Chưa có phép màu xảy ra

Vào ngày 20-1 cách đây tròn một năm, hàng triệu người dân Mỹ hân hoan chào đón lễ nhậm chức của Tổng thống da màu đầu tiên của nước này - Barack Obama - như một phép nhiệm màu sau chiến thắng vang dội với khẩu hiệu “thay đổi”. Danh sách các công việc cần ưu tiên của ông kín đặc những vấn đề từ trong nước đến quốc tế. Tuy nhiên, 12 tháng sau, chính Obama phải thừa nhận “thay đổi không thể xảy ra trong một sớm một chiều”.

Kinh tế Mỹ đã có tín hiệu hồi phục, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao nhất trong vòng 26 năm qua.  

Vào ngày 20-1 cách đây tròn một năm, hàng triệu người dân Mỹ hân hoan chào đón lễ nhậm chức của Tổng thống da màu đầu tiên của nước này - Barack Obama - như một phép nhiệm màu sau chiến thắng vang dội với khẩu hiệu “thay đổi”. Danh sách các công việc cần ưu tiên của ông kín đặc những vấn đề từ trong nước đến quốc tế. Tuy nhiên, 12 tháng sau, chính Obama phải thừa nhận “thay đổi không thể xảy ra trong một sớm một chiều”.

Ngay trong bài diễn văn nhậm chức, Obama đã nhận thức rõ những trở ngại và nhanh chóng đưa ra một loạt chương trình nghị sự mà vào thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng đó là hành động quá hấp tấp. Đánh giá 12 tháng cầm quyền đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Obama thừa nhận ông chưa làm được gì nhiều. Ông Obama tự chấm cho mình điểm B+. Sở dĩ ông chưa chấm điểm A cho mình vì vẫn còn một số thách thức lớn mà chính quyền của ông chưa giải quyết được.

Các nhà phân tích còn cho rằng, tới thời điểm này, chính sách của Chính quyền Obama chưa đạt được kết quả thực chất. Nhà tù Guantanamo vẫn còn đó. Một hiệp định mới thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-1) với Nga chưa được ký. Vấn đề hạt nhân của Iran vẫn bế tắc. Palestine tiếp tục thất vọng trước lối hành xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Bạo lực vẫn tiếp tục hoành hành tại Iraq. Cuộc chiến tại Afganistan ngày càng bi đát buộc ông Obama phải quyết định tăng viện 30.000 quân. Ông chủ Nhà Trắng còn “mất điểm” rất nhiều trong mắt cử tri Mỹ, khi tại lễ nhận giải Nobel Hòa bình ở Oslo, Na Uy ngày 10-12, ông đã nhấn mạnh tới vai trò của chiến tranh như một công cụ để duy trì hòa bình.

Ông Obama tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn ở phía trước.

Ngoài thách thức về đối ngoại, ông Obama còn phải đối mặt với một loạt vấn đề trong nước như: Chính sách nhập cư, việc thông qua một đạo luật về biến đổi khí hậu và tạo việc làm trong một nền công nghiệp năng lượng xanh. Đặc biệt, nền kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu bắt đầu phục hồi, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 26 năm qua.

Trong các bài phát biểu từ Prague cho đến Cairo, từ New York cho đến Oslo - ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, Obama đã vạch ra một tầm nhìn bắt buộc về chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thế giới toàn cầu hóa với nhiều người chơi. Kết quả đạt được sau một năm lãnh đạo Nhà Trắng của Tổng thống Obama là những tín hiệu tích cực xen lẫn thất bại.

Tại châu Á, Mỹ muốn khẳng định sự trở lại, nhưng thực tế và dự báo cho rằng, năm 2010 sẽ chứng kiến quan hệ Mỹ-Trung gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực, trong khi chỉ một ngày trước khi Obama kỷ niệm 1 năm ngày nhậm chức, Washington và đồng minh Nhật Bản kỷ niệm 50 năm ngày ký kết hiệp ước an ninh và hợp tác – nền tảng của liên minh này, trong không khí lạnh nhạt. Nỗ lực của chính quyền mới ở Washington cho vấn đề Iran, Triều Tiên, Trung Đông chưa phát huy hiệu quả, trong khi cam kết đóng cửa nhà tù Guantanamo liên tục bị trì hoãn và thay đổi. Cuộc chiến chống al-Qaeda chắc chắn sẽ còn diễn ra căng thẳng trong năm 2010 và chưa có hồi kết với những chiến trường mới như ở Yemen – một sự can thiệp nữa của Mỹ mà dư luận cho rằng hại nhiều hơn lợi.

Theo kết quả điều tra dư luận mới nhất do hãng tin ABC News và tờ Washington Post thực hiện, một năm trong nhiệm kỳ đã trôi qua, lòng tin của người dân Mỹ vào Obama ngày càng sụt giảm, cùng lúc với ngày càng nhiều ý kiến bi quan về hướng đi của nước Mỹ - chỉ 53% số người được hỏi ủng hộ những gì Obama đang làm, so với 68% sau khi ông nhậm chức. Kết quả này cũng cho thấy năm 2010 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách đối với Obama. Trong khi đó, theo mạng tin dự báo chiến lược Transport của Mỹ, tất cả các Tổng thống Mỹ đều phải thực hiện những chính sách có thể giành thắng lợi và bỏ lại phía sau những lời hứa hẹn nếu bắt buộc phải thế. Vì vậy, thật khó để trông đợi những bước đột phá của ông Obama so với người tiền nhiệm G.Bush trong năm tới.

GIA HUY

Đọc thêm