Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa VII sáng ngày 14-7, các ý kiến chất vấn vẫn tập trung chủ yếu vào vấn đề mà UBND thành phố và các cơ quan chức năng của thành phố còn “nợ” qua các kỳ họp trước, gây bức xúc trong nhân dân: Môi trường và những điểm nóng ô nhiễm môi trường; thoát nước mùa mưa; rau sạch, cá ướp urê, trò chơi trực tuyến, giải quyết một số vụ tranh chấp của dân...
|
||
Đại biểu Nguyễn Quang Nga chất vấn tại hội trường. Ảnh: N.T |
Xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường
Theo đại biểu Phạm Đình Ba, hiện nay, nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn quận Liên Chiểu chưa đấu nối vào Trạm xử lý nước thải. Vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý việc này như thế nào? Đại biểu Trương Phước Ánh cũng chất vấn: “Nước thải KCN Hòa Khánh nhiều năm qua vẫn thoát ra tự nhiên, làm ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại cho sức khỏe con người và cây cối, hoa màu tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên. Sở trả lời vấn đề này với cử tri như thế nào?”.
Giải trình chất vấn, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến ngày 12-7-2010, đã có 47/74 doanh nghiệp ở KCN Hòa Khánh đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngày 28-6-2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh đấu nối toàn bộ nước thải về trạm xử lý tập trung và hoàn thành trước 15-7-2010. Tuy nhiên, đại biểu Thái Thanh Hùng cho rằng: “Vấn đề này cử tri đề cập mấy năm nay giải quyết không xong, bây giờ hẹn nửa tháng làm sao xong được! Nếu không xong, UBND thành phố cần có biện pháp xử lý”. Thời hạn 15-7-2010 đã đến, vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đúng như trả lời chất vấn hay chưa thì cần báo cáo rõ trước HĐND thành phố và người dân.
Về việc xử lý vụ cá chết hàng loạt ở sông Cầu Trắng (phường Hòa Hiệp Bắc), ông Nguyễn Điểu cho biết: Hiện tượng này có thể do ảnh hưởng nước thải vì sông Cầu Trắng là nơi tiếp nhận nước thải từ KCN Liên Chiểu, nước thải sinh hoạt và sản xuất của người dân dọc tuyến Quốc lộ 1A phường Hòa Hiệp Bắc, nước thải từ các kho xăng dầu PETEC, PV oil. Sở kết luận đây là các nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Cầu Trắng.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài, sự phân hủy chất hữu cơ trong bùn lắng và nước sông làm cho lượng ô-xy trong nước giảm mạnh cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng cá chết hàng loạt. Giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị phun 240 lít chế phẩm sinh học và chế phẩm khử mùi tại khu vực Cầu Trắng nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời, ra quân tổng dọn vệ sinh và phát quang bụi rậm, cành cây khu vực hạ lưu sông Cầu Trắng; xử phạt Công ty TNHH giấy Sức Trẻ (KCN Liên Chiểu) vì xả nước thải vượt tiêu chuẩn.
Thoát nước mùa mưa
Trước tình trạng ngập úng tại một số khu vực ở nội thành trong mùa mưa như: đường Bắc Đẩu, Khu Đầm Rong, đường Nguyễn Tất Thành, đại biểu Vũ Thị Kim Dung đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình các giải pháp khắc phục. Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Điểu chỉ rõ nguyên nhân ngập úng tại khu vực đường Bắc Đẩu, đường Nguyễn Tất Thành là do dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước san lấp mặt bằng lấp các cửa xả ra biển dọc đường Nguyễn Tất Thành, gây ngập úng toàn bộ KDC phía Tây đường Nguyễn Tất Thành.
Giải quyết vấn đề này, Sở đã chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải kiểm tra và thực hiện nạo vét, khơi thông hệ thống cống đường Bắc Đẩu, Đinh Tiên Hoàng, tuyến cống Mê Linh. Về lâu dài, Sở đề nghị khớp nối toàn bộ các cửa xả dọc đường Nguyễn Tất Thành vào một hệ thống thoát nước chung. Tuy nhiên, qua trả lời chất vấn, Sở Tài Nguyên và Môi trường vẫn chưa đưa ra thời gian cụ thể để nạo vét, khơi thông các tuyến cống nêu trên, trong khi đó, mùa mưa bão đang đến gần.
Về tình trạng ngập lụt tại đường Đống Đa đoạn giáp đường Lê Lợi - Trần Quý Cáp, Lý Tự Trọng nối dài, đại biểu Nguyễn Quang Thanh chất vấn: “Tại sao vấn đề đưa ra tại kỳ họp thứ 14 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân?”. Theo ông Nguyễn Điểu, trong phạm vi quản lý của mình, Sở đã chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải nạo vét, khơi thông hệ thống cống đường Trần Quý Cáp, Đống Đa để giảm ngập úng.
Trách nhiệm lâu dài, phụ thuộc vào việc triển khai Dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên do Sở Giao thông vận tải đảm trách. Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định trước HĐND thành phố sẽ khởi công xây dựng tuyến mương Trần Quý Cáp vào tháng 10-2010. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh không đồng tình với việc triển khai dự án vào tháng 10 vì đây là thời điểm mưa bão, không phù hợp với việc xây dựng và do vậy, có thể không giải quyết được tình trạng ngập úng ở khu vực Đống Đa - Trần Quý Cáp mùa mưa tới.
Rõ ràng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải cần phải phối hợp và cùng bắt tay triển khai sớm các biện pháp để khắc phục tình trạng ngập úng ở những khu vực nêu trên. Hứa hẹn là một chuyện nhưng nếu không thực hiện đúng như đã nói trước HĐND và cử tri, UBND thành phố cần có biện pháp xử lý kiên quyết, tránh để tình trạng ngập úng cứ tiếp diễn mỗi khi mùa mưa đến, khiến người dân thêm bất bình.
Rau sạch, game trực tuyến, tái định cư
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Đoàn Võ Thị Kim Ánh, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Quang Nga, Trương Phước Ánh chất vấn Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, trồng rau sạch, kiểm soát hàm lượng urê trong hải sản… “Bao giờ người dân thành phố an tâm ăn rau sạch, cá không ướp urê?” - Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh đề nghị hai Sở nói trên trả lời tại nghị trường.
Về vấn đề rau sạch, ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, thành phố có 5 vùng sản xuất rau tập trung là Khuê Mỹ, La Hường, Túy Loan, Hòa Tiến và Hòa Khương. Đến thời điểm này, quy trình và chất lượng sản xuất rau trồng ở Đà Nẵng có chất lượng an toàn trong phạm vi cho phép theo quy định của Nhà nước. Cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện hóa chất gây ung thư trong rau trồng. Theo giải trình của ông Trần Đình Quỳnh, khả năng năm 2011 Đà Nẵng sẽ có một số sản phẩm rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP và Đà Nẵng là một trong những vùng đang triển khai Dự án về Rau an toàn giai đoạn 2010-2015 từ nguồn kinh phí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về vấn đề hải sản ướp urê, ngành nông nghiệp đã lấy mẫu xét nghiệm và cho biết, năng lực xét nghiệm chưa làm rõ được urê trong cá là do urê ngoại sinh, được ướp vào hay bản thân cá sản sinh ra trong quá trình phân hủy. Thời gian đến, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có hướng dẫn giải quyết cụ thể. Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh, trách nhiệm kiểm soát urê trong cá trước hết thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở cần phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Biên phòng để kiểm tra, giám sát ngay tại các bến tàu, các điểm thu mua và bán hải sản.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Phước Ánh về việc quản lý trò chơi trực tuyến, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đề cập đến các giải pháp của thành phố để hạn chế tác hại của trò chơi trực tuyến đến thế hệ trẻ. Tuy nhiên, nội dung trả lời chất vấn của ông Ngô Quang Vinh chưa nói lên được vai trò và các biện pháp cụ thể của chính Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch trong việc quản lý, kiểm soát trò chơi trực tuyến. Đây là vấn đề liên quan đến sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ, vì vậy, nếu không đưa ra biện pháp xử lý và giải quyết hiệu quả thì Sở không làm tròn trách nhiệm và trò chơi trực tuyến vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến một bộ phận thanh-thiếu niên hiện nay.
Cũng trong phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã trả lời một số chất vấn liên quan đến việc bố trí đất tái định cư cho các hộ dân di dời để mở đường ĐT 602 qua các xã Hòa Sơn và Hòa Ninh. Theo đó, dự án này có 284 hộ phải giải tỏa, di dời; hiện 231 hộ đã bàn giao mặt bằng nhưng chỉ 10/231 hộ nhận đất tái định cư thực tế. Nhiều hộ dân vì chưa đồng ý với mức giá đền bù hoặc số lô đất được phân bổ nên chưa chịu nhận đất. Do vậy, gây chậm trễ trong việc bố trí đất tái định cư liên quan đến dự án đường ĐT 602.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố và các Sở liên quan cần kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện những vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND chất vấn tại hội trường. HĐND thành phố sẽ đưa vào Nghị quyết HĐND những vấn đề nổi cộm như: ô nhiễm môi trường, rau sạch, ngập úng… đồng thời, sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa mà thủ trưởng các Sở đã cam kết tại kỳ họp lần này.
MỸ HẠNH - SƠN TRUNG