Chưa phải thời điểm mua nhà để kinh doanh?

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) lúc này, mua nhà để ở có thể chọn được sản phẩm phù hợp, nhưng mua nhà để kinh doanh thì cần phải nghiên cứu kỹ hơn.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) lúc này, mua nhà để ở có thể chọn được sản phẩm phù hợp, nhưng mua nhà để kinh doanh thì cần phải nghiên cứu kỹ hơn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chưa đến lúc mua nhà để kinh doanh

Đối thoại trực tuyến với nhân dân hôm qua – 5/6, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, hiện nay đang là “đáy” của thị trường BĐS, và thời gian BĐS ảm đạm đã quá dài, ở Hà Nội thì từ nửa năm 2011 còn TP.HCM từ năm 2009. Nhưng giờ đã có tín hiệu sáng hơn, vì số lượng các giao dịch BĐS đã tăng.

Tuy nhiên, trong năm 2012 này, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế, “nếu bạn mua nhà để ở thì nên tìm kiếm các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình, còn nếu để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ hơn” – Bộ trưởng Dũng đưa ra nhận định – “Trong lúc này, các doanh nghiệp (DN) cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản, và phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn này...”.

Cải tạo chung cư cũ – vẫn nan giải

Năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 34 về cải tạo chung cư cũ, vì chung cư cũ đa số xây dựng trước năm 1990, đến nay đã xuống cấp, nhiều chung cư không đảm bảo an toàn. Thế nhưng, đến nay, kết quả còn khiêm tốn. TP.HCM mới hoàn thành việc cải tạo được 29 khối nhà, Hà Nội mới hoàn thành cải tạo 9 khối. Trong khi đó, có 200 khối nhà cần được cải tạo hoặc xây dựng lại vì đang trong tình trạng nguy hiểm, xuống cấp.

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này. Thứ nhất, những chung cư hiện nay đa số là đã bán cho người dân theo Nghị định 61, nên sở hữu chung cư chủ yếu thuộc các hộ dân. Tình trạng “cha chung” khiến người dân không thiết tha trong việc sửa chữa, chưa nói đến cơi nới, mất mĩ quan... Thứ hai, việc cải tạo cần nguồn lực rất lớn, trong khi các chung cư đa số nằm ở khu trung tâm, người dân không muốn đi đến nơi khác. Vì vậy, Nhà nước cần phải vào cuộc, phải có chính sách khuyến khích người dân tái định cư ở nơi khác thay vì tái định cư tại chỗ... Thứ ba, chính quyền địa phương và Nhà nước phải xây dựng các khu ở mới khang trang, hiện đại, đầy đủ hạ tầng xã hội để người dân có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ, ở nơi cũ có thể đấu giá để thực hiện theo quy hoạch...

Việc này, theo Bộ trưởng Dũng cần sự vào cuộc quyết liệt không chỉ của Bộ Xây dựng mà còn của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp...

Bách Linh

Đọc thêm