Cùng với dân ca quan họ Bắc Ninh, hát ca trù được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và cần được bảo vệ khẩn cấp. Hải Phòng là một trong số không nhiều tỉnh, thành phố lưu giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của ca trù hiện chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ chính quyền và các ngành chức năng của thành phố.
|
Thử phách trước khi luyện tập |
Nỗ lực gìn giữ nghệ thuật ca trù
Làng Đông Môn (xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên) vốn được coi là đất ca trù của Hải Phòng, nhưng trải qua thăng trầm của lịch sử, ca trù không còn vị thế như trước. Trước sự mai một của ca trù, năm 1992, các cụ trong ban khánh tiết đình làng Đông Môn quyết định thành lập câu lạc bộ ca trù nhằm gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Hải Phòng còn có CLB ca trù thuộc Hội Văn nghệ dân gian (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố) do ca nương Đỗ Quyên làm chủ nhiệm. CLB khởi đầu từ tổ ca trù trong CLB thơ của Trung tâm phương pháp CLB (nay là Trung tâm văn hóa thành phố), ra đời năm 1993. Đến nay, với khoảng 20 thành viên, hoạt động của CLB ca trù Hải Phòng đi vào ổn định. Sáng thứ bảy hàng tuần, CLB ca trù Hải Phòng tổ chức tập luyện và mỗi tháng biểu diễn phục vụ công chúng tại nhà giải vũ 2 đình Hàng Kênh vào thứ bảy tuần cuối tháng. CLB cũng biểu diễn tại các lễ hội ở đình, lễ mừng thọ, các buổi giao lưu, sinh hoạt của nhiều CLB thơ trên địa bàn thành phố, kết hợp với các công ty du lịch biểu diễn theo tua phục vụ nhu cầu khách trong nước và quốc tế…
Sự nỗ lực của các nghệ nhân và hội viên các CLB dần đưa ca trù thoát khỏi tình trạng bị quên lãng. Qua 3 kỳ Liên hoan ca trù toàn quốc vào các năm 2005, 2007, 2009, CLB ca trù Hải Phòng mang về 9 huy chương vàng, 1 huy chương bạc; CLB ca trù thôn 1 Đông Môn giành 7 huy chương bạc, đưa ca trù Hải Phòng nức tiếng trong toàn quốc. Riêng CLB ca trù Hải Phòng qua các hoạt động biểu diễn góp phần đưa ca trù đến với đông đảo công chúng thành phố Cảng. Năm 2005 khi bắt đầu kết hợp với các công ty du lịch vào tua phục vụ du khách, CLB mới triển khai được khoảng 3, 4 tua/năm, đến năm 2008, con số này lên tới 10 tua. Riêng năm 2009, CLB diễn được 32 buổi, một con số đáng nể với một CLB ca trù.
Cần một chương trình hành động cụ thể
Mặc dù có nhiều nỗ lực của các nghệ nhân và hội viên các CLB, ca trù hiện vẫn đối mặt với nguy cơ thất truyền lớn khi số người đam mê và theo học bộ môn nghệ thuật này ngày một ít. Công chúng hiện đại không nhiều người có thể hiểu và cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của mỗi làn điệu, bài hát. Việc lưu giữ, truyền dạy các làn điệu của ca trù cho thế hệ trẻ chỉ mang tính tự phát, do người dân thực hiện. Cả CLB ca trù Hải Phòng và CLB ca trù thôn 1 Đông Môn đều hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện và nhiệt huyết của các hội viên, khi rảnh rỗi tự tụ họp lại cùng tập với nhau. Mọi chi phí mua bộ phách, trống, đàn, tiền trang phục khi tham dự liên hoan đều do hội viên tự đóng góp. Chủ nhiệm CLB ca trù thôn 1 Đông Môn Tô Văn Thiệp cho biết, gần 20 năm thành lập nhưng đến nay, CLB chưa có điểm sinh hoạt cố định. Số lượng hội viên cũng ít dần, từ 20 hội viên nay còn hơn 10 người. Những buổi diễn mà CLB ca trù Hải Phòng có được cũng do Ban chủ nhiệm của CLB dựa vào mối quan hệ cá nhân tự tìm đối tác, tự liên hệ sắp xếp thực hiện.
Điều mà thành viên các CLB trăn trở nhất là việc truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ. Theo ông Thiệp, nếu cứ tiếp tục như thế này sẽ không thể bảo tồn được ca trù, vì lứa các nghệ nhân hát được các làn điệu cổ, nắm được các kỹ thuật khó của ca trù đều cao tuổi, trí nhớ giảm sút, nhiều cụ đã qua đời. Việc giảng dạy ca trù hiện theo hình thức truyền khẩu, dựa vào trí nhớ của các nghệ nhân, không bài bản, người học được chăng hay chớ. Mặt khác, lớp trẻ ngày nay không được sống trong không gian của nghệ thuật ca trù, không cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp nên niềm đam mê đối với bộ môn nghệ thuật này không sâu sắc, dễ nản lòng khi gặp phải những làn điệu hay, những kỹ thuật khó.
Là một bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc với nhiều kỹ thuật và quy tắc phức tạp lại kén người nghe, rõ ràng việc bảo tồn và phát triển ca trù là một nhiệm vụ không đơn giản. Nhiệm vụ ấy đòi hỏi các cấp chính quyền và ngành chức năng cần vào cuộc, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể cho việc bảo tồn. Quan trọng nhất là tạo dựng được không gian văn hóa để ca trù không chỉ được giữ gìn mà còn được phát huy giá trị trong đời sống hiện nay.
Bài và ảnh Hồng Châm