Chống rớt giá
Từ đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân 2014 – 2015 (từ ngày 1/3 đến hết ngày 15/4/2015). Việc cấp vốn vay thu mua tạm trữ thóc, gạo được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho 17 ngân hàng thương mại với nhiều ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay.
Đây là năm thứ 6 triển khai thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân nhưng là năm đầu tiên được cho là chủ động nhất vì lúa chưa được thu hoạch rộ. Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), vụ Đông Xuân 2014 - 2015 sản lượng lúa dự kiến của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt trên 11 triệu tấn.
Sau khi Bộ NN&PTNT cân đối trừ đi tiêu dùng tại chỗ và khả năng xuất khẩu trong 4 tháng, dự kiến tổng lượng lúa hàng hoá còn 4,3 triệu tấn, cộng với tồn kho của năm trước thì sản lượng còn lại sẽ là 3,6 triệu tấn quy gạo.
Do sản lượng lúa hàng hoá lớn, lại đang vào dịp thu hoạch rộ của nông dân nên giá lúa ở ĐBSCL trước khi có chủ trương tạm trữ liên tục giảm. Nếu so với đầu vụ giá lúa vào đầu tháng 2 đã giảm từ 600 – 800 đồng/kg, thậm chí có nơi còn giảm tới 1.000 đồng/kg.
Trước thực trạng giá lúa có xu hướng tiếp tục giảm so với giá định hướng (do Bộ Tài chính công bố là 4.442 đồng/kg lúa khô), Bộ NN&PTNT đã mời các Bộ, ngành liên quan họp để bàn giải pháp hỗ trợ nông dân. Các đơn vị đều thống nhất đề nghị Thủ tướng cho mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, với sự chủ động của ngành chức năng trong việc sớm thu mua tạm trữ lúa gạo, giá lúa tại ĐBSCL sẽ tăng lên so với thời điểm xuống thấp kỷ lục đầu tháng 2.
Nông dân có được lợi?
Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến sản lượng lúa năm nay đạt khoảng 44 triệu tấn. Sau khi trừ tiêu dùng tại chỗ gồm để giống, ăn, chăn nuôi và hao hụt sản lượng còn lại dự kiến trên 16 triệu tấn lúa. Như vậy, lượng gạo hàng hoá cần tiêu thụ là rất lớn, với nguồn cung này so với xuất khẩu năm 2014 cả chính ngạch và tiểu ngạch vẫn còn dư khoảng 1 triệu tấn. Vì thế, dự kiến năm 2015, Việt Nam sẽ phải xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn cả chính ngạch và tiểu ngạch thì mới giải quyết được nguồn cung dư thừa trong dân.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Việc thu mua tạm trữ thóc gạo là giải pháp can thiệp thị trường mà không phải hỗ trợ nông dân. Và tới nay chưa có giải pháp nào tốt hơn giải pháp thu mua tạm trữ khi giá lúa thị trường thấp hơn giá lúa định hướng.
Có lẽ vì thế mà không ít ý kiến cho rằng, lợi nhuận thực sự mà người nông dân được hưởng nhờ chính sách tạm trữ rất thấp, thậm chí tạm trữ không giúp được nông dân có lãi mà chỉ là hỗ trợ cho một số doanh nghiệp được phân bổ tạm trữ hưởng lợi?
Về vấn đề này, TS.Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối cho rằng: Đây là giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã cho áp dụng nhiều năm nay, hầu hết các năm tạm trữ giá lúa gạo đều tăng và từ năm 2011 đến nay cũng chưa tìm được giải pháp nào khác tốt hơn.
Năm nay, ngay sau khi có quyết định thu mua tạm trữ lúa gạo của Thủ tướng, giá lúa gạo đã tăng từ 200 -300 đồng/kg. Đây là thực tế chứ không còn phải kỳ vọng nữa, giá gạo đang có xu hướng tăng lên từng ngày là điều kiện tốt cho người dân thu hoạch lúa để bán ra.
Ông Đô nói thêm, trong quá trình tạm trữ sẽ tạo ra lượng cầu tăng cao trong một thời gian nhất định trong khi lượng cung bị giới hạn lại, điều này giúp cho giá cả tăng lên và ổn định trong thời gian thu hoạch rộ lúa của nông dân, từ đó giúp cho nông dân có lợi khi bán thóc gạo ra. Do đó, chính sách này đã giúp nông dân tiêu thụ được lúa gạo có lợi nhuận tốt.
Các tỉnh, thành ĐBCL được được phân bổ thu mua tạm trữ: TP. Cần Thơ thu mua tạm trữ hơn 175.000 tấn; Cà Mau 2.400 tấn; Sóc Trăng 26.000 tấn; Hậu Giang 18.000 tấn; Vĩnh Long 28.000 tấn; Kiên Giang 79.000 tấn; Long An 118.000 tấn; Bến Tre 13.000 tấn; Trà Vinh 13.000 tấn; An Giang hơn 250.000 tấn; Đồng Tháp khoảng 155.000 tấn; Bạc Liêu 8.000 tấn và Tiền Giang khoảng 83.000 tấn.