Chữa “bệnh “nợ bảo hiểm xã hội: Giải pháp đồng bộ, chế tài xử phạt mạnh

Tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH đã trở thành “bệnh” khó chữa không chỉ gây khó khăn cho cơ quan BHXH mà còn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Do vậy, cần có những giải pháp quyết liệt, khả thi hơn. Đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật này.

Tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH đã trở thành “bệnh” khó chữa không chỉ gây khó khăn cho cơ quan BHXH mà còn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Do vậy, cần có những giải pháp quyết liệt, khả thi hơn. Đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật này.

Nợ BHXH – “bệnh” nan y

Theo báo cáo của cơ quan BHXH thành phố, tính đến cuối tháng 6-2010, tổng số nợ BHXH hơn 131 tỷ đồng, trong đó số nợ của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Giám đốc BHXH Trương Văn Quý bức xúc: “Nợ BHXH đang là vấn đề nhức nhối, cần sớm được giải quyết. Các doanh nghiệp nợ số tiền quá lớn, thời gian quá dài khiến cơ quan BHXH thất thu, quyền lợi người lao động bị xem nhẹ. Nếu doanh nghiệp không chịu đóng BHXH, người lao động về hưu sẽ sống bằng gì?”.

Chị Nguyễn Thị Minh, xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng), công nhân ở Công ty TNHH Châu Giang buồn bã: “Chủ sử dụng  lao động không đóng BHXH, BHYT, BHTN đã khiến không ít người lao động khi ốm đau, tai nạn, nghỉ thai sản không được hưởng quyền lợi. Nhiều người lao động nghỉ việc không được chốt sổ, không được hưởng BHTN. Có người nghỉ hưu, thậm chí đã chết cũng chưa được giải quyết các chế độ trên”. Trước sự vi phạm trắng trợn từ phía chủ sử dụng lao động, người lao động ở một số doanh nghiệp ngừng việc tập thể đòi quyền lợi. Thống kê của Sở Lao động- Tthương binh và Xã hội cho thấy, từ đầu năm đến nay, 2 phần 3 số vụ ngừng việc tập thể bắt nguồn từ các tranh chấp về quyền và lợi ích trong đó phần lớn là do doanh nghiệp không đóng BHXH.

Xử lý nhẹ-doanh nghiệp “nhờn thuốc”

Thực tế cho thấy, không phải tới khi các vụ đình công xảy ra, cơ quan chức năng mới chú ý đến tình trạng nợ đọng, xâm phạm quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của người lao động mà hầu hết doanh nghiệp nợ đọng, chây ỳ đã ở trong “tầm ngắm” của cơ quan BHXH. Tuy nhiên, cơ quan BHXH chỉ có thể đôn đốc, tiền hành kiểm tra, nhắc nhở, còn việc thanh tra, xử lý thuộc thẩm quyền của lực lượng thanh tra chuyên ngành hoặc chính quyền địa phương. Thực tế, sau khi nhận được thông tin từ cơ quan BHXH, lực lượng thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội và thanh tra liên ngành đã vào cuộc nhưng kết quả cũng chỉ dừng ở việc nhắc nhở, yêu cầu đơn vị vi phạm thực hiện đúng quy định, rất khó tạo chuyển biến trong doanh nghiệp. Thời gian qua, có doanh nghiệp nợ BHXH bị xử phạt nhưng chế tài xử phạt nhẹ, tối đa chỉ 20 triệu đồng, không đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không đủ khả năng nộp BHXH đã đành, không ít doanh nghiệp “ăn nên làm ra” vẫn chây ỳ BHXH, chấp nhận chịu xử phạt vài triệu đồng hơn là phải nộp BHXH gấp hàng trăm lần số tiền bị xử phạt. Sự cố tình vi phạm pháp luật của chủ sử dụng lao động, có nguyên nhân từ tình trạng doanh nghiệp “nhờn thuốc”.

Người lao động làm việc trong môi trường độc hại rất cần được mua bảo hiểm y tế và đóng bảo hiểm xã hội.

Cùng với việc xử phạt, thời gian qua, cơ quan BHXH thực hiện tính lãi đối với các khoản chậm nộp. Tuy nhiên, do lãi suất được áp dụng thấp hơn so với lãi vay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp “tranh thủ” nguồn kinh phí nộp BHXH để sử dụng vào mục đích khác, thay vì phải đi vay ngân hàng. Trong khi đó, biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản gửi của doanh nghiệp để nộp số tiền BHXH chậm đóng, chưa đóng và tiền lãi phát sinh cho cơ quan BHXH (theo Thông tư liên bộ số 03/2008/BLĐTBXH-BTC-NHNN) thiếu tính khả thi. Theo quy định, sau 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định buộc trích tiền, nếu chủ tài khoản không tự nguyện chuyển nợ BHXH thì ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản của doanh nghiệp vào tài khoản của quỹ BHXH. Nhưng do không muốn mất khách hàng, phần lớn các ngân hàng không thực hiện điều này. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp nợ BHXH đồng thời cũng là “con nợ” của ngân hàng nên khi tài khoản có số dư, các ngân hàng sẽ ưu tiên giải quyết các khoản nợ của mình trước.

Khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Trước tình trạng trên, BHXH nhiều tỉnh, thành phố tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH. Hải Phòng cũng đưa vào “tầm ngắm” 15 đơn vị chây ỳ. Theo ông Quý, trước khi khởi kiện, BHXH thành phố sẽ gửi công văn yêu cầu trả nợ. Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình, cơ quan BHXH buộc phải khởi kiện. Trước đó, để cải thiện tình hình nợ BHXH kéo dài, BHXH Hải Phòng tham mưu với UBND thành phố ban hành văn bản đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng. Kết quả 87/174 đơn vị nộp tiền nợ đọng với gần 22 tỷ đồng. Theo ông Quý, BHXH thành phố tiếp tục kiến nghị UBND thành phố trước khi xét đề nghị khen thưởng sẽ xem xét việc đóng BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị, doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, việc khởi kiện cũng là “cực chẳng đã” bởi thủ tục khởi kiện phức tạp, phải từ khâu kiểm tra, thanh tra, xử phạt hành chính sau đó mới phát đơn khởi kiện. Mặt khác, sau khi hoàn tất thủ tục khởi kiện, tốc độ giải quyết vụ án của tòa án chậm khiến nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn trước khi tòa xử. Do đó, để việc khởi kiện đạt kết quả, 2 ngành Tòa án và BHXH cần bàn bạc kỹ, thống nhất quy trình khởi kiện.

Cùng với việc khởi kiện, giải pháp quan trọng nữa là tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe và xử lý hình sự đối với chủ sử dụng lao động cố tình tái phạm hành vi vi phạm đã bị xử lý hành chính.

Theo báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2009 gửi các đại biểu Quốc hội vào giữa tháng 5-2010, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ phối hợp với các cơ quan tư pháp sửa đổi những quy định liên quan đến thủ tục để khởi kiện các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BHXH tại tòa án.

Cơ quan này cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc xử phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi trốn tránh nghĩa vụ đồng BHXH cho người lao động; sửa Bộ Luật hình sự để bổ sung tội danh trốn đóng BHXH bắt buộc; đồng thời cho rằng thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của cơ quan BHXH trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về BHXH. Cùng với đó, cần có quy định coi việc xác nhận của cơ quan BHXH về số lao động tham gia đóng BHXH là một trong những điều kiện chứng minh năng lực của các đơn vị, doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu các công trình, dự án; đồng thời cơ quan thuế chỉ chấp nhận quyết toán thuế cho các doanh nghiệp khi có xác nhận kết quả tham gia BHXH của cơ quan BHXH.

Đọc thêm