Chuẩn bị cơ sở vật chất năm học 2010-2011: Những chuyển động ban đầu

Thực hiện các nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố về phát triển giáo dục mầm non tại thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, dịp hè qua, UBND thành phố quyết định trích ngân sách hơn 14 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xây mới 59 phòng học, cải tạo 41 phòng học mầm non không an toàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa đầu tư xây dựng khu nhà công vụ tại Trường THPT Lê Ích Mộc (huyện Thủy Nguyên) đưa vào sử dụng năm học (2010 – 2011)

Ảnh: Minh Hải

Niềm vui chưa trọn

 

Thực hiện các nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố về phát triển giáo dục mầm non tại thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, dịp hè qua, UBND thành phố quyết định trích ngân sách hơn 14 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xây mới 59 phòng học, cải tạo 41 phòng học mầm non không an toàn. Chương trình mang tên “Chống dột, chống sập” này đề ra mục tiêu hoàn thành trước ngày khai giảng năm học để trẻ em đến trường không còn lo nhà dột, tường đổ, mái sập.

 

Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Thị Vang cho biết, sau khi thành phố ban hành  nghị quyết về phát triển giáo dục mầm non, nhiều xã của Vĩnh Bảo quy hoạch đất xây trường mầm non tập trung. Trường mầm non xã Dũng Tiến được quy hoạch với diện tích đất hơn 6000m2 , Trường mầm non xã Tân Liên hơn 5000m 2 . Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng dở dang nay đã khởi động trở lại như Trường mầm non xã Vĩnh Tiến. Từ chương trình “Chống dột, chống sập” này, huyện được thành phố hỗ trợ  1,6 tỷ đồng xây mới 6 phòng học, cải tạo, sửa chữa 4 phòng học mầm non cho các xã Hiệp Hòa, Tân Liên, Tiền Phong và Việt Tiến. Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Văn Lợi khẳng định, quan điểm của địa phương là xây dựng, cải tạo đến đâu đạt chuẩn đến đó. Để thực hiện, địa phương trích ngân sách bằng 50% số kinh phí thành phố  hỗ trợ chương trình này. 

 

Xã Tiên Minh (huyện Tiên Lãng), từ nguồn kinh phí thành phố hỗ trợ xây mới 2 phòng học mầm non tại thôn Duyên Lão, địa phương quyết định dồn 4, 5 điểm trường về một mối và tìm nguồn kinh phí đầu tư xây mới 6 phòng học tại đây. Tại các quận, huyện khác, việc xây mới các phòng học có thể không kịp ngày khai giảng năm học 2010-2011, nhưng một số phòng học không an toàn đã được sửa chữa, cải tạo. Đáng ghi nhận là nhiều địa phương huy động kinh phí bằng nhiều nguồn để xây mới, cải tạo phòng học trước thềm năm học mới, bởi do thiếu phòng học nên các trường chỉ có thể tiếp nhận khoảng 20-30% số trẻ em trên địa bàn.

 

Bên cạnh những tín hiệu vui nói trên,  trước thềm năm học mới vẫn còn những băn khoăn về tình trạng thiếu lớp học, phòng học, tại nhiều quận, huyện. Trong đó, quận Lê Chân thiếu 42 phòng học,  quận Hồng Bàng, huyện Tiên Lãng thiếu 31 phòng học, huyện Thủy Nguyên thiếu 127 phòng học… Việc chưa đủ phòng học, lớp học là nguyên nhân chính khiến các trường mầm non công lập khu vực nội thành luôn trong tình trạng quá tải. Còn các trường mầm non ngoại thành, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp cũng không đạt yêu cầu đề ra.   

 

Quy hoạch đi đôi với đầu tư xây dựng đồng bộ

 

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể, để “vực” cơ sở vật chất giáo dục mầm non hiện nay, trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố, cần sự vào cuộc của các địa phương và ủng hộ của người dân. Trước hết, các địa phương cần đưa nội dung phát triển giáo dục mầm non vào nghị quyết của Đảng và HĐND, huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Các địa phương quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp tránh tình trạng phân tán, manh mún, mỗi xã 4,5 điểm trường như hiện nay. Tiếp đó, lập đề án cụ thể cải tạo, nâng cấp và xây mới các phòng học,  thực hiện xây dựng và cải tạo đến đâu, đạt chuẩn đến đó như cách làm của huyện Vĩnh Bảo và một số địa phương.

 

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Xuân Trường, những năm qua, thành phố có 4 trường THPT được xây mới gồm các trường THPT Quốc Tuấn, Đồng Hòa, Thụy Hương và Hải An. Đến thời điểm này, cả 4 trường đều kết thúc giai đoạn 1 với 4 ngôi nhà 3 tầng, quy mô từ 12 đến 15 phòng học và một số công trình phụ trợ như nhà để xe cho giáo viên và học sinh, nhà vệ sinh và tường rào. Tuy nhiên, 4 ngôi nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng chỉ đáp ứng 50% số phòng học của các trường và chưa có khu nhà hành chính, phòng làm việc của ban giám hiệu, các phòng học chức năng, sân chơi, bãi tập phục vụ công tác giáo dục thể chất cho học sinh. Vì chưa đủ số phòng học, nên các trường vẫn phải thuê địa điểm để dạy học với kinh phí hàng trăm triệu đồng/ năm. Do thành phố chỉ hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, nên kết thúc giai đoạn 1 dự án, 3/4 số trường biến thành “con nợ” với khoản nợ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.  Hiện các trường đang triển khai giai đoạn 2 của dự án nhưng tiến độ rất chậm.

 

Theo ông Trường, song song với quy hoạch mạng lưới trường, lớp, việc đầu tư kinh phí xây dựng cần bảo đảm đồng bộ, tránh nhỏ giọt, phân tán, mỗi trường một ít để rồi tất cả cùng dở dang như dự án xây dựng 4 trường THPT nói trên. Thành phố nên tăng tỷ lệ đầu tư xây dựng trường học, bởi kể từ khi các trường không được phép thu tiền xây dựng trường học, việc huy động kinh phí cho nguồn vốn đối ứng rất khó khăn. Việc sớm điều chỉnh mức thu học phí phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội các địa phương cũng góp phần giảm khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

 

Bích Hạnh

Đọc thêm