mô tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, công nghệ thiết bị lạc hậu, sức cạnh tranh yếu.

Đời sống người dân một số vùng còn khó khăn, nhất là tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn cao. Một số hạn chế trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường chậm được khắc phục.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực của nền kinh tế. Tỉnh sẽ tích cực tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm xây dựng và đưa vào khai thác các dự án lớn, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ưu tiên thu hút các nguồn lực của xã hội để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị, các ngành mũi nhọn, công trình, dự án lớn mang tính chiến lược, như: Xây dựng cầu Nhật Lệ 3, nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới, mở rộng cảng Hòn La thành cảng trung chuyển, đường ven biển, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, các tuyến đường thủy phục vụ vận tải và du lịch...

Đối với ngành công nghiệp và nông nghiệp sẽ đẩy mạnh theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Phát huy thế mạnh về thủy sản; nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ theo hướng bền vững, kiểm soát đánh bắt ven bờ. Đầu tư hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá; chú trọng công tác thông tin, cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là khâu đột phá.

Chăm lo giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững kết hợp việc thực hiện toàn diện, đồng bộ các chính sách an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra thực tế các dự án trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra thực tế các dự án trên địa bàn.

PV: Trong những năm qua, Quảng Bình đã và đang từng bước khẳng định là địa chỉ tin cậy góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, thưa ông?

Ông Trần Công Thuật: Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đã và đang được tỉnh tích cực đẩy mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện với nhiều chuyển biến tích cực. Chính sách thu hút đầu tư chú trọng về chất lượng, có chọn lọc, nhất là ở các lĩnh vực quan trọng, có thế mạnh, như: Du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp, thuận lợi hơn, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Số lượng nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ngày càng tăng, trong đó, nhiều nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu đã và đang đầu tư tại tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 374 dự án, với số vốn đăng ký 35.749 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã thu hút được 25 dự án ODA, trong đó: 09 dự án chuyển tiếp, với tổng số vốn đầu tư 104,79 triệu USD, vận động mới 16 dự án, với tổng số vốn ký kết 251,26 triệu USD; thu hút 11 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 114 triệu USD; vận động 103 dự án NGO, với tổng số vốn cam kết 10,98 triệu USD.

PV: Quảng Bình được biết đến là nơi "sơn thủy hữu tình", hội tụ đủ đặc trưng của các loại hình đồng bằng, rừng núi, sông, biển, trong đó nổi bật nhất là Di sản Thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Vậy, định hướng khai thác, phát triển các tiềm năng du lịch mà Quảng Bình đang sở hữu trong tương lai là như thế nào, thưa Chủ tịch?

Ông Trần Công Thuật: Du lịch tỉnh Quảng Bình đang khẳng định được hướng đi đúng của tỉnh trong phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể, du lịch Quảng Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, dần khẳng định được thương hiệu là điểm đến hấp dẫn của du khách, địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư. Tổng số khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19,7 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 22 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 30,5%/năm.

Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch khám phá hang động trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch cao cấp; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng đồng thời nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính độc đáo cao. Tập trung phát triển Khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.

Tỉnh Quảng Bình sẽ khai thác tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế - xã hội.
 Tỉnh Quảng Bình sẽ khai thác tiềm năng du lịch để phát triển kinh tế - xã hội. 
Đồng thời, tiếp tục khai thác có hiệu quả các sản phẩm khám phá trải nghiệm hiện có, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, Vườn thực vật, sông Chày - hang Tối,…

Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các dự án trọng điểm tạo sự phát triển bứt phá như: Dự án Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình, Khách sạn 5 sao, sân golf Bảo Ninh, Khu nghỉ dưỡng Bang, Khu nghỉ dưỡng và thể thao giải trí DIC Star Golf and Resort,…

Tỉnh cũng tích cực tổ chức các sự kiện, các chương trình nhằm quảng bá du lịch Quảng Bình kết hợp với việc xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch với nhiều tỉnh thành, Hiệp hội du lịch trong và ngoài nước.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân đối với việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới?

Ông Trần Công Thuật: Qua thực tiễn qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI có thể đánh giá, việc phát huy dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân được xem là nhân tố quyết định trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa, con người Quảng Bình “Hai giỏi” cũng luôn được phát huy nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường xây dựng mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân.

Phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết các dân tộc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa bàn cũng tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đời sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất cao với định hướng phát triển được xác định khá rõ nét: Công nghiệp từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế trọng điểm; du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại hơn; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thông thoáng; một số dự án mang tính động lực đang được triển khai tích cực sẽ tạo nền tảng, động lực cho tỉnh nhà tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” cùng với ý chí, nguyện vọng và quyết tâm cao của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh, tin tưởng rằng tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.

Đọc thêm