Chưa thành lập được tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập

Việc triển khai hiệu quả Luật Giám định tư pháp (GĐTP) là điều kiện tiên quyết để phát huy vai trò của GĐTP, nhằm bảo đảm tính khách quan của các hoạt động tố tụng. Song 9 tháng qua, một số qui định của Luật này vẫn chưa “chạm” được thực tiễn.

Việc triển khai hiệu quả Luật Giám định tư pháp (GĐTP) là điều kiện tiên quyết để phát huy vai trò của GĐTP, nhằm bảo đảm tính khách quan của các hoạt động tố tụng. Song 9 tháng qua, một số qui định của Luật này vẫn chưa “chạm” được thực tiễn.

 

Vì sao tư nhân không mặn mà đầu tư vào giám định tư pháp?

Đã từ lâu, việc GĐTP trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, xây dựng, đầu tư, xác định cổ vật, bản quyền tác giả… bị “qui tội” gây ra tình trạng “ách tắc”, chậm trễ trong quá trình xử lý các vụ án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Bên cạnh đó, nhu cầu đối với GĐTP liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng nhà nước không thể xây dựng các tổ chức GĐTP trong tất cả các lĩnh vực, mà nhiều lĩnh vực không có giám định viên hay tổ chức giám định chuyên trách nên khi cần trưng cầu giám định, các cơ quan tố tụng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí nhiều vụ án cứ được xếp lại để chờ kết quả giám định.

Để công tác GĐTP phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng, Luật GĐTP đã qui định cho phép thành lập các tổ chức GĐTP ngoài công lập ngoài các lĩnh vực GĐTP truyền thống. Vì thế, sau 9 tháng thi hành Luật GĐTP, cả nước “chưa thành lập thêm được Trung tâm giám định pháp y hay tổ chức GĐTP ngoài công lập nào” là vấn đề rất đáng quan tâm và “đây chính là trách nhiệm của các Bộ chuyên ngành trong việc triển khai Luật GĐTP” – bà Đỗ HoàngYến (Cục trưởng Cục Bộ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp) khẳng định.

Tuy nhiên, đưa chủ trương thành lập tổ chức GĐPY ngoài công lập thành hiện thực không dễ dàng như việc thành lập các văn phòng công chứng vì “để thành lập được tổ chức GĐTP ngoài công lập vì đòi hỏi phải có trang bị, phương tiện hiện đại” như phản ánh của ông Nguyễn Sỹ Hoàng (Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP.Hà Nội). Chưa kể việc nếu muốn thành lập tổ chức GĐTP ngoài công lập, giám định viên (GĐV) phải “cân nhắc bài toán giữa kinh phí thu được với những chi phí cho hoạt động đòi hỏi chuyên môn, chi phí cao” này.

Không những thế, qua thực tiễn ở Vĩnh Phúc, việc thành lập tổ chức GĐTP ngoài công lập đang “vấp” do “nhu cầu không rõ khiến các chuyên gia chưa mặn mà dù địa phương đã gặp gỡ, vận động, có chính sách thu hút các chuyên gia tham gia vào hoạt động GĐTP”. Hậu quả là các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải “mướt mồ hôi” khi tìm kiếm GĐV để trưng cầu giám định trong các lĩnh vực ngoài 3 lĩnh vực truyền thống.

Thu hút để GĐV gắn bó với nghề

Mấu chốt trong việc phát triển hoạt động GĐTP là phải thu hút được GĐV mới, “giữ chân” được GĐV cũ. Hiện hầu hết GĐV làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên nhiều trường hợp GĐV phải từ chối giám định hoặc nhận thực hiện giám định nhưng thời gian giám định kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ của hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, các GĐV hoạt động độc lập, riêng lẻ, không có tổ chức để quản lý, điều phối, hỗ trợ thường từ chối giám định, đặc biệt đối với những yêu cầu giám định khó, phức tạp, cần nhiều GĐV, càng gây khó khăn cho việc trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng.

Trước tình trạng chưa thể có các tổ chức GĐTP ngoài công lập và đang “khan hiếm” GĐV trong một số lĩnh vực hiện nay, ông Trần Diện kiến nghị, cần có “giải pháp tình thế” để các cơ quan tiến hành tố tụng có “nguồn” GĐV khi cần trưng cầu GĐTP trong các lĩnh chuyên ngành.

Đồng thời, “kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cho GĐV để “nuôi” đội ngũ các chuyên gia trong lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm này” như ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Hoàng. Còn đại diện TP.HCM kiến nghị nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động GĐTP và giữa cơ quan trưng cầu GĐTP với các tổ chức GĐTP…

Bàn về giải pháp đổi mới công tác quản lý nhà nước về GĐTP, đại diện các địa phương đều đánh giá cao vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật GĐTP để “nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác GĐTP, tạo sự quan tâm mạnh mẽ của toàn xã hội đối với hoạt động GĐTP”, cũng như cần đầu tư tương xứng cho hoạt động GĐTP, có cơ chế tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các sở, ngành chuyên môn quản lý lĩnh vực GĐTP vào hoạt động GĐTP để hoạt động GĐTP góp phần tránh được oan sai trong quá trình tố tụng.

Tại hội nghị triển khai thi hành Luật GĐTP cho các tỉnh phía Bắc do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (20/9), Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến cho rằng, “dù Luật qui định rõ trách nhiệm của các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư pháp trong quản lý về GĐTP nhưng quá trình triển khai còn lúng túng, vẫn còn tư tưởng “khoán” trách nhiệm quản lý hoạt động GĐTP cho Bộ Tư pháp”. Việc triển khai Luật vẫn khá chậm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc phối kết hợp trong việc triển khai thi hành Luật giữa các Bộ, ngành ở TƯ còn gặp nhiều hạn chế.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng, “để Luật GĐTP được triển khai thực hiện đầy đủ trong hoạt động tố tụng cũng như trong đời sống xã hội đòi hỏi mỗi cấp bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trước hết cần nhận thức một cách đầy đủ qui định của Luật, đồng thời tích cực triển khai một cách đồng bộ, thống nhất các qui định của Luật trong toàn quốc nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động GĐTP thời gian qua, mặt khác góp phần bảo đảm việc phán quyết của Tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, tạo lập cơ sở cho bước phát triển mới mang tính lâu dài, bền vững về tổ chức và hoạt động GĐTP ở nước ta”.

Huy Anh

Đọc thêm