Chuẩn hóa hệ thống trường dân tộc nội trú

Ngành GD đang hướng đến việc chuẩn hoá hệ thống trường dân tộc nội trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số

Cho đến nay  hệ thống trường dân tộc nội trú dành cho học sinh dân tộc thiểu số đã có mặt khắp các địa phương trong tỉnh và ngành GD đang hướng đến việc chuẩn hoá.

Học sinh trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng tham gia Đại hội TDTT tỉnh.

Theo Sở Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng, hầu hết các địa phương trong tỉnh nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đến nay đều đã có trường dân tộc nội trú (DTNT). Trong khối trung học cơ sở (THCS) ) tỉnh có 7 trường phân bố ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và Đam Rông. Với 3 huyện phía nam Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, một trường liên huyện được đặt tại Đạ Tẻh dành cho cả 2 khối THCS và trung học phổ thông (THPT), năm học này đã có học sinh học đến lớp 12 tại đây. Riêng trường THPT DTNT tỉnh đặt tại Đà Lạt đã được tỉnh đầu tư hết sức bài bản. “Mạng lưới trường DTNT của tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu của con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn” – bà Nguyễn Thị Anh Phương, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng cho biết.

Trong năm học này, hơn 3100 học sinh đang theo học tại các trường DTNT trong tỉnh trong tổng số trên 84 nghìn học sinh dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 700 học sinh ở khối THPT, còn lại là học sinh khối THCS. Hằng năm, các trường DTNT thực hiện việc xét tuyển đầu vào theo chỉ tiêu tỉnh giao, hội đồng tuyển sinh do UBND huyện, thành phố lập, xét tuyển theo từng địa bàn xã, phường, thị trấn. Tất cả học sinh khi vào trường phải sống trong các khu nội trú trong trường và được nhà nước đầu tư rất nhiều khoản, từ học bổng, ăn ở, cấp tiền tàu xe về tết và hè đến hỗ trợ học phẩm tập vở, bút giấy chi chép, sách giáo khoa, cấp chăn màn, áo quần…

Tổng các khoản kinh phí định mức, theo Phòng kế hoạch – tài vụ Sở GD- ĐT Lâm Đồng, trên dưới 10 triệu đồng  cho mỗi học sinh trong một năm học. Để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, hầu hết các trường hiện nay đều đã có phòng y tế , cán bộ y tế chuyên trách với tủ thuốc học đường. Sau khi tốt nghiệp ở các trường THCS DTNT, hầu hết học sinh đều học tiếp lên bậc THPT, nhưng trong đó chỉ có khoảng 37 % tiếp tục vào được trường DTNT, số còn lại theo học tại các trường PTTH đại trà, một số ít khoảng 3% học bổ túc văn hoá ở các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Về cơ sở vật chất, theo Sở GDĐT Lâm Đồng, nhìn chung hệ thống trường DTNT luôn được nhà nước quan tâm đầu tư thích đáng. Tuy nhiên, bên cạnh một số trường có cơ sở khá đảm bảo, có khu học tập và khu nội trú dành cho học sinh riêng biệt, có nhà ăn, có các phòng chức năng để học sinh sinh hoạt, có nhà công vụ cho giáo viên, vẫn còn không ít trường ở các huyện vùng sâu còn gặp rất nhiều khó khăn trong cơ sở vật chất , thiếu sân chơi , bãi tập, chỗ ở cho học sinh  còn chật hẹp… 

Dù vẫn còn khó khăn, nhưng điều đáng ghi nhận nhất của khối trường DTNT của tỉnh trong những năm gần đây chính là chất lượng học tập của học sinh ngày càng được nâng lên rõ rệt.  Hầu hết các trường đã tổ chức học 2 buổi /ngày, buổi tối nhiều trường còn tổ chức ôn tập phụ đạo thêm cho học sinh , giúp học sinh chuẩn bị bài mới. Theo Sở GD- ĐT, so với mặt bằng chung của khối DTNT các tỉnh Tây Nguyên, kết quả học tập và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp  của Lâm Đồng luôn vượt cao hơn hẳn.

Cụ thể,  xếp loại về học lực năm học 2009-2010 vừa qua, có 6,7% học sinh khối THCS xếp loại giỏi, gần 35% xếp loại khá, trên 46% xếp loại trung bình , học sinh kém chỉ chiếm trên 12%. Trong khối THPT, học sinh giỏi chiếm 1,8%, khá trên 30%, trung bình gần 55% và học sinh yếu chỉ chiếm trên 12%. Tỷ lệ học sinh THCS tốt nghiệp năm học vừa qua đạt 98%, còn trong THPT tỷ lệ tốt nghiệp của trường DTNT tỉnh đạt 83%. Về đạo đức, theo ông Lê Văn Lai, Phó Trưởng phòng Trung học – Sở GD ĐT, khối DTNT nhiều năm liền rất ít trường hợp vi phạm kỷ luật học đường.

Trong thời gian đến , Sở GD- ĐT cho biết ngành sẽ tập trung đầu tư các trường DTNT theo hướng xây dựng trường chuẩn, trước mắt là chuẩn hoá cho 2 trường THPT DTNT tỉnh và trường liên huyện ở phía nam. Cụ thể, về cơ sở vật chất, các trường sẽ được đầu tư  từng bước theo đủ chuẩn qui định (6 m2/học sinh cho các trường trong khu vực thị trấn, thị xã, thành phố; 10 m2/học sinh cho các vùng còn lại); tăng cường đội ngũ cán bộ giáo viên đủ chuẩn (đủ số lượng và chất lượng bằng cấp theo qui định).

Cùng đó, để nâng cao chất lượng dạy và học, theo ông Lai, Sở cũng khuyến khích giáo viên trong các trường đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra những giờ học sinh động,thu hút học sinh. Nhà trường cũng cần chú ý tổ chức các hoạt động nhóm cho học sinh, tổ chức các CLB, các hoạt động ngoại khoá trong nhà trường, khuyến khích tinh thần ham học cầu tiến của học sinh, tổ chức tốt các hoạt động văn hoá thể thao hướng nghiệp, tôn tạo môi trường cảnh quan sư phạm của nhà trường ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.

Viết Trọng

Đọc thêm