Chung quanh chiến lược của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan

Tháng 12 tới, Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ công bố kế hoạch xem xét lại cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan. Theo các nguồn tin từ Oa-sinh-tơn, trong kế hoạch này, người đứng đầu Nhà trắng sẽ tuyên bố, chiến lược của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan đang vận hành bất chấp bạo lực gia tăng và số người thương vong lên mức kỷ lục và rằng, có thể bắt đầu rút quân theo đúng thời hạn vào tháng 7-2011.

Tháng 12 tới, Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ công bố kế hoạch xem xét lại cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan. Theo các nguồn tin từ Oa-sinh-tơn, trong kế hoạch này, người đứng đầu Nhà trắng sẽ tuyên bố, chiến lược của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan đang vận hành bất chấp bạo lực gia tăng và số người thương vong lên mức kỷ lục và rằng, có thể bắt đầu rút quân theo đúng thời hạn vào tháng 7-2011. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho biết, Tướng Đ.Pê-tra-ớt, chỉ huy lực lượng Mỹ và NATO ở Áp-ga-ni-xtan, cho rằng từ khi việc triển khai thêm 30 nghìn quân Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan hoàn thành, vẫn cần nhiều thời gian hơn để có một bức tranh tổng thể để đánh giá chiến lược ở Áp-ga-ni-xtan đang vận hành như thế nào và ảnh hưởng của nó đối với việc rút quân đội Mỹ khỏi nước này.

Trước khi xem xét lại chiến lược ở Áp-ga-ni-xtan, nhiều quan chức Mỹ đã đưa ra những đánh giá lạc quan về cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, một cuộc chiến được dư luận rộng rãi cho là tồi tệ đối với Mỹ và NATO trong chín năm qua. Tướng Pê-tra-ớt đã ra lệnh tăng cường các hoạt động bằng việc sử dụng nhiều hơn lực lượng đặc biệt tinh nhuệ và đã tiêu diệt hoặc bắt giữ hàng trăm tay súng của lực lượng Ta-li-ban trong những tuần gần đây.  Cuối tháng 10 vừa qua, tướng Pê-tra-ớt cho biết, "đà tiến công" của Ta-li-ban, "đã bị ngăn chặn". Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, tướng Pê-tra-ớt đã đưa ra một "bức tranh mầu hồng" về cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan. Một quan chức NATO ở Brúc-xen (Bỉ) quan ngại rằng, các thủ lĩnh Ta-li-ban bị tiêu diệt được thay thế nhanh chóng bằng những tay súng Ta-li-ban cấp tiến hơn và trẻ  hơn.

Tổng thống B.Ô-ba-ma đã ra lệnh xem xét lại cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan sau khi ông công bố chiến lược mới tháng 12 năm ngoái nhằm "phá tan, giải giáp và đánh bại" An Kê-đa và lực lượng Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan. Khi công bố chiến lược mới, ông Ô-ba-ma đã ấn định thời hạn bắt đầu rút quân đội Mỹ do sức ép từ các nghị sĩ đảng Dân chủ chống cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan. Trong kế hoạch xem xét lại được công bố vào tháng 12 tới cho rằng, chiến lược của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan đang vận hành sẽ tạo nhiều thời gian hơn cho Tổng thống Ô-ba-ma thỏa thuận với các tướng lĩnh trên chiến trường duy trì lực lượng lâu dài hơn để bảo đảm  những thắng lợi về quân sự. Mặc dù cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan không là vấn đề lớn trong cuộc bầu cử QH giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vừa qua, ông Ô-ba-ma vẫn chịu sức ép phải chứng tỏ giành được những kết quả tích cực trong cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, nhất là sau khi ông chỉ trích người tiền nhiệm của mình, ông G.Bu-sơ, về việc theo đuổi cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan.

Một quan chức của chính quyền Ô-ba-ma cho biết, việc xem xét lại chiến lược ở Áp-ga-ni-xtan không có nghĩa là sửa đổi toàn bộ chiến lược của cuộc chiến tại đây mà đưa ra một cách nhìn cụ thể về việc chiến lược đó đang vận hành như thế nào. Theo quan chức này, những cải thiện về an ninh đã tạo điều kiện cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán về chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh cho người Áp-ga-ni-xtan bắt đầu vào tháng 7-2011. Nhiều quan chức Mỹ yêu cầu được giấu tên tiết lộ, huấn luyện lực lượng Áp-ga-ni-xtan là một lĩnh vực mà chiến lược này cần xem xét. Mỹ đã yêu cầu tăng quân đội và cảnh sát Áp-ga-ni-xtan từ hơn 260 nghìn người hiện nay lên 306 nghìn người vào tháng 10-2011. Một mục tiêu nhiều tham vọng hơn là tăng thêm lực lượng sau tháng 10-2011. Một lĩnh vực khác mà chiến lược mới đề cập là hạn chế các cuộc tiến công của các tay súng ở Pa-ki-xtan. Trong khi đó, Tổng thống H.Ca-dai đang gây sức ép đòi hạn chế thiệt hại dân thường, vai trò của các công ty an ninh tư nhân và chấm dứt hoặc giảm các cuộc truy quét, lùng sục các nhà ở vào ban đêm. LHQ cho biết, số dân thường thiệt mạng tăng 31% trong sáu tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009.  Kể từ tháng 12-2009, khi chiến lược mới được công bố, đã có 479 binh sĩ Mỹ chết ở Áp-ga-ni-xtan.

Ngày 8-11 vừa qua, Mỹ cho biết kế hoạch của Tổng thống H.Ca-dai đảm nhiệm an ninh của Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014 là mục tiêu thực tế và đây là mục tiêu sẽ được NATO ủng hộ tại Hội nghị cấp cao NATO diễn ra từ ngày 19 đến 20-11 tới ở Li-xboa, Bồ Đào Nha. Tại cuộc họp báo trong thời gian ở thăm Ô-xtrây-li-a, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Ghết nêu rõ mục tiêu chuyển giao trách nhiệm an ninh cho Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014 của Tổng thống H.Ca-dai là một trong những vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Li-xboa./.

(Theo: Nhandan.com)

Đọc thêm