Xác định Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược CCTP đến năm 2020 là một trong những văn kiện quan trọng của Đảng về CCTP, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo việc triển khai và tổng kết thực hiện, đặc biệt chú trọng những vấn đề liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp.
Bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực
Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đánh giá, “đến nay, nhiều nhiệm vụ, đề án được phân công đã được thực hiện đạt được những kết quả cụ thể, bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác của Bộ, của ngành, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Bộ, ngành tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước”.
Thống kê ban đầu, trong tổng số 178 luật, pháp lệnh được ban hành trong thời gian từ tháng 6/2005 đến tháng 6/2013 có tới 63 văn bản trực tiếp liên quan đến CCTP. Các dự án luật lớn như Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 2009, Luật THADS năm 2008, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã tạo ra một hành lang pháp lý tương đối thống nhất, đồng bộ, phục vụ đắc lực cho công cuộc CCTP.
Ngành Tư pháp cũng đã hoàn thành nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ tổ chức tổng kết thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến CCTP.
Trong 8 năm qua, Bộ Tư pháp đã chủ động, mạnh dạn và kiên trì thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp theo NQ 49 và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương này. Nhiều chính sách lớn, quy hoạch tổng thể trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp… tạo định hướng cho sự phát triển của lĩnh vực hoạt động bộ trợ tư pháp.
Sự phát triển mạnh mẽ của nghề công chứng và sự ra đời của Hội công chứng tại một số địa phương đã chứng minh chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn. Hôm qua, Bộ Tư pháp đã báo cáo với Chính phủ về định hướng sửa đổi Luật Công chứng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp quan trọng này. Đồng thời nhấn mạnh vai trò tự quản của các Hội công chứng, hướng đến thành lập Hiệp hội Công chứng toàn quốc…
Chủ trương của NQ 49 về thí điểm thành lập Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh được hiện thực hóa một cách nhất quán đã thúc đẩy sự ra đời của các nghề luật mới đáp ứng yêu cầu phát triển cuả xã hội. Các văn phòng Thừa phát lại tại TP Hồ Chí Minh đã hoạt động ổn định và đạt được kết quả khả quan, bổ trợ tích cực cho một số hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động THADS và được người dân đón nhận tích cực.
Thực hiện NQ 49 cũng giúp cho tổ chức bộ máy của ngành tư pháp đã được kiện toàn mạnh mẽ theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động năng động, hiệu quả và có trách nhiệm với dân.
Đến nay, có thể khẳng định rằng, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp trong đó có lĩnh vực thi hành án theo Nghị quyết số 49-NQ/TW là rất đúng đắn. Cùng với việc hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự và bước đột phá trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy như đã nêu trên, công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, nhất là phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và Thi hành án hình sự, giữa các cơ quan Thi hành án dân sự với các Trại giam trong việc đôn đốc, thuyết phục việc thi hành án đối với các đương sự phải thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù ngày càng bài bản và đạt kết quả tốt hơn. Những kết quả tích cực đó là bước đi quan trọng, làm nền tảng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu lớn đã được xác định trong Nghị quyết.
Đội ngũ cán bộ Ngành Tư pháp đã có sự lớn mạnh đáng ghi nhận cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn thì tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ luôn được coi trọng, nhiều chức danh tư pháp trong lĩnh vực hành chính, bổ trợ tư pháp đã được chuẩn hóa. Công tác thi tuyển, chế độ chính sách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao ngày càng được coi trọng.
Một nhiệm vụ quan trọng của CCTP đã được Bộ Tư pháp thực hiện có kết quả là công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống tư pháp luôn được Bộ Tư pháp (đào tạo luật, đào tạo chức danh tư pháp) coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Ngành. Chủ trương xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Thành phố HCM thành trường trọng điểm về đào tạo luật ; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp đang đi đúng hướng. Công tác đào tạo Trung cấp Luật nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ cơ sở ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả.
Công tác hợp tác quốc tế về tư pháp từng bước đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực hơn cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, CCTP trong nước và hội nhập quốc tế.
Còn nhiều bất cập phải giải quyết
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, trong 8 năm triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW, vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết khi thể chế trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Trong công tác thi hành án dân sự, việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại chưa thật sự đáp ứng yêu cầu xã hội hóa trong công tác THADS, nhiệm vụ “Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án” được Ban chỉ đạo CCTP Trung ương giao cho BCS Đảng Bộ Tư pháp từ năm 2007, song do nhiều lý do khách quan, Đề án chưa được triển khai trên thực tế nên vẫn còn tình trạng cắt khúc trong thi hành án dẫn đến sự phối hợp giữa cơ quan THA hình sự với cơ quan THA dân sự chưa chặt chẽ, hiệu quả thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự không cao....
Việc phát triển các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý do Ngành tư pháp quản lý trên một số lĩnh vực còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn. Tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, các chức danh tư pháp chưa có sự không thống nhất về quan điểm và phối hợp hành động thực tế giữa các Ngành, ngay cả khi các chủ trương đã được đa số các thành viên Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương bỏ phiếu tán thành.
Việc đào tạo các chức danh tư pháp như hiện nay có phần chệch so với mục tiêu ban đầu, làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, gây lãng phí nguồn đầu tư của nhà nước; chất lượng đào tạo tuy có ổn định nhưng còn thấp so với yêu cầu thực tiễn và so với các trường trong khu vực...
Ngoài những nguyên nhân khách quan, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhấn mạnh đến những nguyên nhân chủ quan dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong quá trình Bộ Tư pháp thực hiện NQ 49 như nhận thức về một số định hướng, chủ trương của CCTP chưa được nhận thức một cách thống nhất ở các cấp, các ngành; năng lực tổ chức triển khai, điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa ngang tầm với các yêu cầu của Chiến lược CCTP; chính sách và thủ tục đầu tư tài chính còn bất cập; cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa tốt, chưa hiệu quả, không những không tạo ra sức mạnh chung của cả hệ thống mà trong nhiều trường hợp lại là nguyên nhân chính làm cho các chủ trương đúng đắn chậm hoặc không được triển khai trên thực tiễn...
* Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng: - Bộ Tư pháp đã tổ chức triển khai NQ 48, 49 có trách nhiệm, có chí hướng cải cách rõ ràng. Thời gian tới, Bộ Tư pháp còn nhiều việc phải làm như hoàn thiện thể chế sau khi Hiến pháp được sửa đổi, nhiều Bộ luật “rường cột” của hoạt động tư pháp được sửa đổi. Giải quyết dứt điểm những lúng túng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực… * Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương: - Bộ Tư pháp cần tập trung vào quản lý nhà nước về công tác ban hành pháp luật, nhất là dự báo có tính chiến lược, qui trình lập pháp và giám sát việc thực hiện Chương trình lập pháp. Đẩy nhanh quá trình xã hội hóa các hoạt động bộ trợ tư pháp. Quan tâm đào tạo nguồn cán bộ. Phát triển quan tâm nâng cao đội ngũ cán bộ của ngành thực hiện tốt vai trò tham mưu trong thực hiện nhiệm vụ của ngành và CCTP. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng 2 trung tâm đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo “có địa chỉ”. Nghiên cứu và tham mưu những vấn đề mới về hoạt động tư pháp khi tham gia tố tụng với nước ngoài. * Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TA Quân sự TW: - Thực hiện Nghị quyết 49, Bộ Tư pháp đã làm được nhiều việc và kiên trì trong hoàn thiện thể chế, nhưng còn vấn đề trong Nghị quyết chưa thể chế hóa được như một số chính sách hình sự, tăng cường tranh tụng, hòa giải cần được quan tâm. |
Huy Anh