Chú trọng bảo đảm chi cho an sinh xã hội

Những năm qua, ngành Tài chính luôn chú trọng và bảo đảm các khoản chi cho an sinh xã hội. Từ năm 2008 đến nay, trước áp lực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nội dung chi cho an sinh xã hội ngày càng được mở rộng hơn, nhiều hơn nhưng với sự tận tâm, chu đáo, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, ngành Tài chính luôn chú trọng và bảo đảm các khoản chi cho an sinh xã hội. Từ năm 2008 đến nay, trước áp lực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nội dung chi cho an sinh xã hội ngày càng được mở rộng hơn, nhiều hơn nhưng với sự tận tâm, chu đáo, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo lãnh đạo Sở Tài chính, bảo đảm chương trình an sinh xã hội không chỉ đơn thuần là chế độ đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo mà còn là nhiều chương trình lớn khác phục vụ HĐH- CNH nông nghiệp, nông thôn của thành phố; các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp… Năm 2009, số thu ngân sách trên địa bàn giảm khoảng hơn 1000 tỷ đồng do chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế của Chính phủ đối với các doanh nghiệp và cá nhân; nhưng ngành Tài chính tranh thủ sự chỉ đạo của thành phố, phối hợp chặt chẽ với các ngành, cấp liên quan tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động rà soát, khai thác các nguồn thu khác còn tiềm năng, tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng, bù đắp phần giảm thu, quản lý chặt chẽ dự phòng ngân sách, đáp ứng các khoản chi theo chế độ, chính sách và thực hiện an sinh xã hội.  
Nhờ vậy, thành phố thực hiện nhanh và kịp thời các khoản chi hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ người nghèo, khám chữa bệnh cho người nghèo, người cận nghèo, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ tiền nhà cho cán bộ cách mạng lão thành, miễn thu thủy lợi phí, đồng thời ưu tiên chi cho các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của HĐND thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thủy sản nhằm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân cùng nhiều nhiệm vụ phát sinh khác như phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… Không kể số tiền miễn, giảm, giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp và cá nhân, số tiền chi cho an sinh xã hội năm 2009 lên tới 333 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2008 và chiếm 11,1% tổng chi thường xuyên của thành phố. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thành phố về bảo đảm an sinh xã hội cũng như khẳng định những nỗ lực lớn trong điều hành ngân sách, bảo đảm chi cho an sinh xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn về số thu do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế và điều chỉnh chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Tổng số kinh phí chi cho an sinh xã hội năm 2010 lên tới 473 tỷ đồng. Trong đó có nhiều khoản chi đáng chú ý là chi bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cao tuổi, người được bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi từ 80- 84 tuổi, người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ; chi trợ cấp theo Nghị định 67 và Nghị định 13; hỗ trợ quà Tết người nghèo, quà các gia đình chính sách; hỗ trợ cai nghiện tại các trung tâm; hỗ trợ xây dựng nhà ở, phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ nông dân trồng nấm, lúa lai; hỗ trợ chống hạn, nhiễm mặn; miễn giảm thủy lợi phí; chi cho chương trình dạy nghề cho người nghèo cùng các chương trình thực hiện Nghị quyết HĐND khác ( kiên cố hóa kênh mương, trạm bơm)…

Năm 2010, chương trình an sinh xã hội  tiếp tục là một chủ đề năm của thành phố với nhiều nội dung và mục chi lớn hơn. Ngành Tài chính Hải Phòng tham mưu và bố trí nguồn vốn đáp ứng yêu cầu này.

Như vậy, cho dù nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng sự quan tâm của thành phố tới chương trình an sinh xã hội tiếp tục được tập trung, mở rộng hơn. Trong đó, ngành Tài chính Hải Phòng đóng góp không nhỏ, bố trí vốn, hướng dẫn thực hiện và  triển khai kịp thời tới các tổ chức, cá nhân, nâng cao hiệu quả, ý nghĩa của các khoản chi ngân sách đối với chương trình an sinh xã hội.

Thanh Nhân

Đọc thêm