Chuẩn bị hành trang gì cho các sỹ tử sau kỳ thi THPT?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các sỹ tử 2k6 đang vào giai đoạn nước rút cho kỳ thi THPT – kỳ thi cuối cùng, vô cùng quan trọng của đời học sinh. Vào thời điểm này, cùng với việc giúp con có sức khỏe tốt, sử dụng thời gian một cách khoa học trong giai đoạn tổng ôn, có một việc tối cần thiết cha mẹ cần trang bị cho con, nhưng nhiều người lại dễ bỏ qua.

“Bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên khi ra trường?” đó là câu hỏi đầu tiên chuyên gia tâm lý Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đặt ra cho các bạn học sinh tham dự chương trình “Hành trang vững bước vào đời” (chương trình do trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – ĐHSP Hà Nội – tổ chức).

Rất vui vẻ, hồn nhiên, nhiều bạn chia sẻ: "Con nghĩ đến việc đi Hạ Long"; "Chúng con tổ chức tiệc chia tay"... Cũng có những con trầm ngâm: "Con sẽ phải đi làm"; "Con muốn vào trường đại học"; "Con sẽ làm như thế nào để sau này có cuộc sống ổn định, hạnh phúc."...

Rất nhiều suy nghĩ trong đầu một bạn học trò sau 12 năm đèn sách sau câu hỏi ấy. Tuy nhiên, điều mà nhiều bạn trẻ còn chưa nghĩ tới là “có rất nhiều cạm bẫy bên ngoài cuộc sống rộng mở sau cánh cổng trường.”

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)

Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý Nguyễn Vân Anh, cạm bẫy bên ngoài muôn hình vạn trạng. Nó không chừa một ai. Có những người rất tài giỏi, rất thông minh, tỉnh táo, đỗ nhiều trường đại học danh giá, nhưng vẫn có thể bị rơi vào cạm bẫy.

Trước ngưỡng cửa của sự trưởng thành, các bạn học sinh khối 12 đã được chuyên gia tâm lý nhắc tới những khái niệm mang tính nhận diện các dấu hiệu bạo lực, dấu hiệu có tính cảnh báo sẽ có thể phát sinh bạo lực. Các bạn cũng được cảnh báo bạo lực có thể xảy ra ở bất cứ mối quan hệ nào như bạo lực trong hẹn hò, bạo lực trong hôn nhân; Bạo lực và xâm hại trên cơ sở giới; Nguy cơ quấy rối tình dục công sở; Nhận diện người có nguy cơ gia trưởng để tránh; Làm thế nào để chia tay trong văn minh và an toàn…

“Làm thế nào để giữ được tình trạng an toàn? Làm sao để không bị chết vì bạo lực? Bởi khi đó, dù mình tài giỏi đến đâu, thì tất cả cũng sẽ trở nên vô nghĩa.” – chuyên gia đưa yêu cầu cho các bạn trẻ.

Kể lại câu chuyện có thật về một cô tiểu thư con một chủ doanh nghiệp giàu sang có tiếng ở Hà Nội, bà Vân Anh cho biết: Cô gái đó chỉ vì thi trượt đại học, buồn quá nên ra bờ hồ ngồi. Tại đây, một người phụ nữ đã tới an ủi, vỗ về, rủ cô bé đi chơi cho đỡ buồn. Ai ngờ 1 phút không tỉnh táo, cô gái đã bị bán vào nhà chứa, rồi bị nhiễm HIV.

“Đây là giai đoạn vô cùng nhạy cảm và đặc biệt. Các bạn cố gắng hết sức mình học hết sức để mình đỗ đại học. Đỗ đúng nguyện vọng thì là một điều rất tốt, không được thì chúng ta lại có sự lựa chọn khác, nên các bạn đừng vọng tuyệt vọng đừng để cho mình trở thành miếng mồi của những kẻ lừa đảo. Cô gái mà tôi kể trên đây đã mất rồi nhưng tôi vẫn muốn kể lại cho các bạn như một trải nghiệm rất quan trọng ở cái thời điểm này. Các bạn cần chuẩn bị kỹ năng để tự bảo vệ mình” chuyên gia tâm lý Vân Anh chia sẻ.

Bà nhắn nhủ các bạn trẻ: Mọi sự đau buồn, chán nản, tuyệt vọng trong cuộc sống, chúng ta đều có thể đi qua được nếu chúng ta có sức khỏe, có kiến thức, có kỹ năng. Các bạn hãy tỉnh táo để tránh xa cạm bẫy, để tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống.

TS Phạm Sỹ Cường – Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành.

TS Phạm Sỹ Cường – Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành.

Chia sẻ với các học trò tại chương trình, TS Phạm Sỹ Cường – Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – đã không dùng những lời lẽ lý thuyết để giảng dạy học sinh, giơ cánh tay của mình, thầy tâm sự với học trò: Thầy có một vết sẹo nhỏ ở cổ tay. Nó khiến thầy rất vướng khi đóng cúc cổ tay áo. Thầy thầy rằng những vết sẹo thể chất còn gây khó chịu cho ta như vậy, những vết sẹo trong tâm hồn sẽ làm chúng ta khổ sở hơn rất nhiều. Để không phải có những vết sẹo ấy, thầy mong các con tỉnh táo tích lũy kiến thức, tích lũy kỹ năng để có thể nhận diện được các nguy cơ, không bị mắc vào các cạm bẫy của cuộc sống, không gây ra những vết sẹo cho cuộc đời của mình.

Thầy cũng chia sẻ với học trò một câu chuyện buồn của mình: Thầy có một học trò rất giỏi, rất xinh đẹp. Cô học trò ấy từng là niềm tự hào của thầy và nhà trường. Sau khi đỗ một trường đại học rất danh tiếng, cô bé vừa đi học, vừa đi làm thêm. Tuy nhiên, do không đủ nghị lực để tỉnh táo trước những cám dỗ của vật chất, cô bé ấy đã vướng vào cạm bẫy.

Theo lời kể của thầy, hiện giờ cô học trò ấy đã ra nước ngoài sinh sống, và có lẽ khó có thể trở về quê để sống cuộc đời bình thường. “Đáng lẽ ra chị ấy đã có một tương lai thật đẹp. Nhưng chỉ vì thiếu kinh nghiệm thực tế nên đã phải trả giá quá đắt. Thầy rất mong các con thật thật trọng trước cuộc sống. Tự mình chủ động tìm kiếm kiến thức, tỉnh táo trước các tình huống của cuộc sống để không phải gặp những câu chuyện đáng tiếc.” – TS Phạm Sỹ Cường nhắn nhủ học trò.

Các sỹ tử 2k6 hào hứng tham dự chương trình.

Các sỹ tử 2k6 hào hứng tham dự chương trình.

Tham dự chương trình, bà Nguyễn Thanh Thủy, một phụ huynh có con đang học lớp 12 chia sẻ: Đúng là lâu nay tôi luôn nghĩ các con còn bé, chỉ cần tập trung chăm sóc sức khỏe cho con và đốc thúc con học. Nhưng nghe chuyên gia chia sẻ, mới giật mình nhận ra các con đang sắp phải trải qua một giai đoạn rất nhạy cảm. Bởi các con rất háo hức khám phá cuộc sống rộng lớn bên ngoài, nhưng con lại chưa có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm. Đây là giai đoạn các con dễ rơi vào cạm bẫy. Thời gian của chương trình không nhiều, nhưng với những sự gợi mở của chuyên gia, như một sự cảnh báo để phụ huynh và các con nhận thức được mình cần phải chuẩn bị gì cho các con ở chặng đường tiếp theo.

Đọc thêm