Chủ tiệm Mão - Đinh Lễ "bật mí" chuyện "ăn lộc" sách thần"

Bà Mão nhẩm tính, mỗi mét vuông sàn, bà mua với giá 1 cây vàng, giá mỗi cây vàng khi đó khoảng 5 triệu đồng, lượng tiền mặt dùng để mua trọn 200m2 nhà khoảng 1 tỷ đồng. Theo ước lượng của bà, lợi nhuận mà cuốn sách này mang lại trong suốt 5 năm phải lên đến cỡ 2-3 tỷ đồng, quy ra vàng thời đó tương đương 500 cây vàng...

Trên “phố sách” tấp nập nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, có đôi vợ chồng già hơn 20 năm nay say mê với nghiệp sách. Ông bà Mão chính người khởi sự cho nghề kinh doanh sách ở Đinh Lễ- Hà Nội…

Từ vỉa hè lên phố

Trong giới làm sách và những người mê sách ở Hà Nội thì không mấy ai không biết tiếng cửa hàng sách Mão của ông bà Lê Luy - Phạm Thị Mão. Nằm trên gác 2 của khu tập thể Đại học Y cũ (số 5 Đinh Lễ), 5 gian sách với diện tích 200m2 thực sự là “thánh địa” sách của những người Hà Nội mê sách suốt hơn 20 năm qua.

Vợ chồng chủ hiệu sách Mão

Bà Mão kể về sự nghiệp khởi nghiệp của mình: Thời những năm 90 sau đổi mới, hai vợ chồng chỉ có một đứa con nhưng cuộc sống vô vàn khó khăn. Là một cán bộ thẩm định sách giỏi của TCty phát hành sách, vậy mà, bà phải chấp nhận nghỉ hưu không lương để bán sách ở gần vỉa hè trước cổng Bưu điện Bờ Hồ.

Khi đó cả phố chỉ có quầy hàng của bà và 2 cửa hàng sách tư nhân đầu tiên của Hà Nội. Chỉ với một chiếc bàn nhỏ và mấy chục đầu sách nhưng  cửa hàng bà bán sách “chạy” ngang với 2 cửa hàng lớn kia nhờ có giá “mềm” và sách hay.

Ông bà tìm được căn gác này sau 3 năm bán sách ở vỉa hè, khi có vị giáo sư đại học muốn bán một phòng tập thể rộng 18 m2 trên gác 2 ở số 5 Đinh Lễ. Sau khi mua lại, bà chuyển sách về đây bán, ông vẫn bán ở vỉa hè để giới thiệu khách vào cửa hàng trong ngõ của bà.

Khi khách đã quen, tiếng lành đồn xa, cửa hàng sách của ông bà đông như trẩy hội ở con phố khá vắng vẻ xưa nay. Thấy ông bà làm ăn được, đám nhân viên ban ngày bán sách cho ông bà, tối lại trải chiếu xuống vỉa hè Đinh Lễ bán sách. Nhiều người khác thấy vậy cũng mang chiếu sách về đây ngày càng đông, biến Đinh Lễ trở thành “phố sách đêm” nhộn nhịp nhất Hà Nội.

Khoảng những năm 2000-2001, thành phố mở chiến dịch dẹp “phố sách đêm” vỉa hè. Không được bán sách ở vỉa hè, người kinh doanh thuê cửa hàng để bán. Phố sách Đinh Lễ ra đời từ đó.

Và cuốn sách thần

Kinh nghiệm mười mấy năm làm cán bộ TCty phát hành sách Trung ương giúp bà thẩm định sách, nhạy bén với thị trường sách ở Hà Nội nên ở đâu có sách hay, sách tốt, ông bà cũng đặt mua cho kỳ được, thậm chí đi nước ngoài để săn sách hay. Có những cuốn  sách dù biết mười mươi là sẽ lỗ nhưng khi nhận thấy kho kiến thức quý báu, vô giá cần được cung cấp cho dân mình,  ông bà vẫn quyết làm. Hơn 20 năm nay ông bà đã thực hiện biên dịch và xuất bản được hơn 500 đầu sách.

Và nghề đã không phụ ông bà. Bà kể lại một cuốn sách thần kỳ đã mang đến cho ông bà cơ ngơi bạc tỷ đó là Bản in mới cuốn Almanach - những nền văn minh thế giới. Cuốn sách này đã được chào mời nhưng cả nước không có nhà xuất bản nào chịu đầu tư, riêng bà lại nhận thấy giá trị quý của nó nên ông bà đã đi vay vàng nặng lãi để mua bản quyền cuốn sách với giá 35 triệu, trị giá 10 cây vàng.

Kể từ lần đặt in đầu tiên cho đến suốt 5 năm liền (từ 1995-2000), cứ in 22.000 cuốn Almanach về đến cổng là bán hết sạch. Nhờ cuốn sách “thần” ấy mà ông bà Mão phải tậu thêm một gian nhà liền kề để bán sách, cho đến khi mua hết được cả 6 gian như hiện nay (5 gian sách và 1 gian sinh hoạt). Mỗi năm, ông bà Mão phải tậu thêm một gian nhà liền kề để bán sách, cho đến khi mua hết được cả 6 gian như hiện nay (5 gian sách và 1 gian sinh hoạt).

Bà Mão nhẩm tính, mỗi mét vuông sàn, bà mua với giá 1 cây vàng, giá mỗi cây vàng khi đó khoảng 5 triệu đồng, lượng tiền mặt dùng để mua trọn 200m2 nhà khoảng 1 tỷ đồng. Chưa hết, theo ước lượng của bà, lợi nhuận mà cuốn sách này mang lại trong suốt 5 năm phải lên đến cỡ 2-3 tỷ đồng, quy ra vàng thời đó tương đương 500 cây vàng. Tính theo giá vàng hiện nay, sách “thần” đã mang lại cho bà Mão gần 25 tỷ đồng.

Bà tâm sự: “Công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có năm bị lỗ tới hàng trăm triệu, còn tôi sau một lần xuất huyết não, mắc bệnh tiểu đường thì nay rất yếu. Nhưng tôi coi những khó khăn đó là Trời đang thử thách mình nên càng nhẫn nại, kiên trì bám lấy nghiệp sách”. Sách đã tạo sức mạnh giúp bà vuợt qua những thăng trầm trong cuộc sống. Chồng bà - ông Lê Luy- đã xuất bản 6 tập thơ  và một số bài thơ đã được phổ nhạc, được chọn trong dịp Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Níu chân người mê sách

Những tưởng thời buổi @, chỉ cần click chuột là có thể dễ dàng tìm được những cuốn sách hay truyện mình muốn nhưng nếu qua Đinh Lễ, Nguyễn Xí bạn sẽ thấy, thói quen đi mua sách, đọc sách vẫn khiến cho nhiều người Hà Nội đam mê. Thói quen đọc sách vẫn như dòng mạch nối tiếp nhiều thế hệ trong gia đình ở Hà Nội. Ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần có những gia đình, cả ông bà, bố mẹ, con cháu cùng đến để mua cả thùng sách bổ sung cho tủ sách gia đình.

Ở sâu trong hẻm,  những ai đến tìm sách cũ, sách giá rẻ, hay muốn tự mình cặm cụi lục tìm trong thế giới bạt ngàn sách vẫn tìm đến đây. Không chỉ có khách đến mua, nhà sách này vẫn đều đặn đóng gói các kiện sách gửi về các nhiều tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Phòng, Nam Định...

Bà Mão cho biết, hiệu sách của bà thuộc hàng đắt khách ở thời điểm này. Vậy mà, “doanh thu năm nay chỉ bằng 1/3 năm trước, mà năm trước đã khó khăn đi nhiều. Nhiều nhà sách nhỏ năm qua khốn đốn, sống dở, chết dở”. Đơn cử như việc kinh doanh lịch hàng năm, chỉ 3 tháng cuối năm cũng mang về lợi nhuận hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Đến năm ngoái và năm nay, kinh tế khó khăn, ai “ôm” lịch là méo mặt mà “chết”. Kinh doanh sách khó khăn hơn, phần vì người mua thắt chặt chi tiêu, phần vì thói quen đọc đang thay đổi nhờ sự cải tiến các thiết bị công nghệ.

Không giấu bí quyết, một cách “cầm cự” mà theo ông bà chủ này mách nước, là nhờ lượng sách tồn kho lớn, nên nhà sách này luôn có hàng để bán mà không phải nhập hoàn toàn sách mới. Sách mới được nhập cầm chừng, bán hết mới nhập tiếp. Kinh tế khó khăn nên nhiều người mua tìm đến sách cũ giá rẻ hơn. Phần lãi mới từ sách cũ vừa để bù đắp phần nào chi phí và vừa chống đỡ mức doanh số sụt giảm của năm nay.

Ông Lê Luy kể lại: Trong thời kỳ kháng chiến, sách đã giúp thế hệ thanh niên như ông tìm được phương hướng, lý tưởng sống cho mình. Đọc Thơ Tố Hữu, hay tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”… đã gieo cho thế hệ trẻ lý tưởng sống, quyết tâm đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Sách đã luôn theo ông và tác động rất lớn, gieo tư tưởng yêu nước sâu đậm đối với thế hệ trẻ. Và ngày nay cũng vẫn vậy, sách giúp thế hệ thanh niên tìm lý tưởng sống, giá trị nhân văn, sự trải nghiệm để vươn lên trong sống, sống thế nào và có thể đem lại gì cho đất nước. Như cuốn sách Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được phát hành cũng đã tác động rất lớn đến xã hội nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.

Giờ phố sách lan tỏa sang 2 phố liền bên là Nguyễn Xí và Tràng Tiền với nhiều siêu thị sách lớn, hiện đại, có cả những CLB sách, hội chợ sách đêm... Và cứ như thế, nghề bán sách cũng có mùa theo từng thời điểm trong năm: 3 tháng cuối năm là mùa lịch tấp nập; 3 tháng khai xuân, người lớn dư dả, trẻ con có tiền mừng tuổi, sách bán chạy; đầu năm học mới là lúc bán sách giáo khoa, sách tham khảo, giáo trình đại học…; mùa nghỉ hè, 1/6, Trung thu bán sách, truyện cho thiếu nhi…

Và đến với con phố này, những ai mê sách sẽ được đắm chìm trong thế giới của những con chữ với sách ở trên đầu, sách ở dưới sàn nhà, sách ở ngay trước mắt và một không gian đậm chất Hà Nội với vài ba quán cóc, quán cà phê vỉa hè…

Miên Thảo

Đọc thêm