Chủ tịch VIMC nói về sự tương hỗ giữa các 'quả đấm thép'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Nếu coi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là một “mái nhà” thì 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những người anh, em. Ở đó, chúng tôi có cơ hội để gắn kết; có quan hệ tương hỗ trong sản xuất, kinh doanh, vì những mục tiêu và tầm nhìn dài hạn”, ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trao đổi với PLVN.
Chủ tịch Lê Anh Sơn: "VIMC giờ đã sang một trang mới".
Chủ tịch Lê Anh Sơn: "VIMC giờ đã sang một trang mới".

Các “mắt xích” ngày một chặt hơn

- 19 Tập đoàn, Tổng công ty trước kia thuộc 5 Bộ. Nay về một đầu mối là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Về đây, có gì thuận lợi so với hồi còn trực thuộc các Bộ, thưa ông?

Chủ tịch VIMC Lê Anh Sơn: Chúng tôi - 19 Tập đoàn, Tổng công ty đều là các doanh nghiệp nhà nước nhưng trước kia "nằm" ở nhiều Bộ khác nhau nên thực sự ít gặp nhau, nếu như không chung về lĩnh vực, ngành nghề. Thường thì mỗi năm, chỉ gặp nhau một lần trong cuộc đối thoại hàng năm của Thủ tướng với các doanh nghiệp. Thực tế ít gặp, thì cũng ít chia sẻ trao đổi và cũng ít có ý tưởng để cùng nhau hợp tác kinh doanh… Nói chung là khó để ra việc hơn là khi các bên cùng ngồi với nhau để bàn việc.

Thông qua “người nhạc trưởng” là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các “mắt xích”, các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp nhà nước đã và sẽ liên kết chặt chẽ hơn, Chủ tịch VIMC Lê Anh Sơn

Nhưng giờ khi đã về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thì như về chung một “mái nhà”, và các doanh nghiệp thực sự như những người anh, em. Mỗi doanh nghiệp dù sản xuất kinh doanh một lĩnh vực khác nhau nhưng đều được định hướng bởi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên khá thuận lợi và đặc biệt nó có sự tổng thể khi xác định hướng phát triển “dài hơi” cho một doanh nghiệp hay giữa các lĩnh vực, các doanh nghiệp với nhau.

Rõ ràng thông qua “người nhạc trưởng” là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các “mắt xích”, các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp nhà nước đã và sẽ liên kết tốt hơn.

Cảng Đà Nẵng - thành viên của VIMC, năm 2022 sản lượng hàng hóa thông qua gần 13 triệu tấn, container 650.000 TEUS, hoàn thành vượt kế hoạch cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận

Cảng Đà Nẵng - thành viên của VIMC, năm 2022 sản lượng hàng hóa thông qua gần 13 triệu tấn, container 650.000 TEUS, hoàn thành vượt kế hoạch cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận

- Quan hệ giữa các doanh nghiệp nói chung, giữa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng đã thực sự là những sự hỗ tương, cùng phát triển? Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong việc kiến tạo, thúc đẩy các mối quan hệ này, thưa ông?

Chủ tịch VIMC Lê Anh Sơn: Trước đây và 5 năm gần đây, trong khối doanh nghiệp nhà nước, một số “anh” đã có mối quan hệ khá mật thiết với nhau dù khác nhau về lĩnh vực hoạt động. Tôi lấy ví dụ mối quan hệ giữa một đơn vị thuộc khối Công nghiệp là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với doanh nghiệp khối Hạ tầng vận tải là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Hai đơn vị này hợp tác với nhau khá chặt chẽ và lâu dài trong việc việc cung cấp, sử dụng dịch vụ của nhau trong sản xuất kinh doanh (vận chuyển quặng).

VIMC cũng đã bàn bạc với VNR về việc sẽ kiến nghị bổ sung quy hoạch, xây dựng đường sắt kết nối giữa cảng Liên Chiểu với tuyến đường sắt Quốc gia phục vụ vận chuyển hàng hóa qua cảng lên tàu và ngược lại nhằm giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh… Đồng thời qua đó góp phần cùng Chính phủ thực hiện cam kết của Việt Nam ở COP 26, bởi vì vận chuyển bằng đường biển, đường sắt ít gây ô nhiễm môi trường hơn so với đường bộ…

Đặc biệt, mới đây, sau khi Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được khởi công, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã chỉ đạo chúng tôi xem xét, đề xuất xây dựng một căn cứ hậu cần hàng hóa tại đây, với sự phối hợp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT là các Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Cảng hàng không (ACV), VNR và VIMC để đưa vào khai thác khi sân bay này hoàn thành.

Đây là một ý tưởng hay và khá thuận khi các chủ thể dự kiến sẽ phối hợp thực hiện dự án này đều là các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Chủ quản chỉ quyết những việc quan trọng

- Được biết, khi mới trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, VIMC bắt đầu cổ phần hóa và đã chuyển đổi thành công mô hình hoạt động. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã tiếp quản VIMC - doanh nghiệp vừa mới “lại sức” sau một thời gian dài khó khăn ra sao, thưa ông?

Chủ tịch VIMC Lê Anh Sơn: Hãy nhìn vào logo, bộ nhận diện thương hiệu mới của VIMC để biết rằng, chúng tôi đã sang một trang mới. Quá khứ đầy khó khăn cũng đã dần lùi xa. Hệ sinh thái của VIMC bao gồm hoạt động vận tải biển, cảng biển và dịch vụ - trong 3 năm gần đây đã có những bước phát triển đáng nhớ đặc biệt hoạt động vận tải biển khá thuận lợi.

Sau khi về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VIMC đã cổ phần hóa thành công

Sau khi về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VIMC đã cổ phần hóa thành công

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong vai là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đã giao quyền chủ động cho VIMC, cộng với diễn biến thị trường một số thời điểm khá thuận nên thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi có những khởi sắc. Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã rất chia sẻ với chúng tôi về việc cần phải trao quyền chủ động lớn hơn cho doanh nghiệp nhà nước, bởi trong sản xuất kinh doanh thường phải tính tới yếu tố thời cơ, thời điểm. Nếu không có sự chủ động, không kịp thời chớp lấy thời cơ thì khó mà thắng được.

Vì thế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã kiến nghị sửa đổi Luật 69/2014 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc và gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ quyết định những vấn đề quan trọng theo thẩm quyền như: chiến lược phát triển dài hạn và nhân sự cấp cao của doanh nghiệp.

- Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế biển, VIMC đang vướng những gì và đã, đang kiến nghị những điều gì?

Ủy ban sẽ đề xuất sửa đổi các quy định để có thể điều tiết được các nguồn vốn đầu tư giữa các doanh nghiệp nhà nước; kết nối hoạt động kinh doanh giữa các tập đoàn, tổng công ty theo chuỗi. Đồng thời điều động, bổ sung cán bộ có chuyên môn, năng lực giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa Ủy ban với các doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh

Chủ tịch VIMC Lê Anh Sơn: Chúng tôi đang gặp trở ngại vì quy định mua tàu qua đấu thầu. Điều này là không phù hợp với thông lệ của thị trường thế giới, nên đến giờ VIMC vẫn chưa thể mua được con tàu cũ nào theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, việc mua tàu từ các hãng tàu trên thế giới thường thực hiện theo hình thức “chào hàng cạnh tranh” thông qua các nhà môi giới tàu biển, trong khi theo quy định của chúng ta, thì phải tiến hành theo hình thức “đấu thầu”.

Thực tế, các nhà môi giới tàu biển trên thế giới không tiếp nhận yêu cầu quá chi tiết (về size tàu, tuổi tàu, vùng hoạt động, mức giá...) từ bên mua để mua - bán tàu theo hình thức đấu thầu. Các nhà môi giới chỉ chào với bên mua về những con tàu họ đang có mà bên mua thấy phù hợp. Cách làm này nhanh và ít thủ tục, giấy tờ hơn so với hình thức “đấu thầu” của mình.

Hai "Tổng" VIMC và VNR đang phối hợp để kết nối vận tải giữa đường biển và đường sắt ngày một hiệu quả hơn

Hai "Tổng" VIMC và VNR đang phối hợp để kết nối vận tải giữa đường biển và đường sắt ngày một hiệu quả hơn

VIMC đã kiến nghị về thực tế nói trên tới cơ quan chủ quản, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đã có văn bản phản ánh vấn đề này tới các bộ, ngành chức năng.

Thực tế, đã, đang có 3 thời điểm mua tàu rất hiệu quả, vì mặt bằng giá tốt là các năm 2016, 2019 và năm nay - 2023. Tuy nhiên, hồi 2016, VIMC đang tái cơ cấu, còn rất khó khăn chưa thể mua thêm tàu; tới năm 2019, VIMC đã có tích lũy về tài chính nhưng do vướng quy định như đã nêu trên nên không thể thông qua môi giới để mua thêm tàu…

Chúng tôi mong muốn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp để gỡ vướng chỗ này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm