Gạo Việt mất giá, lỗi tại các “ông lớn“?

(PLO) - Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” (Liên minh Nông nghiệp) cho rằng, việc tập trung xuất khẩu thông qua một số ít đầu mối khiến các doanh nghiệp lớn có xu hướng tìm những thị trường xuất khẩu các lô lớn loại gạo chất lượng thấp, giá rẻ... 
Từ đầu năm đến nay, thị trường XK gạo thương mại của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do không thể cạnh tranh được với các loại gạo của Ấn Độ, Philiipines hay Thái Lan vì giá bán của họ thấp hơn giá thành của Việt Nam
Từ đầu năm đến nay, thị trường XK gạo thương mại của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do không thể cạnh tranh được với các loại gạo của Ấn Độ, Philiipines hay Thái Lan vì giá bán của họ thấp hơn giá thành của Việt Nam
Thống kê cho thấy, các công ty lương thực nhà nước vẫn chiếm vai trò thống lĩnh trên thị trường xuất khẩu gạo. Thị phần của Vinafood1 và Vinafood2 năm 2013 chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Các “ông lớn” là tác nhân có vai trò chi phối trong chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu.
“Tự tay trói mình”
Sở dĩ 2 tổng công ty nhà nước này có vai trò lớn như vậy là do các doanh nghiệp (DN) khác đang bị ràng buộc điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Theo đó, DN muốn kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo phải đảm bảo: có ít nhất một kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5.000 tấn lúa; sở hữu ít nhất một cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu là 10 tấn thóc/giờ tại tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa XK hoặc có cảng biển XK thóc, gạo.  
Theo Liên minh Nông nghiệp, mục tiêu của chính sách này là giảm bớt các đầu mối XK (mà nhiều DN chỉ thuần túy môi giới) nhằm tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán. Hệ quả của chính sách này là tập trung xuất khẩu vào một số DN lớn, loại bỏ các DN nhỏ vì khó đáp ứng được hai điều kiện trên. 
Tuy nhiên, chính sách này lại không đạt được mục tiêu liên kết nhà xuất khẩu với nông dân; thậm chí, còn tạo ra thêm một tầng lớp nữa giữa nông dân và DN xuất khẩu. Đó là các DN thu gom cho các DN xuất khẩu. 
Việc tập trung XK vào một số ít DN khiến những DN lớn này có xu hướng tìm các thị trường XK các lô lớn các loại gạo chất lượng thấp với giá rẻ, thay vì tìm kiếm XK tại các thị trường ngách những loại gạo có chất lượng cao với giá bán cao hơn. 
Chính sách này cũng gây khó khăn cho các DN nhỏ có liên kết với nông dân để XK các giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, đặc sản địa phương, có thị trường đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và tính cạnh tranh cao, nhưng lại không thể trực tiếp XK do không đủ điều kiện về kho chứa, hệ thống xay xát (chủ yếu vì quy mô không cho phép sở hữu các công đoạn đó).
“Ông lớn” nói gì?
Chính phủ đang điều tiết XK gạo thông qua các chính sách về điều kiện đối với DN XK gạo, quy định về hạn chế số lượng DN, quy định giá sàn XK gạo. Và quan trọng hơn là thực hiện các hợp đồng bán gạo tập trung thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các tổng công ty lương thực Vinafood1, Vinafood2.
Bà Cao Thị Hạnh, Chánh Văn phòng Vinafood1 phân trần: Trên thực tế, các DN XK có rất ít khả năng dẫn dắt (khuyến khích hoặc hạn chế) sản lượng lúa gạo sản xuất. Điều này hoàn toàn do người trồng lúa quyết định dựa trên nhiều yếu tố (như kỳ vọng của họ về giá cả vụ tới, cơ hội chuyển đổi sang ngành nghề khác, quy hoạch của địa phương...). 
Trong hoạt động kinh doanh lúa gạo vừa qua, các DN đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thông tin dự báo về sản lượng mùa vụ, lượng lúa gạo tồn kho, bởi vì số liệu thống kê dự báo của các cơ quan chức năng nhiều khi cũng không sát với thực tế.
Đại diện Vinafood1 nói cách đánh giá của các nhà nghiên cứu về thị trường gạo hiện nay nghiêng về “đầu ra” nhiều hơn “đầu vào”. Tức là tập trung vào việc tại sao giá bán gạo của Việt Nam thấp và không đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, và thông thường trách nhiệm này được cho là thuộc về DN XK.  
Theo bà Hạnh thì thị trường gạo đã hoàn toàn là thị trường mở, DN XK không thể bán gạo với giá cao hơn giá bán của các quốc gia XK khác cho cùng một loại gạo có chất lượng tương đương nhau. Từ đầu năm đến nay, thị trường XK gạo thương mại của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do không thể cạnh tranh được với các loại gạo của Ấn Độ, Philiipines hay Thái Lan vì giá bán của họ thấp hơn giá thành của Việt Nam. 
“Giá thành sản xuất gạo của Việt Nam quá cao so với các nước, trong khi chúng ta chưa có nhiều loại gạo có chất lượng cao để bán với giá đủ để đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng cho cả DN và nông dân. Giá thành cao vì sao? Vì năng suất sản xuất thấp, chính sách hạn điền ảnh hưởng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; vì các chi phí đầu vào như giống, phân bón không được kiểm soát giá (lợi nhuận trong kinh doanh giống và phân bón là siêu lợi nhuận so với tỷ suất lợi nhuận của các DN XK gạo)…. Đây hoàn toàn không phải lỗi của các nhà XK” - bà Cao Thị Hạnh, Chánh Văn phòng Vinafood1.

Đọc thêm