Chưa có yếu tố nào để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay

(PLO) - Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước (NHNN)  cho biết 4 tháng đầu năm tín dụng đã tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái và cho đến thời điểm này chưa có yếu tố nào để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) năm nay.  

Thay đổi nhận thức

Tại diễn đàn toàn cảnh ngân hàng “Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững” tổ chức hôm 8/5, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội nhận định, giai đoạn 2016- 2021, công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã có bước đi tương đối phù hợp với  yêu cầu của một nhà nước pháp quyền. Đặc biệt trong năm 2017 là một năm tiếp tục xây dựng thể chế trong hoạt động ngân hàng mà nổi lên là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và thông qua việc sửa Luật Tổ chức tín dụng (TCTD). 

“Điểm mới là đã có sự thay đổi về nhận thức . Trước đây khi báo cáo hàng năm của Chính phủ trình Quốc hội bao giờ cũng có chỉ tiêu TTTD. Nhưng đến bây giờ TTTD chỉ là chỉ tiêu định hướng, đó không phải là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc NHNN phải bơm tiền ra để đạt được chỉ tiêu tín dụng. Theo chúng tôi đây là nhận thức đột biến rất quan trọng…”- Ông Kiên nhấn mạnh.  

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cũng cho biết, những năm gần đây, NHNN tập trung vào các mục tiêu cuối cùng đó là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng là các chỉ tiêu trung gian và nó phù hợp với diễn biến thực tế và không phải là chỉ tiêu pháp lệnh.

Ngay đầu năm 2018 dựa trên cân đối kinh tế vĩ mô cũng như là chỉ tiêu của NHNN bao gồm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát đảm bảo 4%, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 6,7%, NHNN đề ra mức dự kiến định hướng cho TTTD năm 2018 là khoảng 17% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%.

“Với định hướng TTTD năm nay khoảng 17%, có điều chỉnh với tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện phân bổ các chỉ tiêu tín dụng đó cho các TCTD. Trong quá trình điều hành của mình, các đơn vị liên quan của NHNN vừa ra các chỉ thị tín dụng, vừa phối hợp để kiểm soát tốc độ tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng để đảm bảo cho tín dụng của hệ thống các TCTD hướng vào các lĩnh vực SXKD và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời liên tục cảnh báo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro…”- Ông Hà cho hay.

Cũng theo ông Hà, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng ở mức độ hợp lý, trên 5%. Theo ông Hà, đây là mức tương đối đồng đều với tốc độ tăng trưởng huy động vốn để đảm bảo cho thanh khoản của hệ thống luôn luôn được ổn định và giữ vững, mặt bằng lãi suất ổn định.

Một điểm mới của 2 năm trở lại đây 2017- 2018, đó là tín dụng tăng trưởng khá đều ngay từ đầu năm và cơ cấu tín dụng cũng khá hợp lý. Nếu như trước đây, những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng rất thấp do hoạt động của nền kinh tế thường chậm lại đầu năm nhưng hai năm trở lại đây, thì 4 tháng đầu năm tín dụng tăng trên 5% và tăng hơn mức khá cao so với các năm trước đây thường chỉ khoảng 3-3,5% thời gian đầu năm. 

Đặc biệt, các dòng tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực SXKD, tạo động lực cho phát triển kinh tế. “Điều này phản ánh được tính ổn định của nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều so với các năm trước đây,…’- Đại diện NHNN nhận định và khẳng định cho đến thời điểm hiện tại, chưa có yếu tố nào để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tin dụng năm nay…

Tăng trưởng kinh tế, không nên chỉ trông chờ vào tăng trưởng tín dụng

Theo chuyên gia kinh tế, TS Phan Minh Ngọc, một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công điều hành chính sách của NHNN là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và quan trọng hơn là định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho DN, không còn nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế như ưu tiên hàng đầu như những năm trước đây.

Với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và chính sách ổn định như vậy, NHNN không bị buộc phải thi hành chính sách nới lỏng như trước đây để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tối đa. Do đó với chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, NHNN đã thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát, tỉ giá. Lãi suất cho vay tuy vẫn ở mức độ tương đối nhưng là mức độ chấp nhận được với DN. Đó là những yếu tố góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thành công trong điều hành chính sách của NHNN.

Ông Ngọc cũng lưu ý, TTTD cũng chỉ là một phần của tăng trưởng kinh tế nói chung. “Dù NHNN  đã xác định rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay chỉ khoảng 6,7% nhưng để bù lại tốc độ TTTD thận trọng hơn, chúng ta có thể nhấn đến chất lượng tăng trưởng. Những cải cách của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tăng trưởng của nền kinh tế nhấn vào chất lượng hơn số lượng…”- Ông Ngọc phát biểu.

Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng TTTD chỉ là một yếu tố, ngoài ra còn có nhiều yếu tố khác đóng góp vào tăng trưởng GDP, như đầu tư, tăng năng suất lao động… Ông cũng lưu ý cần tăng vốn cho các ngân hàng bởi trong vòng 5 năm nay, TTTD hàng năm 15- 17 % nhưng vốn chủ sở hữu chỉ tăng 8- 9%. “Đây chính là yếu tố giúp ngân hàng phát triển bền vững. Rất nhiều tổ chức tài chính đã cảnh báo về vấn đề này…”- TS Lực lên tiếng! 

6 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) ổn định, lạm phát phù hợp với mục tiêu 4% trong điều kiện giá hàng hóa thế giới biến động; lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được triển khai; tiêu dùng nội địa và thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt có thể tạo áp lực cầu kéo lên lạm phát,… là thách thức cho năm 2018, đòi hỏi tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa CSTT, chính sách tài khóa và quản lý giá của Nhà nước.

Thứ hai, dòng vốn vào tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ thu hút vốn FDI, FII, cộng hưởng việc bán vốn nhà nước diễn ra thuận lợi…, một mặt giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối nhưng mặt khác gây áp lực cho NHNN trong việc trung hòa tiền mặt đưa ra lưu thông do mua ngoại tệ nhằm đảm bảo các mục tiêu CSTT, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, NHNN kiên trì điều hành công cụ CSTT, hỗ trợ TCTD có điều kiện để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, cầu vốn của nền kinh tế tiếp tục gia tăng, (nhất là vốn trung dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp) và phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng đặt ra thách thức cho các TCTD trong việc quản trị, cân đối vốn và tác động đến sự vận hành hiệu quả, bền vững của thị trường tiền tệ. Trong điều kiện đó, đòi hỏi phải có giải pháp dài hạn, căn bản hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp thông qua việc đẩy nhanh triển khai các chính sách, giải pháp phát triển thị trường trái phiếu, chứng khoán qua đó giảm dần sự lệ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng (đặc biệt là tín dụng trung dài hạn); tiếp tục triển khai quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tăng cường xử lý nợ xấu.

Thứ tư, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước và mục tiêu CSTT, ổn định thị trường ngoại tệ, từ đó tạo điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thị trường thuận lợi. Phối hợp đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, qua đó góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế và giá trị VND.

Thứ năm, Tiếp tục thực thi các giải pháp kiểm soát TTTD theo hướng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng gắn với triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, qua đó đảm bảo hoạt động của các TCTD phát triển bền vững, lành mạnh. Tiếp tục kiên trì thực hiện lộ trình hạn chế tình trạng Đô la hóa trong nền kinh tế, kiểm soát nhu cầu vay vốn ngoại tệ. 

Thứ sáu, Tiếp tục phát huy công tác định hướng chính sách, cơ chế truyền thông hiệu quả để tạo kênh tiếp cận thông tin chính thống cho các chủ thể tham gia thị trường, tạo sự đồng thuận trong nền kinh tế đối với chính sách vĩ mô của Chính phủ nói chung và điều hành CSTT của NHNN nói riêng.

Đọc thêm