Chuẩn mực đạo đức - “Bảo bối” của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tư pháp

Hôm qua (18/12), phối hợp với Trung tâm Truyền thông pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm “Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”. Đây là hoạt động làm sâu sắc hơn, phong phú hơn những nội dung của bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức (CBCC), viên chức ngành Tư pháp, góp phần đưa bản Chuẩn mực vào cuộc sống, trở thành “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động nghề nghiệp của CBCC, viên chức ngành Tư pháp nhằm phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Hôm qua (18/12), phối hợp với Trung tâm Truyền thông pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm “Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp”. Đây là hoạt động làm sâu sắc hơn, phong phú hơn những nội dung của bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức (CBCC), viên chức ngành Tư pháp, góp phần đưa bản Chuẩn mực vào cuộc sống, trở thành “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động nghề nghiệp của CBCC, viên chức ngành Tư pháp nhằm phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Giải pháp mang tính lâu dài

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp là một trong những Bộ, ngành được thành lập ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là “một cơ quan trọng yếu của chính quyền”, đồng thời được Người coi trọng chăm lo giáo dục, huấn thị nhiều quan điểm, tư tưởng mang tính phương châm, nền tảng cho sự phát triển của ngành, trong đó có vấn đề đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung và đạo đức của người cán bộ tư pháp nói riêng.

Trải qua hơn 67 năm xây dựng và trưởng thành trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, Bộ, ngành Tư pháp đã và đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao phó thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Vai trò, vị trí của Bộ, ngành đối với quản lý nhà nước, quản lý xã hội không ngừng được nâng cao, đồng thời cũng đặt ra đòi hỏi rất lớn với đội ngũ CBCC, viên chức của Bộ, ngành nhằm đáp ứng, yêu cầu, mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Bên cạnh những ưu điểm và thành tựu quan trọng đã đạt được, ngành Tư pháp còn không ít những hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, thách thức cần khắc phục trên con đường đi tới. Vì vậy, “một trong những giải pháp có tính quan trọng, tiên quyết, đồng thời có tính lâu dài để xây dựng ngành Tư pháp vững mạnh, xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ, đó là toàn ngành phải tăng cường quán triệt, thấm nhuần và thực hiện tốt hơn nữa những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp” – Thứ trưởng Sơn khẳng định.

Những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản và toàn diện

Bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của ngành Tư pháp được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể hiện nổi bật tinh thần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp, phát huy truyền thống xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành.

Đây là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản và toàn diện về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp trong công tác và sinh hoạt hàng ngày, gắn liền với đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ công tác của ngành, thể hiện tập trung nhất những nội dung, yêu cầu mà CBCC, viên chức của ngành cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản Chuẩn mực tập trung vào 4 vấn đề lớn: Lòng trung thành, phấn đấu của CBCC, viên chức ngành Tư pháp đối với mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN; Thái độ ứng xử của CBCC, viên chức của ngành trong quan hệ với nhân dân; Nguyên tắc, phương pháp thực hiện công tác tư pháp; Phẩm chất đạo đức đối với đồng nghiệp và bản thân mà CBCC, viên chức của ngành cần nêu gương thực hiện. Các vấn đề trên được thể hiện thành 5 điều ngắn gọn, súc tích.

Mỗi chuẩn mực được diễn giải cụ thể thành yêu cầu, hành động, việc làm cụ thể để đảm bảo nhận thức và thực hiện đúng đắn, thống nhất. Bản Chuẩn mực thể hiện quyết tâm chính trị lớn của CBCC, viên chức toàn ngành Tư pháp trong việc rèn luyện, tu dưỡng, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị - pháp lý, kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong, phong cách theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe các đại biểu phát biểu tham gia tọa đàm, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn chia sẻ: Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là việc làm thường xuyên, lâu dài của mỗi CBCC, viên chức ngành Tư pháp, học Bác từ những việc nhỏ để làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình.

“Những ý kiến tham luận tại tọa đàm thực sự là những tư liệu quý giá, những gợi mở, những đề xuất thiết thực để tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện bản Chuẩn mực; để có những định hướng hướng dẫn, tuyên truyền, động viên, khuyến khích nêu gương trong toàn ngành theo phương châm Dân chủ - Đoàn kết – Thực lòng với mình – Thực lòng với người, tự nguyện, tự giác” – Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

* Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc:

Cần phát hiện những tấm gương sẵn sàng “sống chết” với pháp luật

Ưu điểm của bản Chuẩn mực đạo đức là rất ngắn gọn nhưng tôi cũng có một điểm băn khoăn. Pháp luật của ta vẫn còn thiếu, ban hành nhiều song chưa đủ và quan trọng là đến với người dân chưa thật rộng khắp. Vì vậy, trong bản Chuẩn mực cần phải đề cập được ý này vì nói đến công tác tư pháp là phải làm thế nào để từng người dân hiểu pháp luật, làm theo pháp luật, ngành Tư pháp phải là ngành đi đầu trong việc đưa pháp luật đến với nhân dân. Chúng ta còn thiếu những tấm gương làm công tác tư pháp sống chết với pháp luật, tìm mọi phương thức để đưa pháp luật đến với người dân. Cần có phương thức phát động phong trào, tạo không khí, môi trường cho anh em trong ngành say sưa với pháp luật, sống chết với pháp luật, tìm mọi cách để đưa pháp luật đến với người dân.

* PGS.TS. Nguyễn Thế Thắng – Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh:

Phải có quyết tâm lớn để làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Vốn từ những người bình thường vào công tác trong ngành Tư pháp, không thể bỗng chốc ai cũng lại có ngay được những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp tư pháp theo đúng như tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cho nên chỉ với quyết tâm lớn chuyển từ nhận thức, tình cảm ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh sang hành động “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống thường ngày; chỉ có quyết tâm vượt lên chính mình, chiến thắng được kẻ thù nguy hiểm nhất của đời mình nằm ngay trong lòng mình là chủ nghĩa cá nhân; chỉ có chịu khổ luyện, bền bỉ, thường xuyên, hàng ngày trong các loại hoạt động tư pháp, trong thực tế đời sống của mình và của xã hội, nói đi đôi với làm, gương mẫu trước nhân dân, gắn bó với nhân dân, thì vốn từ những người bình thường cũng nhất định sẽ trở thành những cán bộ tư pháp kiểu mẫu trong sáng như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

* TS.Dương Thanh Mai – chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp:

Cần nhất là hai chữ “thực lòng”

Theo tôi, hai chữ cần nhất trong quá trình thực hiện bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là hai chữ “thực lòng”. Có tất cả các chuẩn mực mà không thực lòng thì khi thực hiện sẽ chỉ là hình thức, sẽ là bên ngoài của mỗi chúng ta. Thứ nhất là thực lòng trong mối quan hệ với Tổ quốc, thực lòng yêu nước. Thứ hai là thực lòng với dân, phải tin vào dân để lấy lòng tin ở dân. Thứ ba là thực lòng với công việc, phải có gan góc, có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp để đi tới mục đích của cải cách. Thứ tư là phải thực lòng đoàn kết, mới đem lại hiệu quả công việc cho chúng ta. Cuối cùng là thực lòng với chính mình, đây dường như là điều dễ nhất nhưng thực ra là điều khó nhất, là bến xuất phát đầu tiên và cái neo cuối cùng trong tất cả các mối quan hệ khác.

* TS.Lê Thanh Thập (Giảng viên chính, Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Luật Hà Nội):

Trong hoạt động tư pháp phải biết tự hổ thẹn

Muốn đưa bản Chuẩn mực đạo đức vào cuộc sống đối với đối tượng nhân cách đạo đức đã định hình là một việc làm khó và hiệu quả không cao nhưng không thể không làm. Nói tới đạo đức là nói đến lương tâm, lương tâm chính là sự tự hổ thẹn. Trong hoạt động tư pháp nếu không biết tự hổ thẹn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu: một là không nâng cao được chuyên môn, nghiệp vụ; hai là luộm thuộm, cẩu thả, liều lĩnh sẵn sàng làm việc xấu ảnh hưởng đến ngành nghề, đến xã hội; ba là vô cảm, trơ lỳ trước cái xấu, cái ác… Trong đạo đức nghề nghiệp nói chung, đạo đức tư pháp nói riêng, trạng thái khẳng định của lương tâm có vai trò nâng cao tính tích cực, giúp cho mỗi người tin tưởng vào mình trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.

Nhóm PV Nội chính

Đọc thêm