"Chúng ta đang dựa dẫm vào thần, thánh quá nhiều”!

(PLO) - Lễ hội, đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Với hơn 8000 lễ hội, trong đó có hơn 6000 lễ hội truyền thống với nhiều phong tục tốt đẹp, có thể nói Việt Nam là quốc gia có kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ. 
Cướp lộc đền Trần
Cướp lộc đền Trần
Tuy nhiên, càng ngày nhiều mặt trái của các lễ hội đang bộc lộ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam về những vấn đề còn tồn tại của mùa lễ hội năm nay.
Chưa năm nào tình trạng bạo lực tại lễ hội lại được nói đến nhiều như năm nay như cướp lộc tre đến vỡ đầu ở Hội Gióng, tục chém lợn ở Bắc Ninh, tranh cướp phết ở Phú Thọ, cướp lộc ở Đền Trần... Phải chăng, tín ngưỡng dân gian đang bị phá vỡ, lễ hội đang bị biến chất? Cá nhân ông nhìn nhận thế nào về vấn đề bạo lực của mùa lễ hội năm nay? 
- Ngày xưa lễ hội mang tính cấu kết cộng đồng, tính giao hòa giữa người với thánh thần. Vì ngày xưa trình độ khoa học còn hạn chế, nhìn nhận thánh, thần có ý nghĩa với người hạ giới. Xưa không có cướp lộc do ngày xưa người tham gia lễ hội ít, cộng với tâm niệm người khi đến tham dự lễ hội là kính cẩn với thần linh, không mang tâm lí tranh cướp. 
Giờ đây, người ta mong muốn được thần thánh phù hộ độ trì ăn nên làm ra, ban phát lộc cho chúng ta dưới hạ giới. Chúng ta mang ý nghĩa trần tục vào lễ hội. Chúng ta cầu xin cho có lộc to. Sự tranh cướp thể hiện sự biến tướng, hiểu sai ý nghĩa lễ hội.
Chưa bao giờ chúng ta mê tín như bây giờ. Chúng ta chỉ có thể tin trong hoàn cảnh nào cụ thể chứ không phải là thần thánh tối thượng như bây giờ. Rồi hành động theo tâm lý đám đông. Thấy nhà kia lễ to ta cũng phải to, đua nhau mà không thấy rằng trước thánh thần mọi người đều bình đẳng, quan trọng là thành tâm. Bản thân người hành hương đang mất tự tin.
Câu chuyện quản lý lễ hội đã được nói đến nhiều, nhưng năm nào cũng có chuyện. Phải chăng việc quản lý chưa đủ tốt, thưa ông?
- Quản lý lễ hội là khó khăn chung của xã hội chứ không chỉ của ngành văn hóa. Những hình ảnh ấy phải chọn lọc, đừng nói nhân danh cộng đồng, đừng nói chủ thể văn hóa, đừng nhân danh sự đa dạng văn hóa mà dung túng những hành động phản cảm. Có thể ngày xưa chém lợn không có tác động mạnh, bởi nằm trong phạm vi nhỏ của làng. 
Nhưng bây giờ, bất cứ hành động nào cũng có cơ hội trở thành hành động toàn cầu và cả thế giới nhìn vào hình ảnh cả thân lợn bị kéo lê đi, đầy máu như thế. Có thể dùng vải đỏ che đi, có thể vẫn thực hành được nghi lễ đấy mà tính thiêng vẫn giữ, thậm chí lại tăng thêm tính thiêng. Ngày xưa, văn tế, cúng tế trong hậu cung có ai được vào ngoài ông chủ lễ. Ngày nay, chúng ta phơi bày ra thế, trong một hình ảnh trần tục, còn tính thiêng không, ngay trong lễ hội có những yếu tố không thích hợp với cuộc sống hiện tại cần phải điều chỉnh. 
Ông Lương Hồng Quang
Ông Lương Hồng Quang 
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ ngập tràn lễ hội là bởi đã có một thời gian dài việc phục dựng bị lạm dụng. Quan điểm của ông thế nào?
- Chúng ta đang ở trong xu hướng “Di sản hóa”, xu hướng này là tổng kết của một học giả người Anh. Ở các nước đang phát triển, họ tận dụng xu hướng này để khuếch trương giá trị di sản lên, sử dụng di sản như một phần của xã hội đương đại, nhấn mạnh khía cạnh thương mại và kinh tế phục vụ du lịch. Trong phong trào có hẳn căn nguyên lý thuyết như vậy, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng. UNESCO cũng góp phần vào chuyện này thông qua các danh hiệu. 
Quá trình “Di sản hóa” có tốt không? Tốt chứ! Nó giúp cộng đồng nhận thức di sản, bảo vệ phát huy gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nó cũng mang đến những khía cạnh ngoài mong đợi. Mặt không mong đợi đó chính là những gì đang diễn ra, ngộ nhận về di sản quá lớn, hoành tráng hóa di tích lễ hội, khai thác quá mức, rồi dẫn đến loạn đả, tranh cướp nhau đến vỡ đầu chảy máu, ngất xỉu… Luôn có hai mặt của vấn đề. Vì thế mới nói cần phải quản lý tốt, kiểm soát tốt bằng những chính sách và những điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
Ngay trong giới nghiên cứu hiện giờ cũng có nhiều quan điểm trái ngược nhau về phục dựng lễ hội?
- Phải nói thẳng ra rằng, các nhà nghiên cứu cũng góp phần thổi phồng lễ hội một cách ý thức và không ý thức. Quá nhiều lễ hội hoành tráng ra đời, khi phục dựng quá nhấn mạnh vào yếu tố gốc mà quên rằng di sản ấy được sử dụng như thế nào trong xã hội hiện đại cho phù hợp. 
Trong thế giới di sản, có cái bảo tồn nguyên gốc, có cái phải thay đổi. Làm gì còn lễ hội nào như xưa nữa đâu. Xưa làm gì có bãi xe, làm gì có cả nghìn cảnh sát, lực lượng vũ trang được điều ra bảo vệ lễ hội. Xưa lễ hội chỉ dành cho người già khi tham gia việc làng hoặc nam giới trong làng, phụ nữ cấm bén mảng. 
Còn truyền thông nữa, truyền thông hơi ngộ nhận khi cứ mãi tiếc nuối truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Xin nói thế này nhé, lễ hội cũng đầy rẫy hủ tục. Có cái nguyên gốc hủ tục, có cái trong bối cảnh mới không còn phù hợp nên bỗng dưng thành hủ tục. Như chém lợn chẳng hạn, bản thân hành động này là hiến sinh, nhưng giờ nhìn cảnh đó ai cũng sợ.
Quan điểm của Bộ VHTT&DL trong thời gian tới, nơi nào để xảy ra bạo lực trong quá trình hành lễ sẽ bị dừng tổ chức. Ông có đồng tình?
- Đó là quan điểm rất xác đáng. Đã đến lúc cần phải thể hiện quyền lực của nhà quản lý đối với các hoạt động lễ hội, không phải để tự do muốn làm gì thì làm được. Nên lược bỏ những nghi lễ không phù hợp với chuẩn xã hội hiện đại.
Chúng ta đang có cả nghìn lễ hội trong một năm. Vậy có nên giảm tần suất tổ chức không, điều này vừa tiết kiệm, vừa là cách để “quý hồ tinh bất quý hồ đa”?
- Xã hội ta đang quá mê tín. Cúng lễ tràn lan. Tôi có người bạn là nhạc sĩ, khi ra Hà Nội chơi đã nói thế này: Tết ở miền Bắc trước thì cấm tất, giờ thì lại thoáng quá. Cúng bái nhiều, vịn vào thần thánh nhiều đâm ra có cảm giác con người ở xã hội này mất tự tin, dựa dẫm vào thần, thánh nhiều quá. Chúng ta phải quyết định hành động của chúng ta chứ. Vì thế, rất nên giãn cách thời gian tổ chức lễ hội, xét cái nào phù hợp thì gìn giữ, không thì bỏ đi. Điều này đã được Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ VHTT&DL đang chủ trương thực hiện. Xưa, các lễ hội làng nhiều năm mới tổ chức một lần, gọi là Đại đám. Vừa để tiết kiệm, vừa là giữ gìn tính thiêng. 
Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Mùa lễ hội Xuân 2015, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước ngay trước mùa lễ hội, cụ thể là Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản, công điện của Bộ VHTT&DL về tăng cường công tác quản lý hoạt động lễ hội mà tình trạng ăn xin, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan và đặc biệt là nạn đổi tiền lẻ đã được hạn chế nhiều tại các lễ hội. Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối khác lại nảy sinh nhiều trong mùa lễ hội năm nay, đó là tình trạng bạo lực tại lễ hội. Đã đến lúc các nhà quản lý phải chặt chẽ hơn quản lý lễ hội.

Đọc thêm