Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp hôm qua tổ chức tọa đàm về công tác pháp chế ngành sau 2 năm thực hiện Nghị định 155/NĐ -CP ngày 04/11/2011 của Chính phủ.
Pháp chế ở nhiều nơi chưa được đánh giá đúng
Ông Hoàng Kim Chiến, Phó Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết: NĐ 155/NĐ-CP được ban hành đã tạo bước đột phá trong công tác pháp chế, tạo hành lang pháp lý cơ bản và tương đối đầy đủ cho việc tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn công tác pháp chế và nâng cao năng lực cho những người làm công tác pháp chế.
Tuy nhiên, qua thực tế 2 năm theo dõi và đánh giá quá trình triển khai thực hiện Nghị định này ở các địa phương có thể thấy công tác pháp chế vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Nhận thức vị trí, vai trò của công tác pháp chế một số tỉnh chưa được đánh giá đúng và đầy đủ, một số mặt công tác chưa hiệu quả, chưa gắn với nhiệm vụ quản lý Nhà nước và xã hội, chưa ngang tầm với yêu cầu đặt ra. Đội ngũ nhân lực thực hiện công tác pháp chế ở nhiều địa phương còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thống kê cho thấy, sau 2 năm thực hiện, đến nay, chỉ có 17/23 tỉnh, thành khu vực phía Nam có Đề án kiện toàn, trong đó có 11 tỉnh đã thành lập được 103 phòng pháp chế, còn lại 3 tỉnh không thành lập được phòng pháp chế. Có 6/23 tỉnh chưa có Đề án kiện toàn và chỉ có 3 tỉnh ban hành quyết định thành lập đủ 14 phòng pháp chế theo qui định của Nghị định 155.
Chia sẻ với đại biểu tại tọa đàm, bà Lê Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cho biết: Đến nay, Cà Mau đã thành lập 15 phòng, 7 tổ, 01 đội pháp chế và 2 doanh nghiệp có cán bộ làm công tác pháp chế và tư vấn pháp lý, trong đó 14/14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã có phòng pháp chế với 80 cán bộ trên toàn tỉnh, bao gồm các luật sư, luật gia, hoặc người có trình độ pháp luật làm công tác tư vấn pháp lý, có 38 kiêm nhiệm và 42 chuyên trách. Công tác pháp chế được củng cố kiện toàn, hoạt động mang lại hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng khích lệ, công tác pháp chế ở địa phương vẫn còn những khó khăn hạn chế nhất định như số lượng cán bộ pháp chế còn thiếu, phần lớn là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm chuyên môn, chưa đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ theo qui định.
Cần có phụ cấp cho cán bộ làm công tác pháp chế
Cái khó của pháp chế Cà Mau là đa số cán bộ không có chuyên ngành Luật, trong khi qui định về công chức pháp chế chuyên trách, khoản 1 Điều 12 NĐ 155 ghi rõ: "Người làm công tác pháp chế phải là người có trình độ cử nhân Luật trở lên, người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân Luật và có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật”. Với quy định này, các sở ngành khi thành lập Phòng pháp chế do không có cán bộ nào đáp ứng đủ 2 tiêu chí nói trên.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Cần Thơ chia sẻ: “Chúng tôi hiện có 6 Sở, ngành chưa có Phòng pháp chế do không có người có trình độ cử nhân Luật”. Cùng băn khoăn về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Thiện, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trước đây, Đồng Nai có 72 cán bộ pháp chế, sau khi Nghị định 155 ra đời thì con số này còn lại có 52 người. Lý do là các ngành khác thì có phụ cấp từ 20-30%, còn cán bộ pháp chế thì không có chế độ này. Thêm vào đó, tiêu chuẩn chọn Trưởng phòng lại quá khắt khe nên nhiều nơi có cán bộ nhưng không có Trưởng phòng mà không có Trưởng phòng thì làm sao lập được Phòng Pháp chế?”.
Ông Hà Phước Tài, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM nhận định: “Giữ chân cán bộ pháp chế là rất khó, do làm ở các bộ phận khác đỡ nhức đầu hơn, thu nhập lại cao hơn”.
Do vậy, để công tác pháp chế đi vào nền nếp và hoạt động hiệu quả, các địa phương kiến nghị cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể trường hợp nào doanh nghiệp phải có pháp chế chuyên trách, có qui định về chế độ hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế như là một chế độ chính sách nhằm thu hút cán bộ làm công tác pháp chế an tâm với nghề hơn.
Ngoài ra, cần thường xuyên mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ pháp chế để tập trung bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực …Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ bổ sung biên chế làm công tác pháp chế chuyên trách cho các địa phương, tránh tình trạng giao việc, giao phòng (hành chính) nhưng không giao biên chế như đã từng xảy ra ở Vĩnh Long.
Hà Phương Thảo