Dân tộc Kinh – Hoa – Khmer tạo nền văn hóa đặc trưng
|
Chùa Xiêm Cán (tọa lạc tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), được xây dựng vào năm 1887, có diện tích khoảng 5ha. Năm 2001, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã xếp chùa là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Thuở ban sơ chùa Xiêm Cán có tên tiếng Khmer là Komphisako, thể hiện sự uyên bác và sâu xa của trí tuệ phật pháp. Cái tên Xiêm Cán của chùa xuất phát từ tiếng Tiều (tiếng của người gốc Triều Châu, Trung Quốc, hiện đang sinh sống nhiều ở Bạc Liêu) có nghĩa là “giáp nước” bởi địa hình vùng đất này trước đây bên cạnh bãi bồi ven biển.
|
Theo Thượng tọa Dương Quân - Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu, Trụ trì chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), cho biết: “Ngày trước vùng này còn hoang sơ, cây cối rừng rậm rất nhiều, đường xá không có được như bây giờ, chỉ đi bằng xuống từ kênh Bạc Liêu. Từ bên ngoài đi vào phải mười mấy km mới tới. Người dân vào đây để lập nghiệp được khoảng mấy chục gia đình nên mới có mong muốn thành lập chùa. Đồng thời, vùng này lại giáp biển, Trụ trì đặt tên chùa bằng tiếng Khmer có nghĩa là Sông Sâu. Sau đó, người Hoa đến làm ăn ở đây, dịch ra tiếng người Hoa tên chùa là Xiêm Cán nên từ đó gọi là chùa Xiêm Cán”.
|
Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch (HHDL) ĐBSCL trao Bằng công nhận điểm du lịch tiêu biểu cho Thượng tọa Dương Quân - Trụ trì chùa Xiêm Cán, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu. |
Bạc Liêu với bờ biển dài trên 10km, dọc theo bờ biển, các dân tộc Kinh – Hoa – Khmer sống đan xen đã hình thành nên một nền văn hóa đặc trưng với những tín ngưỡng, kiến trúc, văn hóa và nhiều lễ hội truyền thống lâu đời mang nét độc đáo đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng.
Bảo tồn giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc
|
|
Bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer như: hát Dù - kê, nhạc ngũ âm,… và các Lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc Khmer như Lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Tết dolta,… phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách. |
Bà Đỗ Ái Lam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, cho biết: “Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đồng bào dân tộc Khmer, trong đó đặc biệt là bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer như: hát Dù - kê, nhạc ngũ âm, múa Apsara, múa Rom vong, trống sa săm, múa gáo, … mang đậm bản sắc dân tộc Khmer,… và các Lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc Khmer như Lễ hội Ok Om Bok, Lễ Dâng bông, Tết dolta, Tết Chôl Chnăm Thmây, …phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách”.
“Thành phố Bạc Liêu còn là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, là đầu mối giao thương với các tỉnh nên thành phố Bạc Liêu có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội. Đặc biệt, một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là tiềm năng du lịch phong phú với những nét độc đáo về văn hóa, con người nơi đây” - bà Đỗ Ái Lam nhấn mạnh.
Chùa Xiêm Cán là địa điểm hoạt động văn hóa tâm linh, là nơi tổ chức các lễ hội hàng năm của người Khmer. Chùa cũng là địa điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật của người Khmer, Đội Văn hóa - Văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán được ban quản trị chùa thành lập và hoạt động nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vốn có của người Khmer, phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa các điệu múa Apsara, Rom vong, Sarawan, trống sa săm, múa gáo mang đậm bản sắc dân tộc Khmer.
Chùa cũng là nơi học tập của các sư sãi, hiện chùa có 3 lớp học, mở từ thứ 2 đến thứ 7, được nghỉ 3 tháng trong năm, thời gian nghỉ do nhà chùa quy định. Hiện thường xuyên có 50 sư theo học với đủ lứa tuổi, chương trình học từ lớp 1 đến lớp 8. Nội dung giảng dạy là chữ Khmer, các môn toán, tiếng Việt và giáo lý phật giáo Khmer.