Điều 7a và Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó.
Còn theo Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Quy định này được hiểu là người phải thi hành án phải cung cấp đầy đủ thông tin về tất cả các loại tài sản thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng hợp pháp của mình hay chỉ cung cấp đầy đủ các thông tin về một phần hoặc một loại tài sản nào đó tương ứng với nghĩa vụ thi hành án?
Mặt khác, trong thực tiễn, người phải thi hành án thường không có ý thức tự kê khai tài sản, thu nhập hoặc việc kê khai chỉ mang tính hình thức, nhiều trường hợp dùng rất nhiều phương thức để tẩu tán tài sản để trốn tránh việc thi hành án. Việc xác định tài sản, thu nhập với một số đối tượng không thường xuyên có mặt tại địa phương hoặc không có địa chỉ cư trú ổn định là rất khó khăn.
Đặc biệt, việc xác minh đối với động sản, nhất là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu gây nhiều khó khăn cho Chấp hành viên vì tài sản rất dễ bị tẩu tán, tráo đổi, khó xác định giá trị… Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đối với các tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu trên thực tế không kiểm soát được.
Trong khi đó, các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm này còn hạn chế. Theo Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, mức xử phạt đối với hành vi không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án là từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Mức phạt như trên còn quá nhẹ, chưa đủ nghiêm khắc để răn đe người phải thi hành án có hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 68, Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền tối đa mà Chấp hành viên được áp dụng là 500.000đ, do đó Chấp hành viên không thể trực tiếp xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền nói trên mà phải đề nghị người có thẩm quyền xử phạt. Điều này cũng dẫn đến việc xử phạt vi phạm hành chính gặp khó khăn.
Ngoài việc xử phạt hành chính với mức thấp nêu trên, pháp luật cũng chưa có chế tài nào khác đủ sức răn đe đối với việc người phải thi hành án không kê khai; kê khai không trung thực, hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án.
Ngoài ra, khó khăn khác mà cơ quan Thi hành án dân sự cũng phải đối mặt đó là vấn đề liên quan tới chủ thể thực hiện kê khai, người phải thi hành án bởi chủ thể trong các bản án, quyết định rất đa dạng, có thể là cá nhân, có thể là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước…
Quy định về trách nhiệm kê khai tài sản, thu nhập của người phải thi hành án trong các trường hợp mà người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức sẽ được thực hiện như thế nào cũng là vấn đề cần tiếp tục có những quy định cụ thể hơn để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.
Về công tác phối hợp cung cấp thông tin điều kiện thi hành án, Chấp hành viên thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án còn gặp không ít khó khăn bởi hệ thống đăng ký tài sản còn chưa đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, hiện đại, dễ tiếp cận. Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tại nhiều cơ quan chưa được số hóa, vẫn còn quản lý trên giấy tờ, sổ sách thông thường, việc tra cứu thủ công dễ nhầm lẫn hoặc bỏ sót thông tin.
Đặc biệt, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm thông tin nhưng lại từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sơ sài, không đầy đủ cho cơ quan Thi hành án dân sự song vẫn chưa có quy định để xem xét trách nhiệm đối với các trường hợp này.
Do đó, cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của các cơ quan hữu quan và các chế tài pháp lý đủ mạnh để áp dụng đối với các trường hợp vi phạm trách nhiệm này.