’Chưa thể khẳng định điện có tăng giá nữa hay không’

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, mức tăng hiện tại chưa đủ để đẩy mạnh các nhà đầu tư tham gia vào ngành điện. Giá bán vẫn thấp hơn giá thành nên các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, mức tăng hiện tại chưa đủ để đẩy mạnh các nhà đầu tư tham gia vào ngành điện. Giá bán vẫn thấp hơn giá thành nên các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn.

>
Giá điện tăng không ảnh hưởng nhiều tới giá tiêu dùng

- Mức điều chỉnh giá điện năm nay lớn gấp đôi năm ngoái, song ngành điện vẫn cho rằng tăng 15,28% chỉ là một bước đi nhỏ trong lộ trình thực hiện giá điện theo thị trường. Ông lý giải sao về điều này thưa ông?

- Có 4 lý do chính để phải tăng giá điện. Trước hết là do giá điện Việt Nam hiện rất thấp do trước đây chúng ta luôn kiềm giá. Năm 2010, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, thiếu nước dẫn tới, nguồn thủy điện bị sụt giảm lớn. Trong khi lãi của EVN chính là nằm từ nguồn thủy điện có giá thành rẻ. Điều này khiến EVN bị lỗ. Thứ hai là việc tăng giá điện lần này để các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước quan tâm hơn tới các dự án điện, từ đó hy vọng đáp ứng đủ điện cho nhu cầu xã hội. Thứ ba là khi giá bán điện thấp hơn giá thành, nhiều doanh nghiệp không quan tâm cải tiến, đổi mới công nghệ, mà đi nhập những công nghệ tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, làm bức tranh kinh tế méo mó. Cuối cùng, khi giá điện được điều chỉnh hợp lý thì việc sử dụng điện trong toàn xã hội sẽ tiết kiệm hơn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Hoàng Lan
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: Hoàng Lan.

- Vậy theo ông, với mức tăng như hiện tại, ngành điện sẽ thu hút đầu tư như thế nào?

- Tôi e rằng, mức tăng đó chưa đủ để đẩy mạnh các nhà đầu tư tham gia vào ngành này. Thực tế giá bán vẫn thấp hơn giá thành nên các nhà đầu tư nếu vào sản xuất điện vẫn sẽ gặp khó khăn. Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá điện tự động theo cơ chế thị trường. Sắp tới, khi Thủ tướng phê duyệt cơ chế này, chúng tôi hy vọng giá điện sẽ có cơ sở điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh được chi phí đầu vào. Tôi hy vọng trong vài ba năm nữa, giá điện Việt Nam sẽ theo cơ chế thị trường.

- Bộ có nói rằng với mức tăng 15,28%, EVN vẫn chịu lỗ. Vậy xin thứ trưởng cho biết, với mức tăng như hiện nay thì ngành điện sẽ phải lỗ bao nhiêu?

- Theo tính toán, mức tăng 15,28% vẫn chưa giải quyết được tình hình tài chính của EVN. Năm 2010, do chạy giá dầu FO, DO cao, EVN lỗ tới nhiều nghìn tỷ đồng. Tôi chưa thể công bố con số cụ thể, vì con số lỗ này của EVN chưa được kiểm toán chính thức. Nhưng như Bộ trưởng Tài chính đã nói hôm trước, nếu để EVN có lãi trong năm nay mà giá điện vốn kìm lâu rồi, thì giá điện phải tăng hơn 60%. Nhưng như như thế là vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Vì thế, năm 2011, EVN vẫn có nguy cơ bị lỗ.

Tất nhiên, không ai muốn doanh nghiệp bị lỗ cả. Nhưng tôi cho rằng, khi EVN là Tập đoàn kinh tế Nhà nước, trong lúc khó khăn, buộc phải chấp nhận điều chỉnh giá điện ở mức thấp, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế. Giá điện VN thấp, trong nhiều năm qua giá thấp chưa tăng theo chi phí đầu vào hợp lý. Do vậy gần đây cộng với thời tiết khó khăn, lãi EVN thu từ thủy điện thấp tình hình tài chính của EVN 2010 khó khăn.

- Theo Bộ Công Thương, việc tăng giá điện lần này chỉ là một bước đi nhỏ trong lộ trình tăng giá điện và có ý kiến cho rằng, sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng giá điện. Thực hư chuyện này ra sao thưa Thứ trưởng?

- Chúng ta vừa công bố tăng giá điện xong. Hiện tại, tôi chưa thể khẳng định được trong năm 2011 có tăng giá nữa không. Chính phủ sẽ thận trọng trong vấn đề này vì phải kiềm chế lạm phát, đảm bảo kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

- Mùa khô năm nay, chúng ta thiếu khoảng 2 tỷ kWh điện. Như vậy, Bộ Công thương sẽ tiết giảm điện như thế nào để đảm bảo công bằng thưa Thứ trưởng?

- Tôi cho rằng, đến thời điểm này, đang có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy, có thể sẽ không phải tiết giảm điện. Cuối năm 2010, chúng tôi có đưa ra dự báo rằng khả năng mùa khô bị thiếu hụt tới hơn 2 tỷ kWh. Căn cứ tính toán khi đó là tăng trưởng phụ tải mùa khô năm 2011 là 18,3% trong khi, khả năng huy động nguồn điện chỉ đạt khoảng 54 tỷ kWh điện.

Thực tế, 2 tháng mùa khô vừa rồi chúng ta không phải tiết giảm điện. Tốc độ tăng trưởng phụ tải 2 tháng thấp hơn so với dự báo, chỉ khoảng 12,9%. Nhờ đó, lượng điện thiếu hụt tính toán giảm xuống chỉ còn gần 1,7 tỷ kWh. Tôi cho rằng nếu 4 tháng tới của mùa khô (tháng 3-6), nếu tốc độ tăng trưởng phụ tải vẫn dưới 18% thì có thể, sẽ không xảy ra việc tiết giảm điện. Nếu tiết kiệm điện, nguồn nước về hồ thủy điện nhiều hơn sẽ cải thiện nguồn thủy điện. Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn đi đôn thúc, kiểm tra sát sao các dự án điện. Tôi hi vọng là đủ điện cho mùa khô. Nguồn cung điện tăng lên, cầu điện giảm đi thì khả năng không phải tiết giảm có thể đạt được.

Theo VnExpress.net

Đọc thêm