TP. Bạc Liêu đẩy mạnh chiến lược phát triển du lịch năm 2025, định hướng đến năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với quyết tâm xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực ĐBSCL, UBND TP. Bạc Liêu đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 “Du lịch thành phố Bạc Liêu - an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch

Theo Đề án Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Bạc Liêu sẽ chú trọng những công tác sau:

- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong toàn thành phố về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch; Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phải đổi mới tư duy với nhận thức “Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhân dân đồng hành phát triển du lịch”; Phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển du lịch bền vững; không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Thành phố Bạc Liêu.

Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ xây dựng các khu vực trọng điểm, tạo động lực phát triển du lịch, hình thành các trục, tuyến du lịch trên cơ sở xác định rõ tài nguyên, sản phẩm du lịch của từng vùng, từng địa phương, trong đó xác định thành phố thành phố Bạc Liêu là trung tâm điều tiết, kết nối và là khu vực tạo động lực phát triển du lịch của toàn thành phố; Ưu tiên nguồn lực xây dựng đề án trình phê duyệt bổ sung Khu Du lịch tổng hợp Nhà Mát vào danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư đáp ứng các điều kiện đề nghị công nhận là khu du lịch quốc gia trước năm 2030 nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố.

Quảng trường Hùng Vương - một trong những quảng trường đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Thanh Cường).

Quảng trường Hùng Vương - một trong những quảng trường đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Thanh Cường).

Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu Lê Kim Thuý cho biết: “Nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được công nhận là sản phẩm du lịch OCOP 04 sao. Đặc biệt, tập trung phát triển các hoạt động trải nghiệm, các giá trị về giai thoại Công tử Bạc Liêu gắn với di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu,... Song song đó, những cơ sở thu hút đông du khách tham quan, hành hương như: Quán âm Phật đài, Chùa Xiêm Cán,… tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tài nguyên, sản phẩm du lịch đã cơ bản được đầu tư phục vụ khách du lịch như du lịch sinh thái gắn với tham quan Điện gió, du lịch vườn chim, Vườn nhãn Bạc Liêu, tuyến du lịch sinh thái ven biển,..."

Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu, đây cũng chính là tiềm năng đã và đang được phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng đất Bạc Liêu.

Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Công tử Bạc Liêu, đây cũng chính là tiềm năng đã và đang được phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù cho vùng đất Bạc Liêu.

Cũng theo bà Thúy, Bạc Liêu sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực trở thành các sản phẩm du lịch, như: lễ hội Dạ cổ hoài lang, lễ hội Quán âm Nam Hải và các lễ hội tiêu biểu khác nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí để quảng bá, thu hút khách du lịch;

Tiếp tục củng cố và thành lập mới các câu lạc bộ đờn ca tài tử tại các khu, điểm du lịch để phục vụ du khách. Phát triển mạnh các loại hình nghệ thuật dân tộc như nói thơ Bạc Liêu, hát Dù - kê, múa Rô - Văm,... phục vụ nhu cầu thưởng thức của du lịch; khuyến khích các nghệ nhân đờn ca tài tử tiếp tục sáng tác và truyền dạy về loại hình văn hóa độc đáo này”.

Ẩm thực Bạc Liêu cũng sẽ đươc đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu bằng nhiều hình thức như: trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội chợ, liên hoan du lịch; tham gia liên hoan ẩm thực các tỉnh,... để giới thiệu, quảng bá những món ăn đặc thù, nổi tiếng của thành phố Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước biết đến như: Bún nước lèo, bún bò cay, các loại thủy - hải sản tươi sống,...."

Đầu tư các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp để hình thành các tuyến du lịch mới

Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được công nhận là sản phẩm du lịch OCOP 04 sao.

Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được công nhận là sản phẩm du lịch OCOP 04 sao.

Bạc Liêu đang lên kế hoạch mời gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái như: Du lịch sinh thái gắn với tham quan Điện gió; du lịch sinh thái Vườn chim; khu cầu dẫn và dịch vụ trên biển; xây dựng khu du lịch Vườn nhãn trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm của thành phố gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều dịch vụ phong phú như: ăn uống, vui chơi giải trí, tham quan trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại nhà dân (Homestay)...

“Huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, trong đó khuyến khích đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư trong phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch; Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, tạo điều kiện cho người dân tham gia kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, hình thành một số khu phố kinh doanh thương mại, chợ đêm, trung tâm giải trí về đêm, khu phố đi bộ gắn với mô hình tái hiện văn hóa 03 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer để thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Tập trung đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo phấn đấu phần lớn các khu, điểm du lịch trọng điểm của thành phố đều có đường giao thông đảm bảo thuận tiện phục vụ khách du lịch, trong đó cần tập trung thực hiện một số dự án mang tính động lực như: Hạ tầng giao thông Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhằm đáp ứng các điều kiện để đề nghị cấp thẩm quyền công nhận là Khu du lịch quốc gia trước năm 2030.

Khu Quán âm Phật đài - đồng hành cùng sự phát triển của du lịch Bạc Liêu.

Khu Quán âm Phật đài - đồng hành cùng sự phát triển của du lịch Bạc Liêu.

Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân để phát động toàn xã hội tham gia quảng bá du lịch với phương châm“người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”. Tiếp tục thực hiện tốt liên kết vùng trong phát triển du lịch, nhất là chương trình liên kết du lịch vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long” - Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu Lê Kim Thuý cho biết thêm.

Để đạt được những mục tiêu trên, theo bà chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, giải pháp kích cầu du lịch của tỉnh trên địa bàn thành phố phải phù hợp với thực tế và xu thế, có tính khả thi, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố; tập trung nguồn lực của Nhà nước, của các doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả các nội dung đề ra; Sản phẩm du lịch, dịch vụ, tour kích cầu, khuyến mãi phải đảm bảo chất lượng, có tính cạnh tranh cao, phát triển bền vững. Đồng thời, vừa đảo đảm mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa giữa phòng, chống dịch bệnh và hoạt động du lịch, lữ hành.

Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận TP. Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu để đưa vào kết nối tour/tuyến du lịch với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn thành phố có 10 điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát trở thành khu du lịch cấp tỉnh và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung vào danh mục các khu vực có tiềm năng khu du lịch quốc gia.

Đọc thêm